Hãng tin Sputnik (Nga) cho hay, Tokyo từ lâu đã khao khát có được mẫu máy bay chiến đấu tiên tiến của Washington. Tuy nhiên, sau sự can thiệp của giới chính trị gia Mỹ, dây chuyền sản xuất F-22 đã phải ngừng hoạt động. Điều đó có nghĩa nếu Nhật Bản có cơ hội có được mẫu máy bay này trong tương lai thì họ sẽ phải trả một khoản tiền khổng lồ.
Cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Quốc phòng Nhật Bản bước đầu đã đề nghị các nhà sản xuất cung cấp thông tin về các mẫu máy bay chiến đấu thế hệ mới của họ. Đây là bước đầu tiên của Tokyo trong tiến trình thay thế phi đội chiến đấu cơ đa nhiệm Mitsubishi F-2 bằng một mẫu tiêm kích mới gọi là "F-3".
Nhật Bản từ lâu đã khao khát có được F-22...
Có vẻ như trong vòng 10 năm, từ lúc phát triển cho tới khi biên chế chiến đấu cơ F-3 cho Không quân, Nhật Bản sẽ phải hứng chịu một lỗ hổng an ninh, bởi Trung Quốc- đối thủ của họ trong khu vực đang tiếp tục có những bước tiến mới.
Nhiều quan chức Nhật Bản đã nhìn ra giải pháp, tuy nhiên, có một trở ngại lớn đang cản đường họ.
Trước đây, Tokyo đã nhiều lần đề nghị mua tiêm kích thế hệ 5 F-22 nhưng không được luật pháp Mỹ cho phép, trừ phi Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc đồng ý châm chước cho đồng minh lâu năm.
Tham vọng chiếm ưu thế trên không của Nhật Bản bị khựng lại khi Trung Quốc tuyên bố kế hoạch phát triển các tiêm kích tàng hình J-20 và J-31 để trang bị cho Không quân trong thập kỷ tới. Truyền thông Trung Quốc còn loan tin rằng những máy bay này thậm chí sẽ được triển khai trên tàu sân bay.
Tokyo giờ chỉ còn trong tay phi đội F-2 và F-15 đã già cỗi, trong đó các máy bay F-15 dự kiến sẽ phải loại biên vào năm 2040.
... nhưng lại bị Mỹ tống cho mẫu tiêm kích "lắm tật" F-35
Đáng lo ngại hơn, thay vì cung cấp cho Nhật Bản chiến đấu cơ F-22 để chống lại mối đe dọa từ lực lượng không quân ngày càng hiếu chiến của Trung Quốc thì Washington lại tống cho Tokyo các máy bay F-35 chưa chắc đã đạt được khả năng hoạt động đầy đủ trong nửa thập kỷ nữa.
Gần đây, Không quân Canada đã thẳng thừng từ chối mẫu máy bay "lắm tật" này, bất chấp việc Lockheed Martin (đơn vị phát triển F-35) nhiều lần đe dọa trả đũa kinh tế bằng cách dừng mọi hoạt động của tập đoàn tại Canada.
"Ông trùm" vũ khí Mỹ đã phản ứng khá gay gắt sau khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau phàn nàn rằng F-35 hoạt động không hiệu quả, trong khi lại quá đắt đỏ.
Với đơn giá gần 200 triệu USD/chiếc, chương trình F-35 đã ngốn hơn 1,5 nghìn tỷ tiền thuế của người dân Mỹ nhưng vẫn gặp phải nhiều vấn đề lớn về hệ thống, như ghế phóng có thể làm gãy cổ các phi công có cân nặng dưới 62kg hoặc máy bay đột ngột tắt máy khi đang bay do lỗi phần mềm.
Nhật Bản hiện cam kết mua 42 tiêm kích F-35A. Quyết định này được đưa ra vào năm 2011, khi Tokyo lựa chọn mẫu máy bay gây tranh cãi để thay thế cho các chiến đấu cơ F-4 Phantom.
May mắn cho Nhật Bản, mặc dù F-22 không còn được sản xuất tại Mỹ và các quan chức nước này vẫn chưa mở cửa xuất khẩu nhưng Tokyo có vẻ sẽ khiến Washington xiêu lòng và họ sẽ mở gói thầu (mua máy bay chiến đấu) trị giá 40 tỷ USD vào giữa tháng 7 tới với chút hy vọng.
Năm 2006, Mỹ từng cân nhắc khả năng cung cấp F-22 cho những đồng minh mà mình tin tưởng, song giới chính trị gia Mỹ đã ngăn cản quyết định xuất khẩu và thậm chí còn đóng cửa dây chuyền sản xuất.
Thế nhưng, sau khi 2 phía thông qua một thỏa thuận liên quân "chưa từng có" vào tháng 5 năm nay (theo Sputnik, đó là một phần kế hoạch của chính quyền Obama nhằm "bao vây" Trung Quốc), Nhật Bản đã có được chút hy vọng nhỏ nhoi ở phía chân trời.
Có lẽ niệm tình Tokyo nên Tham mưu trưởng Không quân Mỹ Mark Welsh đã phát biểu rằng việc tái khởi động dây chuyền sản xuất F-22 không hẳn là một "ý tưởng điên rồ", dù các quan chức ngành công nghiệp và các chính trị gia Mỹ đánh giá đó là kế hoạch không có triển vọng.
Màn trình diễn ấn tượng của F-22 tại triển lãm RIAT 2016