Trong khi dư luận thế giới lo ngại về một cuộc chiến giữa Mỹ và Triều Tiên sau những lời đe dọa tấn công của Tổng thống Mỹ Donald Trump thì có một cuộc chiến khác cũng đang tiềm tàng bùng nổ giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo Japan Times, cuộc đối đầu giữa binh sĩ Trung - Ấn tại cao nguyên hẻo lánh Doklam đã bước sang tháng thứ Ba nhưng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Mặc dù, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi Mỹ tiến hành đối thoại và đàm phán để hạ nhiệt căng thẳng với Triều Tiên thì Bắc Kinh lại bác bỏ đề xuất đàm phán từ phía New Delhi để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại Doklam. Bởi Trung Quốc vẫn một mực khẳng định, binh sĩ Ấn Độ phải rút lui không điều kiện khỏi Doklam trước khi nghĩ tới đối thoại.
Ấn Độ phô trương sức mạnh quân sự trong lễ diễu binh mừng Ngày Cộng hòa lần thứ 68 tại thủ đô New Delhi hồi tháng Một
Thực tế, ông Tập đang phải đối mặt với tình cảnh khá khó khăn khi vừa phải tìm cách ngăn chặn một cuộc chiến bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh Bình Nhưỡng đã đạt được những thành tựu đáng kể trong chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa, lại vừa phải nghĩ cách trừng phạt Ấn Độ bao gồm cả khả năng điều động quân sự.
Do đó, việc Ấn Độ vẫn kiên quyết không chịu rút quân trước dù Trung Quốc đã nhiều lần yêu cầu đang trở thành thách thức đối với danh tiếng của Bắc Kinh ở khu vực châu Á cũng như uy thế của ông Tập khi mà Trung Quốc đang chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 19 vào tháng 11 tới.
Không hề tỏ ra nao núng trước những lời đe dọa từ phía Bắc Kinh, Ấn Độ vẫn duy trì sự hiện diện của binh lính tại Doklam, vùng cao nguyên nằm trên đường biên giới giữa bang Sikkim của Ấn Độ với Bhutan và Tây Tạng của Trung Quốc.
Thậm chí, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi còn khẳng định New Delhi "có đủ năng lực để giải quyết mọi thách thức đối với nền an ninh quốc gia".
Căng thẳng trên đường biên giới chung dài 4.057 trên dãy núi Himalaya giữa Trung - Ấn ngày càng gia tăng và thậm chí có nguy cơ bùng nổ thành chiến tranh kể từ khi binh sĩ hai nước đối đầu ở Doklam.
Dù hai bên chưa nổ súng song mới đây vào ngày 15/8, binh sĩ Trung - Ấn đã có trận ẩu đả, ném đá khiến một số người bị thương nhẹ ở khu vực tranh chấp Ladakh nằm gần hồ Pangong. Thậm chí, Trung Quốc còn đe dọa "dạy" cho Ấn Độ một bài học lớn hơn cả cuộc chiến biên giới giữa hai nước năm 1962.
Theo Japan Times, thực tế, Ấn Độ không nên xem thường trước những lời đe dọa từ phía Trung Quốc. Bởi chính quyền của ông Tập đang tìm cách thu hút sự ủng hộ từ dư luận trong nước trước nguy cơ bùng nổ chiến tranh với Ấn Độ.
Cụ thể, sau vài tuần xảy ra căng thẳng ở Doklam, Trung Quốc đã cho công bố một bài báo dài 15 trang vào ngày 2/8 cáo buộc Ấn Độ "xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc". Bài báo này được đăng sau khi ông Tập phát biểu trong lễ kỷ niệm lần thứ 80 ngày thành lập quân đội Trung Quốc.
Ông Tập khẳng định, sẽ không để mất "một phần" đất nào của Trung Quốc "dù vào bất cứ thời điểm nào hay dưới hình thức nào".
Đáng nói, bài báo của Trung Quốc đã làm thay đổi thực tế rằng, căng thẳng ở Doklam bùng phát là do Trung Quốc cố tình thay đổi hiện trạng khu vực đang xảy ra tranh chấp với Bhutan bằng cách cho xây dựng một con đường mới. Đây cũng là chiến thuật mà Trung Quốc đang áp dụng ở Biển Đông thông qua hành động trái phép xây dựng đảo nhân tạo.
