Báo Israel: Liên tiếp hứng đòn cực hiểm ở miền đông Syria, Mỹ sẽ mất "cả chì lẫn chài"?

Hoài Giang |

Nhà phân tích Seth J.Frantman cho rằng tả ngạn sông Euphrate là một khu vực phức tạp và nhiều quốc gia muốn giữ nó "im lặng" - hoặc làm cho nó sục sôi vì căng thẳng.

Hôm 9/8, tờ Jerusalem Post đăng tải bài viết nhan đề: "Who is undermining US-backed forces in Deir Ezzor and Euphrates area?" (tạm dịch: Ai đang phá hoại các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn ở khu vực Deir Ezzor và Euphrates?) của tác giả Seth J.Frantman.

Nhằm đem lại cho độc giả một cái nhìn đa chiều, đặc biệt là từ quan điểm của một nhà phân tích phương tây thông qua một tờ báo Israel về những gì đang diễn ra ở miền đông Syria, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Bối cảnh thung lũng sông Euphrate, Syria

Vào tháng 10/2019, lực lượng Mỹ đã rút khỏi khu vực biên giới đông bắc Syria, mở đường cho Chiến dịch "Mùa xuân Hòa bình" của Thổ Nhĩ Kỳ và duy trì kiểm soát khu vực đông nam Syria, tả ngạn sông Euphrate và tuyên bố rằng sự hiện diện này để nhằm bảo vệ các mỏ dầu.

Trước khi đi sâu vào chi tiết, chúng ta cần hiểu rõ một số vấn đề về lịch sử khu vực như việc IS đã hiện diện từ lâu, sử dụng sông Euphrate như một "tuyến đường cao tốc" để xâm nhập và trỗi dậy ở Iraq vào năm 2013 và 2014.

Theo các nhà ngoại giao, một số bộ lạc ở đây từng có thiện cảm với chính quyền Iraq dưới thời nhà lãnh đạo Saddam Hussein - thậm chí hơn cả chính phủ Damascus. mặc dù họ đang sinh sống ở Syria.

Nói cách khác, các tay súng địa phương có mối quan hệ ở cả hai bên biên giới. Một số gia nhập IS, cung cấp hàng hóa hoặc giúp chúng di chuyển đến Iraq để chống lại Mỹ, một hoạt động mà chính phủ Damascus "nhắm mắt làm ngơ".

Báo Israel: Liên tiếp hứng đòn cực hiểm ở miền đông Syria, Mỹ sẽ mất cả chì lẫn chài? - Ảnh 1.

Khu vực biên giới "mềm" giữa Syria và Iraq là nơi tàn quân IS vẫn tiếp tục hoạt động. Điều đáng chú ý là một số lượng không nhỏ thành viên IS từng tham gia lực lượng vũ trang Iraq dưới thời nhà lãnh đạo Saddam Hussein.

Khi IS "trỗi dậy" chúng gần như ngay lập tức tàn sát các bộ lạc Bedouin kháng cự, chẳng hạn như bộ lạc Shaitat.

Tuy nhiên, dưới hậu thuẫn của Liên minh chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đã giải phóng khu vực này vào tháng 3/2019.

Vào tháng 2/2018, trong khi SDF vẫn đang chiến đấu với IS, lính đánh thuê người Nga làm việc cho chính phủ Syria đã cố gắng vượt sông Euphrate và tấn công SDF để chiếm lấy các mỏ dầu khí ở miền đông nhưng thất bại và bị máy bay Mỹ không kích.

Sau đó, các nhóm do Iran hậu thuẫn đã thiết lập các cứ điểm dọc theo sông Euphrates tại al-Bukamal, Mayadeen và các khu vực khác ở hữu ngạn sông Euphare.

Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) được cho là đã sử dụng "hành lang" này để vận chuyển vũ khí cho Hezbollah ở Lebanon.

Báo Israel: Liên tiếp hứng đòn cực hiểm ở miền đông Syria, Mỹ sẽ mất cả chì lẫn chài? - Ảnh 2.

Các thay đổi lãnh thổ ở Syria kể từ năm 2015 tới nay (Nguồn: Omran)

Chuỗi sự kiện đẫm máu đầu tháng 8/2020

Những ngày vừa qua của tháng 8/2020 ở tả ngạn sông Euphrates đánh dấu bằng một loạt các vụ ám sát và biểu tình chuyển biến thành bạo lực.

Khu vực này được kiểm soát bởi SDF nhưng cũng "cài răng lược" với các khu vực do chính phủ Syria nắm giữ, nơi có lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn.

Ở đây cũng có các bộ lạc, một số từng nằm dưới sự kiểm soát của IS, một số khác có thể "đồng cảm về mặt lợi ích" với chính phủ Syria hoặc thậm chí cả Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là một khu vực phức tạp và nhiều quốc gia muốn giữ nó "im lặng" - hoặc làm cho nó sục sôi vì căng thẳng.

Ngày 2/8, tổ chức SOHR có trụ sở tại Anh đưa tin một tay súng SDF đã thiệt mạng gần làng al-Kebar ở vùng nông thôn phía tây tỉnh Deir Ezzor. Nguồn tin cho biết thêm rằng tay súng này chỉ là một trong hàng trăm người địa phương thiệt mạng những năm qua trong khu vực.

