Bạo lực ngôn từ đang ẩn mình ra sao trong chốn công sở?

Bích Loan |

Có thể bạn đang dùng ngôn từ để "tấn công" đồng nghiệp của mình hoặc chính mình đang bị tổn thương tâm lý ở nơi làm việc.

Bạo lực ngôn từ là khái niệm không còn xa lạ, mọi người lên án khá nhiều, nhưng biểu hiện thì chưa có vẻ gì là giảm sút. Nó không còn trong phạm vi tấn công bằng các ngôn từ tiêu cực trên mạng xã hội nữa, mà vốn dĩ tồn tại trong môi trường học đường, công sở từ xưa đến nay, bằng nhiều hình thức khác nhau, người tấn công thì vô tình không biết, mà nạn nhân bị tổn thương cũng chẳng biết vì sao.

Góp ý không mang tính xây dựng

Nếu những góp ý chỉ đơn thuần là nêu cái sai, lôi ra khuyết điểm hay phê bình nó tệ chỗ nào, thảm hại ra sao mà không phân tích, đề xuất giải pháp thì góp ý này khá vô nghĩa, kể cả trong công việc hay ngoài công việc.

"Khi còn làm ở công ty cũ, lúc nào cũng thấy mình là người bất tài so với đồng nghiệp. Làm ở vị trí sáng tạo nội dung, nhưng mọi nội dung mình sản xuất ra đều nhận góp ý là không có gì mới, mọi người không bị bất ngờ hoặc "ý tưởng này ai cũng nghĩ ra được". Mình tiếp nhận, thay đổi nội dung, cứ vắt óc thay đổi từ ý tưởng này đến ý tưởng khác, bị bác bỏ đến mức mình không nhận thức được đâu là ý tưởng hay đâu là ý tưởng không hay nữa. Cái cảm giác cố gắng làm việc mà không có lối ra bất lực lắm, nghe góp ý nhưng không nhận được đề xuất, gợi ý chỉnh sửa giống như thả mình vào hố mà không đưa mình bất kì thứ gì để tìm cách leo lên" - Chị Kim Chi.

Bạo lực ngôn từ đang ẩn mình ra sao trong chốn công sở? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ - Nguồn: pexels

Chị Phượng Kiều: "Đôi khi những lời góp ý dễ sa thành bạo lực ngôn từ nếu mình góp ý không khéo léo và thực sự không có thiện chí. Những góp ý chỉ muốn phê bình người khác làm không tốt, hạ bệ hay chỉ trích thì khác gì bạo lực ngôn từ đâu.

Chính mình cũng từng như thế. Mình thường góp ý bằng cách thẳng thắn nêu hàng loạt khuyết điểm nhưng chưa đủ kinh nghiệm chuyên môn về nó để giải thích vì sao, chỉ là dựa vào cảm quan. Sau đấy mới nhận ra những góp ý mang thành kiến của mình có thể làm một người tổn thương, tự ti rất nhiều."

Đôi lúc chúng ta góp ý trên tinh thần hiệu quả công việc nhưng lại vô tình bỏ quên tâm trạng của người tiếp nhận, từ mục tiêu tích cực chuyển sang dáng dấp của bạo lực ngôn từ. Có khi những phê bình đó còn tạo được làn sóng ủng hộ, chẳng khác nào dìm một cá nhân trở nên thảm hại trước một tập thể.

Khiển trách hay phỉ báng?

Đi làm và bị sếp khiển trách là chuyện quá đỗi bình thường, trong thực tế có thể xem nó như một phần của quy trình công sở, ai mà không gặp phải, dù nặng nhẹ hay ít nhiều. Thế nhưng chấp nhận lắng nghe khiển trách khi bản thân làm không tốt khác hẳn với cam chịu những lời phỉ báng.