Vào giữa tháng Sáu, Ấn Độ đã quyết định điều quân tới ngăn chặn quân đội Trung Quốc xây con đường cao tốc chiến lược chạy dọc cao nguyên Doklam kéo tới "Cổ gà", vùng đất nhỏ nhưng đóng vai trò quan trọng nối Ấn Độ với các khu vực xa xôi hẻo lánh ở phía đông bắc.
Trong khi đó, Bhutan, quốc gia chỉ có 800.000 dân, hiện đang phụ thuộc lớn vào sự ủng hộ quân sự từ phía Ấn Độ.
Binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ |
Đáng nói, bài báo của Trung Quốc đã đưa ra hai quan điểm bị xem là sai thực tế. Thứ nhất là Ấn Độ đã rút gần như toàn bộ binh lính khỏi cao nguyên Doklam. Thứ hai là Bắc Kinh đã thông báo trước cho New Delhi về kế hoạch xây dựng một con đường cao tốc ở Doklam.
Song nếu Ấn Độ là bên thứ ba và không liên quan tới vùng tranh chấp Doklam như bài báo của Trung Quốc nêu, thì tại sao Bắc Kinh lại phải thông báo về kế hoạch xây đường với New Delhi?
Nói rộng hơn, căng thẳng ở cao nguyên Doklam cho thấy Trung Quốc đang thi hành "học thuyết 3 mặt trận" với Ấn Độ bao gồm truyền thông, pháp lý và chiến tranh tâm lý để "giành chiến thắng mà không cần phải đụng tới vũ khí".
Và trong trường hợp thất bại, Trung Quốc có thể chuẩn bị điều động quân đội. Bản báo cáo trình lên Quốc hội Mỹ năm 2008 cũng đã nhấn mạnh: "Học thuyết 3 mặt trận đang được Trung Quốc áp dụng trong cả hoạt động quân sự và phi quân sự".
Những tuyên bố mang tính cảnh báo Ấn Độ rút quân hoặc phải đối mặt với những hậu quả khôn lường xuất hiện ngày càng nhiều trong tháng này từ phía Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng như nhiều tờ báo lớn của Trung Quốc là Nhân dân nhật báo hay Tân Hoa Xã.
Theo một cựu quan chức quân đội Trung Quốc: "Phản ứng mạnh mẽ từ phía chính phủ Trung Quốc như trên là chuyện xưa nay hiếm".
Nhưng dù phải đối mặt với những lời công kích chiến tranh hàng ngày từ phía Trung Quốc, Ấn Độ vẫn khẳng định căng thẳng giữa hai nước có thể giải quyết thông qua con đường ngoại giao chứ không phải chiến tranh cũng như đề xuất quân đội hai nước cùng rút lui.
Song theo Japan Times, khi quyết định đưa ra hành động quân sự với Ấn Độ, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình cần cân nhắc một loạt yếu tố như tác động tới nền kinh tế quốc gia, dòng tiền lớn từ Ấn Độ cũng như sự kiện Đại hội Đảng lần thứ 19 sắp diễn ra và cả cuộc họp thượng đỉnh nhóm BRICS diễn ra từ ngày 3 - 5/9 tại thành phố Hạ Môn.
Nếu như tình hình căng thẳng trên dãy Himalaya hạ nhiệt, khả năng Thủ tướng Ấn Độ Modi sẽ tham dự hội nghị BRICS.
Trong hoàn cảnh hiện nay, Bắc Kinh không thể phớt lờ những yếu tố trên để tấn công quân sự Ấn Độ như cuộc chiến biên giới năm 1962.
Nhưng một khi chính quyền Bắc Kinh khẳng định hành động của Ấn Độ ở cao nguyên Doklam là mối đe dọa trực tiếp tới sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, nguy cơ Trung Quốc tấn công quân sự hoặc xảy ra đụng độ ở biên giới với Ấn Độ là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, bản báo cáo hồi tháng Bảy của Bộ Tài chính và Tổng Kiểm toán Ấn Độ (CAG) đã thực sự khiến không ít người cảm thấy bị sốc trước năng lực sẵn sàng chiến đấu của quân đội Ấn Độ trước binh sĩ Trung Quốc. Bởi Theo CAG, kho đạn của Ấn Độ hiện chỉ đủ phục vụ quân đội chiến đấu trong 10 ngày.