Thông tin trên được đài RT (Nga) dẫn lại hôm 9-2.
Chiếc máy bay IL-76 gặp nạn vào lúc 11 giờ 15 ngày 24-1 (giờ địa phương). Theo phía Nga, toàn bộ 74 người trên máy bay đều thiệt mạng, trong đó có 65 tù binh Ukraine, 3 quan sát viên và 6 thành viên phi hành đoàn.
Phía Nga cho biết số tù binh nói trên đang được tới tỉnh Belgorod, giáp biên giới Ukraine, để chuẩn bị trao đổi với tù binh Nga.
Các báo cáo cho rằng chiếc máy bay IL-76 bị tên lửa Patriot bắn hạ là "chính xác" - nguồn tin nói với tờ báo Mỹ, đồng thời khẳng định tên lửa Patriot do "một đối tác châu Âu" cung cấp cho Ukraine song không nêu tên quốc gia cụ thể.
Ngoài Mỹ, các quốc gia đã cung cấp bệ phóng và tên lửa Patriot cho Ukraine còn có Đức và Hà Lan, theo RT.
Nguồn tin cũng cho biết "có thể có một số tù binh Ukraine trên chiếc IL-76 khi gặp nạn", song Nga "có thể đã phóng đại" số người chết.
Vẫn nguồn tin tiết lộ quân đội Ukraine có thể đã thực hiện cuộc tấn công dựa trên "thông tin tình báo chính đáng nhưng thiếu sót" vì chính chiếc IL-76 từng được sử dụng để vận chuyển tên lửa Nga.
"Rất có khả năng trên máy bay IL-76 có tù binh và thiệt hại về nhân mạng là điều đáng tiếc" – nguồn tin nói với New York Times.
Thông tin ban đầu trong vụ rơi máy bay Il-76 cho thấy sự việc có thể có liên quan đến tên lửa do Pháp sản xuất, song quân đội Pháp cho rằng vụ bắn hạ sử dụng tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất.
Ủy ban Điều tra Nga cho biết chiếc Il-76 bị bắn hạ bởi 2 tên lửa đất đối không MIM-104A, được phóng từ khẩu đội Patriot nằm gần làng Liptsy, cách biên giới Nga khoảng 10 km. Chính phủ Mỹ ước tính giá mỗi tên lửa khoảng 4 triệu USD.
Patriot ban đầu được thiết kế làm vũ khí phòng không nhưng được tái sử dụng để đánh chặn tên lửa đạn đạo trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991.