Bạo lực ngôn từ đang ẩn mình ra sao trong chốn công sở? - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ - Nguồn: pexels

"Sau vài lần nhảy việc, mình đã biết phân biệt sếp 'xấu tính'. Nếu một người sếp làm tốt vai trò lãnh đạo, họ rất khéo léo, tuỳ mỗi nhân sự sẽ có một cách khiển trách khác nhau. Mình từng gặp một sếp thích phơi bày lỗi cá nhân cho cả team biết, cùng đó là khuếch đại lỗi sai và dùng nhiều lời lẽ khá gay gắt trong khi mình lại lớn tuổi nhất team. Những lần như thế mình khá xấu hổ" - Chị Minh Thanh.

Anh Hoàng Long cho rằng: "Thực ra để bản thân trở thành nạn nhân của bạo lực ngôn từ cũng một phần vì tính cả nể, đề cao hoá chức vị của người Việt chúng ta. Mọi người thường nghĩ "làm sếp thì có quyền" mà không phân định "quyền" này trong phạm vi như thế nào. Nếu một người sếp luôn mỉa mai khi bạn làm sai hay câu từ theo hướng hạ thấp một cá nhân, nội dung khiển trách không có tính góp ý, điều chỉnh thì đây là một dấu hiệu đáng báo động".

Bạo lực ngôn từ đang ẩn mình ra sao trong chốn công sở? - Ảnh 3.

Chị Hạ Trân

Có nhiều người nghĩ sếp thì có quyền khiển trách, kỷ luật nhưng thật ra sếp mang quyền "quản lý", và nó khác nhau hoàn toàn. "Quản lý tức là điều phối nhân sự làm việc, điều chỉnh công việc đúng hướng, mà để đảm bảo được việc này thì đôi khi sẽ cần khiển trách, xử phạt theo quy định của công ty. Điều này không đồng nghĩa họ có quyền phỉ báng bạn, dùng câu từ thiếu lịch sự và tôn trọng" - Chị Hạ Trân.

Đôi khi vì xu hướng nhún nhường trước những người có chức vị cao hơn biến dân văn phòng trở thành nạn nhân của bạo lực ngôn từ. Khiển trách khác hoàn toàn với chỉ trích, và không phải là sếp thì luôn đúng.

Nói đùa không hài hước

Bao gồm cả cấp trên - cấp dưới chứ không chỉ những nhân viên đồng cấp với nhau mới xảy ra tình trạng bạo lực ngôn từ. Những câu trêu đùa "không ác ý" từ ngoại hình, cách ăn mặc, thói quen làm việc, đến sở thích ăn uống... làm nhân vật chính được đùa nhưng không mấy vui.

Bạo lực ngôn từ đang ẩn mình ra sao trong chốn công sở? - Ảnh 4.

Anh Hoàng Luân

"Mình khá thích thời trang nên có hơi ăn diện mỗi ngày đi làm, tất nhiên trang phục vẫn rất chuẩn mực. Ở công ty trước đây, mọi người luôn để ý xem mình mặc gì, đùa rằng 'hôm nay có tiệc cưới à?', 'tưởng hôm nay công ty có ca sĩ'... khiến mình không thoải mái lắm, và cũng bớt tự tin hẳn đi khi mặc đẹp trên người" - Anh Hoàng Luân.

Chị Thu Hà chia sẻ bản thân cũng khá khó chịu khi nghe những câu đùa thiếu tinh tế như vậy: "Ở công ty mình thường trêu chọc về ngoại hình, vóc dáng, mình cảm thấy trò đùa này khá lỗi thời. Mỗi người sẽ có một hình thể khác nhau, nếu cứ đem ra trêu chọc thì không hay lắm. Nếu người nghe tỏ vẻ cười vui nhưng trong lòng họ mặc cảm thì sao".

Giữa nhiều trường hợp không hay xảy ra từ "bạo lực ngôn từ", để bảo vệ mình, dân công sở nên xác định rõ ranh giới khi nhận góp ý, khiển trách, nói đùa... và giữ vững tâm thế. Đồng thời, tôn trọng những cá tính khác biệt, thấu cảm với đồng nghiệp nghe thì khó, nhưng quan sát và cân nhắc hơn trong giao tiếp cũng không mất quá nhiều thời gian.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại