Trong bối cảnh Trung-Mỹ đối đấu, căng thẳng gần đây ở eo biển Đài Loan và Biển Đông đều trở thành tâm điểm chú ý, đến nỗi Bán đảo Triều Tiên, nơi từng được coi là “thùng thuốc súng Đông Á”, dường như vô tình hoặc hữu ý bị gác sang một bên.
Về vấn đề này, Giáo sư Khoa Chính trị Quốc tế của Đại học Diên kiêm Trưởng phòng Nghiên cứu Chính trị Quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu Bán đảo Triều Tiên (Trung Quốc) Kim Cường Nhất nói với báo tiếng Hoa Đa chiều cho rằng, dù là eo biển Đài Loan hay Biển Đông, nếu xảy ra xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ, khu vực Đông Bắc Á đều sẽ chịu ảnh hưởng và có thể gây ra xung đột lớn hơn nữa.
"Hàn Quốc và Nhật Bản là đồng minh của Mỹ, dù ở eo biển Đài Loan hay Biển Đông, nếu xảy ra xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ, thì thái độ của Nhật Bản và Hàn Quốc là như thế nào đều rất quan trọng. Ngoài ra, việc Mỹ triển khai quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương có dựa vào hai đồng minh này và Australia hay không đều rất quan trọng. Ví dụ, nếu quân đội Mỹ đóng tại Hàn-Nhật tham gia cuộc chiến ở eo biển Đài Loan, Trung Quốc sẽ trực tiếp coi Hàn Quốc và Nhật Bản là hai nước thù địch của mình, lúc này mâu thuẫn càng dễ lan rộng", ông Kim nói.
Tuy nhiên, ông này nhận định, Hàn Quốc dường như không sẵn sàng can thiệp vào cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan, nhưng Nhật Bản có vẻ khác với Hàn Quốc. Theo cách này, nếu không kiểm soát được tình hình eo biển Đài Loan, tương đương với việc không kiểm soát được Đông Bắc Á như vậy khu vực này sẽ hỗn loạn trong một khoảng thời gian đáng kể.
Bình luận về chiến lược của Trung Quốc ở các khu vực liên quan, Giáo sư Kim Cường Nhất cho biết, hiện nay không phải là những năm 1950 và 1960. Sự phát triển của toàn cầu hóa đã khiến thế giới trở nên liên kết với nhau. Nhiều người ở Trung Quốc hiện đang nói về vấn đề eo biển Đài Loan, trong mắt họ, việc đại lục "thống nhất Đài Loan bằng vũ lực" dường như không có gì to tát và sẽ không có vấn đề gì cả.
Nhưng ông cũng cho rằng, việc sử dụng vũ lực ở eo biển Đài Loan sẽ gây tổn thương rất lớn chính Trung Quốc. Theo quan điểm của Trung Quốc, cách tốt nhất là kiểm soát các vấn đề ở eo biển Đài Loan, tránh hình thành các xung đột không chắc chắn rồi từ từ giải quyết. Vấn đề Đài Loan xuất hiện đã lâu, đến bây giờ cũng không thấy ngọn ngành, giờ đột nhiên muốn giải quyết dứt điểm trong một ngày nhất định là điều khó có thể xảy ra.
Theo ông, liệu Trung Quốc có thể thu hút được thiện cảm của người dân Đài Loan thông qua các chính sách hay không là rất quan trọng. Ông nói: "Tôi không biết liệu Trung Quốc có xây dựng chiến lược cụ thể cho vấn đề này trong tương lai hay không, nhưng tôi nghĩ chiến lược này nên được hình thành từng bước. Điều kiện hiện tại chắc chắn là chưa đủ. Ngoài ra, nếu vấn đề Hồng Kông và Ma Cao có kết quả tương đối khả quan, giúp phương châm "một quốc gia, hai chế độ" có tính thuyết phục thì hoàn thành thống nhất sẽ dễ dàng xử lý hơn".