Điều hiếm thấy trong các văn bản ngoại giao
Một quận trưởng ở ngoại ô thủ đô Prague, Cộng hòa (CH) Séc, hôm 31/8 vừa đăng tải một bức thư thể hiện sự phẫn nộ trước lời đe dọa của một nhà ngoại giao "chiến lang" Trung Quốc về chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Thượng viện nước này, tạp chí Foreign Policy (Mỹ) và Taiwan News (Đài Loan) đưa tin.
Cụ thể, vào cuối tháng 8, Chủ tịch Thượng viện CH Séc Milos Vystrcil đã dẫn đầu phái đoàn 90 người và thực hiện chuyến thăm kéo dài 5 ngày tại Đài Loan, nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác thương mại với đảo này. Bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh, chính trị gia này đã tuyên bố không e ngại sự phản ứng từ Trung Quốc.
Phản ứng trước chuyến thăm của Chủ tịch Thượng viện CH Séc tại Đài Loan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệp Lập Kiên cho biết: "Việc ông Vystrcil khăng khăng muốn đến Đài Loan để thực hiện cái gọi là 'chuyến thăm' này đã cố tình phá hoại nền tảng chính trị của quan hệ giữa hai nước Trung Quốc và CH Séc".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 31/8 đã tuyên bố sẽ bắt ông Vystrcil "trả giá đắt cho hành vi thiển cận và chủ nghĩa cơ hội chính trị" vì công khai khiêu khích và thách thức nguyên tắc "Một Trung Quốc".
Bộ trưởng Ngoại giao CH Séc, ông Tomas Petricek, cho biết mặc dù chính phủ CH Séc không ủng hộ chuyến đi của Chủ tịch Thượng viện Vystrcil, nhưng nước này vẫn muốn nhận được lời giải thích từ Bắc Kinh về phát biểu của Ngoại trưởng Vương Nghị. Bên cạnh đó, ông Petricek cũng tiết lộ rằng nước này sẽ triệu tập Đại sứ Trung Quốc về phát ngôn của ông Vương.
"Tôi hy vọng phía Trung Quốc sẽ đưa ra lời giải thích về [phát biểu của ông Vương Nghị]. Chuyến đi [của ông Vystrcil tất nhiên có ảnh hưởng đến quan hệ của CH Séc với Trung Quốc, nhưng tôi nghĩ rằng phát biểu này đã vượt qua ranh giới. [...] Tôi xin nhắc lại rằng chuyến thăm này hoàn toàn không nhằm mục đích đối đầu về mặt chính trị với bất kỳ ai", ông Petricek nói với báo giới địa phương.
Là một thành viên thuộc phái đoàn thăm Đài Loan, Thị trưởng thủ đô Prague, ông Zdenek Hrib, cũng đã lên tiếng về phát biểu của Ngoại trưởng Vương Nghị. Theo Taiwan News, ông Hrib cho rằng phát ngôn của nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc là điều "hoàn toàn không thể chấp nhận được".
Trong khi đó, ông Pavel Novotny, một quận trưởng ở ngoại ô thủ đô Prague, lại có phản ứng "dữ dội" hơn nhiều so với các quan chức kể trên. Foreign Policy đã mô tả hành động của ông Novotny là "phát hỏa".
Cụ thể, trong bức thư yêu cầu chính phủ Trung Quốc lên tiếng xin lỗi trong vòng 24h được chính ông Novotny đăng tải trên trang Facebook cá nhân hôm 31/8 vừa qua, vị quan chức này đã sử dụng một loạt những từ ngữ nặng nề như "thiếu suy nghĩ, thô lỗ" để chỉ trích các nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc.
Thậm chí, theo nội dung bản dịch tiếng Anh của Foreign Policy, ông Novotny còn sử dụng cả những từ ngữ mang sắc thái biểu cảm mạnh mẽ để thể hiện sự bức xúc của mình. Đây là điều rất hiếm thấy trong các văn bản ngoại giao.
"Đó là lần cuối cùng các ông mở ra cái bẫy đối với CH Séc. Bây giờ, ông hãy nghe tôi nói thật kỹ, thưa đồng chí Bộ trưởng [Vương Nghị]: Trung Quốc phải lập tức xin lỗi về lời đe dọa trơ trẽn đó. Tôi nói 'ngay lập tức' nghĩa là 'càng sớm càng tốt'."
Bên cạnh đó, ông Novotny đã lên án Ngoại trưởng Vương Nghị vì lời đe dọa của nhà ngoại giao này đã "vượt qua ranh giới" của các chuẩn mực ngoại giao, đồng thời cảnh báo rằng ông Vương sẽ phải đối mặt với "cái giá đắt cho hành vi bắt nạt" nếu không chịu thừa nhận sai lầm.
"Tôi xin cảnh cáo các vị rằng, ngay cả khi Trung Quốc đầu tư cho chúng tôi [CH Séc] nhiều hay ít hơn 14 lần so với Đài Loan, thì phản ứng của chúng tôi vẫn sẽ như vậy", ông Novotny viết.
Bức thư được ông Novotny đăng tải trên trang Facebook cá nhân hôm 31/8. Ảnh: Foreign Policy
Trung Quốc cứng rắn, mâu thuẫn gia tăng
Trong thời gian gần đây, chiến lược đối ngoại của Trung Quốc đã trở nên cứng rắn hơn trước, cụ thể là khi các nhà ngoại giao của Bắc Kinh đưa ra những lời đe dọa ngày càng gay gắt đối với những quốc gia như Mỹ, Australia vì ủng hộ những chính sách trái với tôn chỉ của Bắc Kinh, Foreign Policy nhận định.
Trong năm nay, các quan chức Trung Quốc đã đe dọa trả đũa thương mại Australia vì chính quyền Canberra ủng hộ việc mở cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch COVID-19. Bắc Kinh cũng đã đe dọa trả đũa New Zealand vì nước này đã bày tỏ quan ngại về những vấn đề ở Tân Cương và Hồng Kông.
Còn đối với Mỹ, thì gần đây Trung Quốc - với vai trò là nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới - vừa đe dọa ngừng bán các sản phẩm đất hiếm quan trọng cho tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin, sau khi hãng này ký hợp đồng nâng cấp khẩu đội phòng không Patriot ở đảo Đài Loan.
Tuy nhiên, theo Foreign Policy, cuộc tranh cãi giữa Trung Quốc và CH Séc về chuyến thăm đảo Đài Loan hồi cuối tháng 8 của Chủ tịch Thượng viện CH Séc, ông Milos Vystrcil, là ví dụ mới nhất và rõ ràng nhất về sự bức xúc của chính trị gia Séc đối với chiến lược ngoại giao cứng rắn của Trung Quốc.
Mâu thuẫn giữa Trung Quốc và CH Séc đã leo thang từ tháng 1 năm nay, khi Đại sứ quán Trung Quốc tại Prague viết thư cảnh báo chính phủ CH Séc rằng Bắc Kinh sẽ giáng đòn trả đũa nhằm vào các công ty của CH Séc có trụ sở tại Trung Quốc, nếu như Chủ tịch Thượng viện nước này vào thời điểm đó là ông Jaroslav Kubera tiến hành chuyến thăm chính thức tới đảo Đài Loan.
Vào tháng 3, Thủ tướng CH Séc Andrej Babis đã yêu cầu thay thế Đại sứ Trung Quốc và nói rằng lời đe dọa của ông này là điều "không thể chấp nhận được". Ông Kubera sau đó đã qua đời, tuy nhiên người kế nhiệm của ông đã thực hiện kế hoạch thăm Đài Loan vào cuối tháng 8 vừa qua, một động thái khiến Bắc Kinh tức giận.
Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: