Bốn thập kỷ kể từ khi Mỹ lấy mất ảnh hưởng của Liên Xô ở Trung Đông và trở thành quyền lực hàng đầu khu vực, Nga đang quay trở lại phục hồi vị thế đã mất từ lâu của mình, theo National Interest.
Kể từ thời cựu Tổng thống Barack Obama cho đến nay là Tổng thống Donald Trump, Washington dường như đã không còn mặn mà trong việc duy trì sự hiện diện tại Trung Đông. Nếu mọi thứ vẫn tiếp diễn, Nga có thể sẽ sớm thay thế vai trò của Mỹ.
Ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga đã được biểu hiện trên toàn khu vực trong vài năm trở lại đây, kéo dài từ Morocco đến Iran. Đây là một phần trong chiến lược bao quát của Tổng thống Vladimir Putin nhằm khôi phục lại vị thế của Nga như một cường quốc, là kết quả của các biện pháp ngoại giao khéo léo kết hợp với các hợp đồng chào hàng vũ khí và hạt nhân.
Các đồng minh trong khu vực đang ngày càng do dự trong việc đặt trọn niềm chiến lược và sự bảo đảm an ninh của mình trong tay người Mỹ. Trong lúc vẫn còn đang loay hoay tìm cách ứng phó với cách tiếp cận cứng rắn của Tổng thống Trump, những “vết sẹo” từ thời Obama vẫn chưa hề lành lặn.
Nga trở lại lấp đầy chỗ trống của Mỹ ở Trung Đông.
Ai Cập đã thể hiện sự tức giận đối với những gì họ coi là sự bàng quan của người Mỹ đối với Cairo, và tiếp diễn bằng những lệnh trừng phạt sau đó đã dẫn đến một sự cải thiện đáng kể trong quan hệ của nước này với Nga.
Một thỏa thuận chuyển giao bốn lò phản ứng hạt nhân của Nga đã được hoàn thành vào năm 2017. Quan hệ quân sự hai nước đã được khôi phục, bao gồm cả hợp đồng bán hàng chục chiến đấu cơ, trực thăng tấn công và tên lửa S-300, cùng với các bài tập quân sự chung.
Ai Cập đã trở thành trụ cột trong chính sách của Mỹ tại Trung Đông kể từ khi ảnh hưởng của Liên Xô bị xóa bỏ vào đầu những năm 1970.
Washington đã xác định ba trụ cột làm nên nền tảng chính sách ở Trung Đông cho đến ngày nay: gây dựng một liên minh Ả Rập thân Mỹ với các quốc gia trung tâm như Ai Cập và Saudi Arabia; chống lại đối thủ được coi là mối đe dọa trong khu vực như Iraq, Iran và Libya với sự hỗ trợ của liên minh này; và thúc đẩy nền hòa bình Ả Rập-Israel một lần nữa, với sự ủng hộ cân bằng.
Chính vì lẽ đó, cuộc “đi đêm” của Ai Cập và Nga đã giáng một đòn nặng nề đối với Mỹ.
Trong nhiều thập kỷ, một thỏa thuận bất thành văn đã luôn là yếu tố điều chỉnh quan hệ Mỹ-Saudi, đó là đảm bảo an ninh năng lượng bằng nguồn cung cấp dầu vững bền. Năm 1991, Mỹ thậm chí còn lao vào một cuộc chiến tranh chỉ để bảo vệ Saudi Arabia.
Tuy nhiên, ngày nay, người Saudi lại bắt đầu có những thay đổi. Vào năm 2017, Vua Salman bin Abdulaziz Al Saud đã có chuyến thăm đầu tiên trên cương vị một quốc vương Saudi Arabia đến Nga.
Một thỏa thuận đã được hai nước ký kết, bao gồm hợp đồng tên lửa S-400 và tên lửa chống tăng. Một thỏa thuận hợp tác hạt nhân cũng được thông qua và Nga hy vọng sẽ cung cấp ít nhất hai trong số 16 lò phản ứng cho phía Saudi.
Nga và Saudi, với vị thế là hai quốc gia chiếm khoảng 20% sản lượng dầu quốc tế - cũng đã phối hợp để tác động lên chính sách tăng giá toàn cầu.
Sự can thiệp quân sự ở mức tối thiểu của Nga ở Syria đã mang đến những thành cộng đáng kể. Dự đoán tự tin của chính quyền Obama rằng: Syria sẽ trở thành bãi lầy mới của Nga, đã được chứng minh là vô căn cứ.
Nga đã trở thành thế lực quan trọng nhất tại Syria ngày nay, đảm bảo sự hiện diện lâu dài của mình với căn cứ không quân và hải quân trong nước.
Dù được đánh giá là một quốc gia có tầm quan trọng rất nhỏ đối với Mỹ, Syria đã bất ngờ trở thành tâm điểm của các vấn đề quan trọng nhất trong khu vực, bao gồm cuộc đối đầu Sunni-Shiite, cuộc chiến chống IS, chủ nghĩa bành trướng của Iran và xung đột Iran-Israel.
Và cũng ngẫu nhiên, vị thế của Nga tại Syria lại đủ để bao hàm ảnh hưởng đối với tất cả các vấn đề nói trên.
Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đã khiến Tehran thậm chí ngày càng gần gũi hơn với Nga. Iran đang dựa vào Nga để chống cự lại những đòn trừng phạt của Mỹ và ngăn chặn bất kỳ khả năng hành động quân sự nào có thể xảy ra.
Nga đã cung cấp cho Iran tên lửa S-300, máy bay chiến đấu, xe tăng và pháo binh, lò phản ứng hạt nhân và có thể thêm nhiều thứ khác.
Thổ Nhĩ Kỳ - trong nhiều thập kỷ từng là một đồng minh chủ yếu của NATO trong cuộc đối đầu chống lại Nga – nay lại có mối quan hệ nồng ấm hơn bao giờ hết với Moscow. Quốc gia này thậm chí còn quyết tâm mua tên lửa S-400 bất chấp sự phản ứng kịch liệt của các đồng minh NATO.
Morocco, Bahrain và Qatar cũng quan tâm đến S-400. Nga đã ký một thỏa thuận vũ khí lớn với UAE và đang tìm hiểu khả năng tiếp cận các căn cứ hải quân tại Libya. Một thỏa thuận hợp tác hạt nhân khác cũng được Moscow ký kết với Tunisia.
Nga cũng đã cung cấp cho Lebanon một thỏa thuận vũ khí lớn và quan tâm đến căn cứ không quân và hải quân tại đây. Đồng thời, Nga cũng đã thành công trong việc phát triển mối quan hệ ngày càng gần gũi với Israel.
Việc Mỹ rút khỏi Syria và những căng thẳng với Iran gần đây đã có ảnh hưởng thực tiễn khiến Nga trở thành một đối tác quan trọng đối với Israel. Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã gặp mặt người đồng cấp Putin ở Moscow mười lần trong hai năm qua.
Thế giới ngoại giao không dành chỗ cho những kẻ chậm chân và lơ là. Nga đã nhanh chóng lấp đầy khoảng trống để lại bởi Mỹ. Ở Trung Đông, người Nga đã trở lại và có khả năng họ sẽ ở lại lâu dài.