Theo tờ Business Insider, vụ nổ ở Biển Baltic vào tháng 9/2022 đã phá hủy một tuyến đường xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn của Nga, gây chấn động khắp thị trường năng lượng.
Thực sự ai đã cho nổ đường ống Nord Stream đến nay vẫn là một bí ẩn. Các cuộc điều tra của Đan Mạch và Thụy Điển đã kết thúc mà không có kết luận vào tháng 2 năm nay; và vài tháng sau, Liên Hợp Quốc thừa nhận rằng họ "không có thêm thông tin chi tiết nào" về đối tượng đứng sau vụ tấn công.
Nhưng tờ Wall Street Journal vào ngày 14/8 đã công bố câu chuyện đầy đủ nhất tính đến nay với mục đích mô tả những gì đã xảy ra.
Wall Street Journal cho biết, một nhóm gồm sáu thợ lặn được Ukraine hậu thuẫn đã thuê một chiếc du thuyền dài hơn 15 mét từ Đức, lái thuyền đến Biển Baltic và đặt thuốc nổ vào đường ống.
Wall Street Journal dẫn nguồn từ bốn quan chức quốc phòng Ukraine đã tham gia vào âm mưu này hoặc biết rõ về nó. Tạp chí này lưu ý thêm, thông tin của họ được xác nhận một phần bởi các phát hiện từ cuộc điều tra của cảnh sát Đức về vụ nổ đường ống Nord Stream.
Vào đầu tháng 7 vừa qua, Viện Công tố Liên bang Đức đã ban hành lệnh bắt giữ đầu tiên liên quan đến vụ phá hoại này. Nghi phạm - được truyền thông Đức xác định là "Volodymyr Z" - đã sống ở Ba Lan vào thời điểm đó nhưng đã trốn sang Ukraine trước khi chính quyền có thể thực hiện lệnh bắt giữ, theo New York Post.
WSJ: Ông Zelensky ra lệnh dừng, Tổng tư lệnh Ukraine vẫn thực hiện kế hoạch
Wall Street Journal đưa tin, ý tưởng cho nổ đường ống là sản phẩm trí tuệ trong một đêm say xỉn trước thời điểm xảy ra vụ việc vài tháng, khi một nhóm doanh nhân và sĩ quan quân đội cấp cao Ukraine đang nâng ly chúc mừng những thành công vào thời điểm đó của đất nước họ.
Theo tạp chí này, kế hoạch đó được các doanh nhân tài trợ với số tiền chỉ khoảng 300.000 USD, và nhận được sự ủng hộ của Tổng tư lệnh quân đội Ukraine lúc bấy giờ là ông Valery Zaluzhny.
Theo Wall Street Journal, ban đầu kế hoạch đã được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky "bật đèn xanh". Nhưng vào tháng 6/2022, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã nhận được thông tin mật về kế hoạch đó và tìm cách ngăn chặn.
Tổng thống Ukraine Zelensky đã ra lệnh dừng lại, nhưng ông Zaluzhny vẫn tiếp tục thực hiện một phiên bản sửa đổi của kế hoạch. Sĩ quan cao cấp của lực lượng đặc nhiệm Ukraine Roman Chervinsky đã chỉ huy vụ phá hoại, Wall Street Journal cho biết.
Theo Wall Street Journal, Ukraine sau đó đã nhiều lần phủ nhận việc đứng sau vụ tấn công. Trong một thông điệp gửi đến tạp chí này, ông Zaluzhny từng phủ nhận mọi thông tin và cho biết bất kỳ lời buộc tội nào cũng chỉ là "hành động khiêu khích đơn thuần".
Business Insider nhận định, Ukraine có lý do chính đáng để muốn phá vỡ đường ống. Là một dự án chung giữa Nga và Đức, đường ống này được Ukraine và Mỹ coi là thứ sẽ làm tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào Nga về năng lượng, mang lại cho Moscow đòn bẩy to lớn và nguồn thu nhập quan trọng.
Sau khi Nord Stream bị phá hủy, tuyến đường xuất khẩu khí đốt tự nhiên chính duy nhất khác của Nga là qua chính Ukraine.
Cả Ukraine và Nga đều phủ nhận liên quan
Theo Business Insider, sau vụ nổ cách đây gần hai năm, đã có một loạt chỉ trích. Các quan chức phương Tây nhanh chóng cho rằng Nga có thể đứng sau vụ tấn công, nhưng Điện Kremlin đã phủ nhận.
Trong khi đó, hai nhà báo Mỹ Tucker Carlson và Seymour Hersh đều đưa ra những tuyên bố có dẫn chứng không rõ ràng rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden là chủ mưu của vụ phá hoại.
Các báo cáo điều tra chỉ ra trách nhiệm của Ukraine cũng đã xuất hiện trong nhiều tháng, với nhiều chi tiết trùng khớp với bài báo của Wall Street Journal.
Một cuộc điều tra chung giữa hai tờ The Washington Post và Der Spiegel cũng kết nối sĩ quan Chervinsky và Ukraine với vụ việc. Một bài báo của New York Times vào năm ngoái cũng cho biết một nhóm người Ukraine đứng sau vụ phá hoại.
Theo Business Insider, bài báo mới nhất của Wall Street Journal là thông tin đầu tiên cho rằng Tổng thống Ukraine Zelensky biết về vụ việc này.
Và Mykhailo Podoliak - cố vấn Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine – liền bác bỏ thông tin được đưa ra bởi Wall Street Journal, khẳng định Kiev không liên quan đến vụ nổ đường ống Nord Stream của Nga trên Biển Baltic, Reuter đưa tin vào ngày 15/8.
Ông Podoliak lưu ý với Reuters rằng, cuộc tấn công nhằm vào đường ống Nord Stream chỉ có thể thực hiện được nếu có nguồn lực kỹ thuật và tài chính dồi dào.
"Và ai có tất cả những điều kiện này vào thời điểm xảy ra vụ việc? Chỉ có Nga. Ukraine không liên quan đến vụ nổ Nord Stream", ông Podoliak nói, và cho biết Ukraine không đạt được bất kỳ lợi thế về chiến lược hay chiến thuật nào sau vụ nổ.