Tranh luận từ 2 bài báo ở Trung Quốc
Hai học giả Trung Quốc đã cảnh báo chính sách ngoại giao "Chiến lang" gần đây của Trung Quốc tạo kẻ thù ở mọi hướng, đang đi ngược lại với "sách giáo khoa" ngoại giao của Trung Quốc
Bài viết của 2 học giả đã cảnh báo về tình trạng này và Bắc Kinh nên rút ra bài học từ những sai lầm của Nhật Bản trước cuộc tấn công Trân Châu Cảng năm 1941.
Điều này đã gây ra một cuộc tranh luận lớn ở Trung Quốc.
Thật vậy, khó có thể bác bỏ việc bị kiềm chề hiện nay của Trung Quốc trên nhiều phương diện. Trung Quốc bị mắc kẹt trong cuộc đối đầu gay gắt với chính quyền Trump trong nhiều vấn đề như Biển Đông, Hồng Kông, Đài Loan...
Mối quan hệ với Úc đã xấu đi, cuộc đụng độ biên giới với Ấn Độ đã gây thương vong lần đầu tiên trong 45 năm, mối quan hệ với Canada căng thẳng liên quan đến vụ việc bắt giữ CFO Mạnh Vãn Chu của Huawei, và gần đây là tranh cãi với Cộng hòa Séc do quan điểm trong vấn đề Đài Loan.
Ngay cả Đức, vốn từ lâu đã có quan hệ tốt với Trung Quốc, dường như cũng đang thay đổi lập trường một cách khôn khéo, thể hiện qua việc lần đầu tiên áp dụng chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Học giả Yuan Nansheng, một cựu quan chức ngoại giao đã viết, đối đầu với nhiều quốc gia cùng lúc còn hơn cả một thảm họa ngoại giao.
"Không đối đầu với nhiều nước cùng lúc là quy tắc cơ bản của ngoại giao Trung Quốc trong nhiều năm. Lý do rất đơn giản: gây thù chuốc oán ở mọi phía là chiến lược ngoại giao tồi tệ nhất.", học giả này viết.
Sau cuộc tấn công bất ngờ vào Trân Châu Cảng, Nhật Bản đã đối đầu với Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Trung Quốc và thậm chí cả Liên Xô, cùng một lúc, Yuan dẫn chứng.
Trích dẫn một cuốn sách của học giả người Mỹ Jared Diamond, Yuan cho rằng, Nhật Bản thời điểm đó đã đánh giá quá cao khả năng của mình và mang lại hậu quả tàn khốc.
Trong khi đó, những người theo chủ nghĩa dân tộc đã phản ứng gay gắt trên mạng xã hội và coi ý kiến của nhà cựu ngoại giao là "phản bội đất nước"
Bài học từ Nhật Bản
Bài báo thứ hai là của học giả Xiao Gongqin, tạo ra một số so sánh thú vị giữa những gì đã xảy ra gần 80 năm trước giữa Nhật - Mỹ và những gì hiện đang xảy ra giữa Trung - Mỹ.
Học giả này dẫn chứng sự kiện mùa hè năm 1940. Mặc dù Mỹ vẫn duy trì quan hệ kinh tế với Tokyo, cung cấp sắt và dầu với số lượng lớn, khi chiến tranh đến gần, Washington đã áp đặt lệnh cấm vận toàn bộ đối với xuất khẩu sắt vụn và dầu sang Nhật Bản. Sau đó, hàng loạt lệnh cấm vận của Mỹ, Anh, Trung Quốc và Hà Lan đã giáng một đòn nặng nề vào Nhật Bản.
Các lệnh cấm vận được đưa ra do Quân đội Đế quốc Nhật Bản đã tiến vào khu vực lúc đó là thuộc địa của Pháp ở châu Á vào giữa năm 1941.
Động thái của Nhật Bản bị coi là vi phạm lợi ích cốt lõi của Mỹ, trong đó có Philippines. Mỹ coi Nhật Bản là kẻ thù, cuối cùng dẫn đến chiến tranh bùng nổ và Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng.
Mặc dù Xiao không đưa ra so sánh trực tiếp, nhưng bước tiến của quân đội Nhật Bản trùng lặp với hoạt động xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo hiện nay của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong khi đó, sắt vụn và dầu từng được Mỹ cung cấp cho Nhật Bản cũng có thể được ví như chất bán dẫn và các công nghệ liên quan, mà Trung Quốc ngày nay đã dựa vào chuỗi cung ứng do Mỹ dẫn đầu, tờ báo Nhật Nikkei bình luận.
Quan hệ Trung - Nhật là tâm điểm
Cuộc thảo luận diễn ra khi Nhật Bản sắp đặt nhà lãnh đạo mới đầu tiên trong vòng gần 8 năm, đưa quan hệ Trung - Nhật trở thành tâm điểm.
Tại cuộc tranh luận bầu cử tổng thống của Đảng Dân chủ Tự do gần đây, ông Suga, người thay thế Thủ tướng Abe, đã bác bỏ ý tưởng do ứng viên đối thủ Shigeru Ishiba đề xuất nhằm tạo ra một liên minh quân sự NATO phiên bản châu Á.
Ông Suga nói rằng trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung, một phiên bản châu Á của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương chắc chắn sẽ trở thành một liên minh quốc tế chống lại Trung Quốc.
Trong khi đặt liên minh Nhật - Mỹ là trụ cột trong chiến lược an ninh quốc gia của Nhật Bản, tân Thủ tướng của nước Nhật dường như đang có lập trường thận trọng về việc thành lập một liên minh chống Trung Quốc - điều gợi nhớ đến một liên minh chống Nhật trước khi nổ ra chiến tranh giữa Nhật - Mỹ
Tuy nhiên, ông chưa đưa ra gợi ý rõ ràng nào về chính sách Trung Quốc của ông.
Nếu mâu thuẫn giữa Nhật Bản và Trung Quốc ngày càng sâu sắc về các vấn đề như quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông, một liên minh chống Trung Quốc có thể sẽ được hình thành trong thời gian thích hợp.
Liệu Trung Quốc có bám sát "sách giáo khoa" ngoại giao của mình và tránh tạo ra kẻ thù ở tất cả các mặt trận? Nếu các nhà ngoại giao Chiến lang bỏ qua những bài học của lịch sử, thảm họa có thể ở phía trước, tờ Nikkei cảnh báo.