Báo Mỹ: Nếu TQ thực sự tấn công Đài Loan, sức mạnh của Mỹ cũng đồng thời bị triệt tiêu

An An |

Nếu Bắc Kinh thực sự tấn công Đài Loan, những gì xảy ra tiếp theo rất có thể sẽ quyết định việc Trung Quốc hay Mỹ giành vị trí thống lĩnh ở Thái Bình Dương.

Gia tăng căng thẳng ở eo biển Đài Loan

Theo tờ Atlantic Monthly (Mỹ), Đài Loan là một quả bom chưa từng được kích nổ. Tranh chấp về số phận của hòn đảo có thể gây ra xung đột Trung-Mỹ trong vòng nhiều thập kỷ. Nhưng theo tờ này, việc Trung Quốc có thể dùng vũ lực với Đài Loan đến nay vẫn chưa xảy ra. Cục diện ở eo biển Đài Loan đã rơi vào bế tắc quá lâu khiến tình thế tiến thoái lưỡng nan của Đài Loan lặng lẽ lui vào góc khuất của các vấn đề châu Á và bị che lấp bởi những cuộc khủng hoảng dường như cấp bách hơn, chẳng hạn như tham vọng hạt nhân của Triều Tiên hay cuộc xung đột Ấn Độ - Pakistan ở Kashmir.

Nhưng tình hình giờ đây đã thay đổi. Nhà Trắng dường như buông xuôi các vấn đề châu Á vì vậy nhiều người ngày càng lo lắng về việc liệu Mỹ có thực hiện cam kết bảo vệ Đài Loan hay không.

Ngược lại, Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết liệt hơn, bất ngờ thắt chặt kiểm soát ở Hồng Kông và ban hành luật an ninh quốc gia có tính ràng buộc sâu rộng. Do đó, một số nhà quan sát Đài Loan và bản thân chính quyền Đài Loan bắt đầu lo lắng về nguy cơ nổ ra chiến tranh để kiểm soát hòn đảo đang ngày càng gia tăng. Cuộc chiến có thể vô tình hoặc cố ý được Bắc Kinh kích hoạt, Atlantic nhận định.

Người đứng đầu cơ quan đối ngoại Đài Loan Joseph Wu nói với báo Mỹ rằng: "Tình hình ngày càng trở nên đáng lo ngại". Ông nói, Bắc Kinh từ lâu đã tuyên bố Trung Quốc có chủ quyền đối với Đài Loan và ông này "rất lo lắng" rằng tuyên bố này sẽ được sử dụng như "một cái cớ tuyệt vời để tấn công Đài Loan".

Trong khi đó, Washington cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo lớn: Thượng nghị sĩ Josh Hawley và Đại diện Mike Gallagher từng đề xuất một dự luật trong những tháng gần đây, yêu cầu Washington tăng cường thỏa thuận bảo vệ Đài Loan. Ông Gallagher nhận định, Bắc Kinh khó có thể thống nhất Đài Loan bằng phương thức hòa bình.

Báo Mỹ: Nếu TQ thực sự tấn công Đài Loan, sức mạnh của Mỹ cũng đồng thời bị triệt tiêu - Ảnh 1.

Từ Kim Môn (Đài Loan) có thể nhìn sang Hạ Môn (Trung Quốc Đại lục). Ảnh: An Rong Xu

Theo giới chuyên gia, trong một cuộc đối đầu lâu dài, căng thẳng, vô số mâu thuẫn đã nảy sinh và sẽ rất khó dự đoán khi nào một cuộc khủng hoảng nổ ra.

Hiện nay, Trung Quốc đang gia tăng sức ép đối với Đài Loan. Trong những tuần gần đây, quân đội Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận, huấn luyện trên không, trên biển bất thường gần Đài Loan. Tháng trước, Bắc Kinh tuyên bố, không tồn tại đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan. Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc mới đây đã cảnh báo Đài Loan: "Đùa với lửa sẽ bị lửa thiêu".

Một số chuyên gia Đài Loan không cho rằng đại lục muốn phát động chiến tranh. Bởi nếu tấn Đài Loan, Bắc Kinh sẽ chịu rủi ro rất lớn. Nếu tấn công thất bại, hoặc kéo dài và tốn kém, tổn thất sẽ rất nặng nề, như vậy Bắc Kinh sẽ gậy ông đập lưng ông.

Nhà nghiên cứu cấp cao không thường trực tại Viện Brookings và là chuyên gia cao cấp về các vấn đề Đài Loan Richard Bush nói rằng, việc Bắc Kinh gia tăng áp lực không phải là khúc dạo đầu cho chiến tranh, mà là một phần của chiến lược dài hạn với ít rủi ro hơn, nhằm làm suy yếu niềm tin của tất cả các giới vào chính quyền Đài Loan và sự phản kháng của hòn đảo. Ông nói: "Nếu muốn dọa người khác, bạn phải vặn chặt tất cả các con ốc".

Sức mạnh của Mỹ có thể bị triệt tiêu

Theo Atlantic Monthly, ở châu Á, Mỹ đang gặp thách thức trước một Trung Quốc trẻ hóa đang cạnh tranh ảnh hưởng, cố gắng xây dựng lại vị thế ở khu vực này. Dưới áp lực của sự hỗn loạn địa chính trị này, Đài Loan là một trong những khe hở có nhiều khả năng bị rạn nứt nhất trong hệ thống này.

Bà Thái Văn Anh đang ở nhiệm kỳ hai với vị trí lãnh đạo Đài Loan, hiện đang nỗ lực để giành được sự ủng hộ của toàn thế giới đối với Đài Loan, giảm bớt sự phụ thuộc của Đài Loan vào nền kinh tế Trung Quốc cũng như tăng cường quan hệ của Đài Loan với Mỹ. Ông Joseph Wu nói rằng, hòn đảo hy vọng đạt được một thỏa thuận thương mại với Washington.

Bắc Kinh nhận thấy, Thái Văn Anh là người mang tính đe dọa và mang ý thù địch với đại lục. Điều này khiến cả hai bên eo biển không thể đàm phán để xoa dịu căng thẳng. Đại lục đã đặt ra các điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán xuyên eo biển, bao gồm việc Đài Loan chấp nhận mô hình "một quốc gia, hai chế độ" đã được thực hiện ở Hồng Kông, trong khi bà Thái Anh Văn từ chối chấp nhận điều này. Ông Joseph Wu nói: "Tất nhiên chúng tôi hy vọng người Trung Quốc đại lục hiểu rằng vì hòa bình và ổn định trong khu vực, đại lục phải tiếp xúc với Đài Loan". Tuy nhiên, ông nói thêm: "Tôi không nghĩ rằng thời gian để các cuộc đàm phán, tiếp xúc xuyên eo biển bắt đầu sẽ sớm xảy ra".

Về phía Mỹ, một mặt, Washington đã tăng cường hỗ trợ Đài Loan: Vào tháng 8 năm nay, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar đến Đài Bắc, chuyến thăm đầu tiên của quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới Đài Loan trong 40 năm qua.

Chuyến thăm của ông Azar đã khiến Bắc Kinh tức giận vì cho rằng đại diện Mỹ đã "đột nhập" vào sân sau của họ. Cả hai lần tập trận quân sự của Bắc Kinh gần Đài Loan đều xảy ra khi các quan chức Mỹ đến thăm Đài Loan. Căng thẳng leo thang cũng khiến Đài Loan dễ bị kéo vào những xung đột vô tình hoặc ngẫu nhiên giữa hai cường quốc, chẳng hạn như xung đột bùng phát trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Mỹ.

Tuy nhiên, giới ngoại giao Mỹ lo ngại, chính quyền Tổng thống đương nhiệm sẽ không mặn mà với Đài Loan cũng như các cam kết thỏa thuận trước đó của nước này với các đồng mình.

Đối với Đài Loan, vấn đề này còn cấp bách hơn. Tổng thống Trump sẽ bảo vệ Đài Loan? Trước đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng một cuộc chiến với Đài Loan tương đương với một cuộc chiến với Mỹ, nhưng giờ đây, câu trả lời cho câu hỏi này trở nên mơ hồ hơn.

Shelley Rigger, chuyên gia chính trị Đông Á tại Đại học Davidson, Mỹ nói rằng "khả năng lãnh đạo không thể đoán trước của ông Trump sẽ khiến Bắc Kinh khó khăn hơn, nhưng nó cũng có thể khiến mọi thứ trở nên dễ dàng hơn đối với Bắc Kinh”. Bà nhấn mạnh: “Nếu bạn nhìn vào mô hình của chính quyền Tổng thống Trump, có lý do để người dân Trung Quốc nghĩ rằng họ có thể hoàn thành công việc ngay bây giờ. Chính là ngay bây giờ".

Atlantic dự đoán, một số rủi ro này là ngắn hạn. Khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi, áp lực chính trị trong nước đang giảm bớt. Tổng thống Trump có thể miễn nhiệm sau ba tháng và chính quyền mới của ông Joe Biden có thể phục hồi liên minh châu Á của Mỹ và giảm bớt sự không chắc chắn về cam kết của Mỹ.

Nhưng căng thẳng ở eo biển Đài Loan khó có thể lắng dịu. Bất kể ai nắm quyền trong Nhà Trắng, quan hệ Mỹ-Trung gần như chắc chắn sẽ tiếp tục xấu đi. Tổng thống Trump có thể đã gây ra thiệt hại không thể khắc phục đối với trật tự do Mỹ lãnh đạo, và chiến dịch chính trị mà ông khởi xướng sẽ tiếp tục sau cuộc bầu cử tháng 11. Đài Loan sẽ không nhượng bộ trước các yêu cầu của Bắc Kinh. Bất kể có muốn nổ ra chiến tranh hay không, thái độ của đại lục đối với Đài Loan vẫn sẽ tỏ ra cứng rắn và tự tin hơn.

Ông Joseph Wu nói: "Nếu tổng hợp tất cả những điều này lại với nhau, chúng ta sẽ thấy rằng chính phủ Trung Quốc đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của mình. Đài Loan tình cờ nằm ​​ở tuyến đầu chịu ảnh hưởng nhiều nhất".

Điều này khiến vấn đề Đài Loan trở thành bài kiểm tra cuối cùng về chính sách châu Á của Washington. Nếu Bắc Kinh thực sự tấn công hòn đảo, những gì xảy ra tiếp theo rất có thể sẽ quyết định việc Trung Quốc hay Mỹ giành vị trí thống lĩnh ở Thái Bình Dương. Nếu Washington không hỗ trợ Đài Loan, hệ thống liên minh của Mỹ trong khu vực có thể sụp đổ và sức mạnh của Mỹ cũng sẽ bị tiêu diệt. Tranh chấp Đài Loan có thể là di tích của Chiến tranh Lạnh nhưng nó sẽ định hình tương lai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại