Vào 17 giờ 10 phút chiều nay 24-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến ứng phó với bão số 16 (bão Tembin).
Cùng dự và chủ trì có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, Trưởng ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường; các bộ, ngành cùng lãnh đạo các địa phương Nam Bộ ở các điểm cầu trực tuyến.
Cương quyết cưỡng chế dân không chịu di dời
Trưởng ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh bão Tembin đổ bộ vào Philippines, theo thông tin ban đầu thiệt hại do bão gây ra rất lớn với gần 200 người chết, hơn 160 người mất tích.
Hiện nay, bão số 16 đang ảnh hưởng trực tiếp đến quần đảo Trường Sa, đến chiều ngày 25-12, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Côn Đảo; tối và đêm ngày 25-12, bão ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau với gió mạnh cấp 11, giật cấp 14; sau đó tiếp tục gây nguy hiểm cho vùng biển từ Cà Mau tới Kiên Giang và các địa phương trong đất liền với gió cấp 8, giật cấp 11.
Ông Cường cho biết khu vực dự báo bão đổ bộ ít khi có bão lớn; cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu còn hạn chế; dân cư vùng cửa sông, ven biển đông đúc, ít có kinh nghiệm ứng phó với bão, thậm chí một số nơi có tư tưởng chủ quan; hoạt động kinh tế khá lớn, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản, du lịch.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, đến 15 giờ ngày 24-12, các địa phương đã hoàn thành việc tổ chức cấm biển. Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng phối hợp với các địa phương thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 69.120 phương tiện/343.163 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh
Về công tác sơ tán dân, 4 tỉnh, thành phố đã có báo cáo, di dời được 13.564 người/853.604 người thuộc 9 tỉnh có kế hoạch di dời (gồm Bình Dương 1.638/3.998 người đạt 24%; TP HCM 4.926/4.926 người đạt 100%; Bạc Liêu 7.000/350.634 người đạt 2%). Các tỉnh khác đang tổng hợp, chưa có số liệu báo cáo.
Ban chỉ đạo cho biết những công việc cần triển khai tiếp theo cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 16.
Tăng cường tần suất, thời lượng phát sóng trên các phương tiện thông tin, đặc biệt là trên đài truyền hình, đài phát thanh địa phương từ tỉnh đến xã, phường, ấp về dự báo bão kèm theo công điện chỉ đạo, chỉ huy và hướng dẫn các biện pháp phòng tránh để người dân chủ động thực hiện.
Tổ chức các đoàn kiểm tra xuống cơ sở đôn đốc, động viên việc sơ tán, đảm bảo an toàn gió bão và nước biển dâng. Huy động lực lượng kiên quyết cưỡng chế đối với những trường hợp cố tình không chịu di dời.
Hoàn thành việc di dời dân sinh sống tại khu vực ngoài đê biển, các trọng điểm ven sông, kênh, rạch trước 18 giờ ngày 24-12 và các khu vực nuôi trồng thủy, hải sản; khu vực thấp trũng; các khu vực khác trước 10 giờ ngày 25-12. Duy trì, bố trí tối đa lưc lượng phương tiện để sẵn sàng cứu hộ cứu nạn nhất là tại các khu vực trọng điểm.
Ban chỉ đạo cũng đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 9 huy động máy bay trực thăng bay dọc ven biển, hải đảo, khu vực cửa sông nhất là tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, kêu gọi tàu thuyền còn đang hoạt động ven bờ, người dân chủ động phòng tránh, di dời đến nơi an toàn. Đề nghị các tỉnh cho học sinh nghỉ học 2 ngày 25 và 26-12.
Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà mạng tổ chức nhắn tin về dự bão và cảnh báo bão cho cá thuê bao trong vùng bị ảnh hưởng đặc biệt là tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang (Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có công văn và soạn thảo tin nhắn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông).
"Các anh chủ quan quá đi"
Báo cáo với Thủ tướng, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết từ sáng 25 đến hết 26-12, tỉnh sẽ cho học sinh và công nhân nhà máy, xí nghiệp nghỉ học, nghỉ làm việc (trừ lực lượng trực).
Tỉnh yêu cầu các đơn vị dừng tất cả các cuộc họp để tập trung ứng phó bão. Theo kế hoạch, tỉnh sẽ di dời 98.000 dân. Đến nay, tỉnh đã di dời những người già, trẻ em, số còn lại sẽ tiếp tục di dời theo kế hoạch. Ai không di dời chính quyền sẽ cưỡng chế để đảm bảo an toàn.
"Lo ngại nhất là người dân vẫn chủ quan, thờ ơ, vẫn chưa tin bão sẽ vào, vì 20 năm rồi bão không vào Cà Mau"- ông Hải nói và cho biết tỉnh sẽ tiếp tục kêu gọi nhân dân thực hiện các biện pháp ứng phó.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hoan ngênh lãnh đạo tỉnh Cà Mau, khi cả Bí thư tỉnh uỷ và Chủ tịch UBND tỉnh cùng tham gia dự họp ứng phó bão số 16.
Và ngay sau đó, Thủ tướng đã phê bình gay gắt khi có địa phương trong vùng dự kiến bão đổ bộ ở khu vực Nam Bộ, nhưng dự cuộc họp trực tuyến do Thủ tướng chủ trì mà chỉ cử phó chủ tịch tỉnh dự họp. "Các anh chủ quan quá đi"-Thủ tướng gay gắt.
Phải hành động với tinh thần, trách nhiệm quyết liệt nhất
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng cho biết ngay trong tối nay sẽ có một đoàn công tác đi vào vùng bão dự kiến đổ bộ. Ngay sáng mai 25-12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường sẽ có mặt tại vùng dự kiến bão đổ bộ để kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó bão.
Thủ tướng chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 16
Nhấn mạnh bão số 16 nằm trong cấp thảm hoạ, có thể gây thiệt hại rất lớn. Do đó, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 16, Thủ tướng yêu cầu các địa phương trong vùng ảnh hưởng bão không được chủ quan, sơ xuất trong chỉ đạo ứng phó.
Tất cả các địa phương và người dân, theo dõi sát thông tin, tuyên truyền, quán triệt đến người dân không được chủ quan. Yêu cầu Trung tâm Dự báo khí tượng Thuỷ văn trung ương theo dõi sát diễn biến cơn bão, với tất cả khả năng, kịp thời thông báo đến các cấp ngành, địa phương.
Các địa phương có biện pháp cần thiết di dời dân đến nơi an toàn, cần thiết phải cưỡng chế di dời; huy động lực lượng giúp dân chằng chống nhà cửa.
Đảm bảo an toàn cho các giàn khoan, cần thiết thì đóng giàn khoan để đảm bảo an toàn cho công nhân và công trình.
Các quân khu, các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng cứu nhân dân. Tất cả các địa phương phải dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung chống bão.
Về việc xem xét cho học sinh nghỉ học, Thủ tướng yêu cầu từng địa phương căn cứ trên tình hình thực tế xem xét cho học sinh nghỉ học. Đồng thời đôn đốc đến từng gia đình cùng thực hiện các biện pháp phòng chống để giảm thiểu thiệt hại khi bão đến.
"Bão Linda gây thiệt hại tới 3.000 người, đây là bài học đau xót, vì vậy các địa phương không được chủ quan. Các tàu khi vào bờ thì ngư dân, người dân phải lên bờ, còn tàu giao lại cho các lực lượng quản lý, tránh những thiệt hại như đã từng xảy ra. Những hộ dân, những tàu không thực hiện mệnh lệnh di dời, phải thực hiện các biện pháp mạnh cưỡng chế" - Thủ tướng yêu cầu.
"Tinh thần và trách nhiệm trong chỉ đạo, thực hiện đối phó với bão phải rất quyết liệt. Tuyệt đối không thể chủ quan, không coi thường và phải hành động với tinh thần, trách nhiệm quyết liệt nhất của các cấp với nhân dân"-Thủ tướng lưu ý.
Bão số 16 mạnh cấp 12, giật cấp 15 đang đi nhanh về Nam Bộ
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thuỷ văn trung ương, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 16, ở quần đảo Trường Sa đang có mưa bão, ở Huyền Trân và đảo Trường Sa Lớn gió tiếp tục mạnh lên với sức gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10.
Vị trí tâm bão số 16 lúc 16 giờ ở 8,3 độ vĩ Bắc, 113,1 độ kinh Đông; cách đảo Trường Sa Lớn khoảng 120 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135 km/giờ), giật cấp 15.
Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ nhanh 20-25 km/giờ. Chiều tối và đêm 24-12 bão số 16 duy trì sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15 với sóng biển cao 10 m sẽ đi qua khu vực đảo Trường Sa Lớn và Huyền Trân.
Sóng biển cao 10 m, ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng trên quần đảo. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão ở huyện đảo Trường Sa cấp 4 (rủi ro thiên tai rất lớn).
Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 250 km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 14 có bán kính khoảng 150 km tính từ vùng tâm bão.