(Ảnh minh họa)
Theo tờ Military Watch của Mỹ, trong 10 năm trở lại gần đây, Triều Tiên đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc hiện đại hóa quân đội của nước này. Điều này có thể thấy rõ qua số lượng xe tăng chiến đấu chủ lực Pokpung-ho được nước này đưa vào trang bị hay việc cải tiến các xe tăng Chonma Ho (dựa trên T-62 của Liên Xô).
Bên cạnh những thành tựu về chương trình phát triển tên lửa đạn đạo, Triều Tiên cũng chế tạo các loại vũ khí tấn công chiến thuật, điển hình như cải tiến tàu ngầm tấn công Sinpo có khả năng mang theo tên lửa đạn đạo, đưa vào trang bị hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Kumsong-3, hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật KN-23 và ít nhất hai hệ thống phòng không mới.
Tuy nhiên, có một ngoại lệ trong chương trình hiện đại hóa quân đội của Bình Nhưỡng hiện tại, đó là Không quân Triều Tiên. Lực lượng này trong suốt 20 năm qua gần như không được trang bị các máy bay mới, năng lực tác chiến kém hơn hẳn so với các quốc gia láng giềng.
MiG-29 chiến đấu cơ hiện đại nhất của Không quân Triều Tiên. Ảnh: Military Watch.
Tờ báo của Mỹ cho biết, chiến đấu cơ có thể được xem hiện đại duy nhất của Không quân Triều Tiên là những chiếc MiG-29, được lắp ráp trên dây chuyền sản xuất mua từ Nga. Thế nhưng, số MiG-29 của Triều Tiên không nhiều, các máy bay chiến đấu chủ lực của Triều Tiên vẫn là những chiếc MiG-21, MiG-23, MiG-19, Il-28 và một số ít Su-25.
Military Watch cho rằng với các lệnh cấm vận vũ khí Triều Tiên đang bị áp đặt, cách ít tốn kém và hiệu quả nhất để nước này nâng cấp những chiến đấu cơ như MiG-21 và MiG-23 chính là trang bị cho chúng tên lửa không đối không R-27 đi kèm với hệ thống tác chiến điện tử.
Tuy nhiên, Military Watch cũng đưa ra một khả năng khác là Triều Tiên sẽ mua các chiến đấu cơ mới từ Nga và Trung Quốc phớt lờ lệnh cấm vận của Mỹ cũng như Liên hợp quốc.
Theo nhận định của Military Watch, ứng cử viên hàng đầu trong việc hiện đại hóa lực lượng Không quân Triều Tiên hiện tại là MiG-35, mẫu chiến đấu cơ kế thừa trực tiếp thiết kế của MiG-29. Điều này sẽ có lợi cho Triều Tiên trong việc tận dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện có cũng như việc bảo trì máy bay.
Tiêm kích đa năng J-10C của Trung Quốc, với hệ thống vũ khí tấn công được cho là đa dạng hơn so với các chiến đấu cơ Nga. Ảnh: Quwa.
Đối thủ cạnh tranh trực tiếp với MiG-35 ở thị trường Triều Tiên chính là những chiếc tiêm kích đa năng J-10C. Về cơ bản máy bay của Trung Quốc không chỉ rẻ hơn mà nó còn được tích hợp nhiều công nghệ mà chiến đấu cơ Nga không có. Một trong số đó có thể kể tới như tên lửa không đối không tầm xa PL-15 hay lớp phủ tàng hình.
Trong trường hợp, Triều Tiên không đủ ngân sách để mua máy bay mới thì họ vẫn có thể tìm đến các chiến đấu cơ MiG-29 và J-10A/B đã qua sử dụng. So với MiG-29 Nga, J-10A/B của Trung Quốc chỉ mới hoạt động đường khoảng 10-15 năm, do đó chúng vẫn có thể tiếp tục phục vụ nếu được nâng cấp.
Tình báo Hàn Quốc trước đây từng đưa ra một số báo cáo cho thấy Triều Tiên thể hiện sự quan tâm đến việc mua tiêm kích đa năng Su-35 của Nga, loại máy bay có thể đối phó với cả F-35, F-22 và F-15 của Mỹ và cả Seoul.
Cận cảnh chiến đấu cơ MiG-35 của Không quân Nga.