Ngày 4/8, kênh tin tức Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu News đưa tin rằng ít nhất một dân thường thiệt mạng và 3 người khác bị thương trong cuộc đụng độ với SDF (nhóm vũ trang bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố và là chi nhánh của PKK - Đảng Công nhân người Kurd).

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng đụng độ bắt nguồn từ một vụ ám sát thủ lĩnh của bộ tộc Aqeedat (Akaidat) và cho rằng nguyên nhân là do nhân vật này từ chối tham dự cuộc họp của SDF với lãnh đạo Mazloum Kobani.

Omar Abu Layla, một nhà báo địa phương, lưu ý rằng một chỉ huy của nhóm phiến quân "trung đoàn Al-Bukamal" có liên kết với SDF đã bị giết bởi các tay súng không rõ danh tính" vào ngày 6/8 và cho rằng "tình báo Syria" đang "gieo rắc bất đồng giữa người Arab và người Kurd".

Báo Israel: Liên tiếp hứng đòn cực hiểm ở miền đông Syria, Mỹ sẽ mất cả chì lẫn chài? - Ảnh 3.

Một đoàn xe của Liên quân do Mỹ dẫn đầu dừng lại để khai hỏa súng máy M2 và súng phóng lựu MK19 của họ ở khu vực thung lũng sông Euphrates thuộc tỉnh Deir Ezzor, Syria, ngày 22/11/2018.

Trang tin của người Kurd Rudaw lưu ý rằng các đụng độ bắt đầu vào ngày 6/8 sau khi các cuộc biểu tình phản đối các vụ ám sát chuyển sang bạo lực. Cả hai phía đều sử dụng vũ khí và ít nhất 2 thành viên SDF đã thiệt mạng.

Một chỉ huy của SDF tên là Ahmad Abu Khawla cung cấp thông tin cho các phóng viên rằng biểu tình bạo lực bắt nguồn từ vụ ám sát khiến chiếc xe chở 2 nhân vật quan trọng của bộ tộc Aqeedat nổ tung.

Một báo cáo khác tại Asharq Al-Awsat cho biết trụ sở SDF địa phương đã bị người biểu tình chiếm đóng và 6 người bị thương.

Vào ngày 8/8, một cuộc đụng độ khác đã diễn ra tại một ngôi làng gần đó khi các tay súng "không xác định" bắn vào một chốt của SDF.

Ngày hôm sau 9/8, SOHR đưa tin rằng máy bay trực thăng của Liên minh đã hỗ trợ lực lượng SDF tiến hành hoạt động truy quét ở thị trấn Huwayj và cho rằng đây là ngày thứ 3 của chuỗi đụng độ.

Theo nguồn tin của SOHR, khoảng 13 dân thường đã bị bắt giữ ở al-Shuhail và Hawayj với cáo buộc "trung thành với chính phủ Syria".

Báo Israel: Liên tiếp hứng đòn cực hiểm ở miền đông Syria, Mỹ sẽ mất cả chì lẫn chài? - Ảnh 4.

Xung đột giữa SDF và các bộ tộc địa phương có giúp IS trở lại?

Vì sao người Kurd và các bộ lạc Arab "không đội chung trời"?

Rõ ràng tin tức về khu vực có nhiều sự khác biệt, tuy nhiên chúng ta có thể thấy các vụ ám sát và biểu tình bạo lực ở al-Shuhail và Hawayj phản ánh một "bức tranh tổng thể" rằng đang có mâu thuẫn đối kháng giữa SDF và cộng đồng địa phương.

Phản ứng trước các vụ tấn công, người dân Arab địa phương cho rằng lực lượng SDF do Mỹ hậu thuẫn, mà họ gọi "người Kurd" đang cố gắng "thanh lọc khu vực của các bộ lạc".

Trong một bối cảnh lớn hơn, cần lưu ý rằng trong những tháng gần đây, người dân Arab địa phương đã từ chối một đề xuất của SDF liên quan đến việc chuyển giao quyền lãnh đạo thực tế từ các bộ tộc sang cái gọi là "lãnh đạo dân sự" của "khu vực tự trị phía đông Syria".

Đây được cho là bất đồng dẫn đến toàn bộ căng thẳng giữa các bộ lạc Arab và sự "thống trị" của người Kurd trong SDF.

Phần lớn người dân trong vùng tuân thủ các phong tục của bộ tộc. Và các bộ tộc "nổi bật" nhất trong khu vực là Shammar, Jabour, Aqeedat, Baggara, Bou-Shabban, Albu-Nimr, Adwan, Qais, An-Naim, Tayy...

Một số thị trấn lớn trong khu vực cũng được quản lý bởi các bộ lạc ví dụ như Al-Busirah và Hajin Al-Hammam, Al-Gharanij và Al-Kashkiya là các đô thị của bộ tộc Al-Shaitat.

Và cuộc biểu tình xảy ra ở Kashkiya của bộ tộc Al-Shaitat chống lại SDF chủ yếu liên quan đến đề xuất chuyển giao quyền lãnh đạo.

Trên các mạng xã hội, các tài khoản ủng hộ Damascus tuyên bố rằng SDF đã “bắt cóc một số dân thường” và cho rằng đụng độ là do người dân địa phương muốn "lực lượng chiếm đóng" rời đi.

Đoạn phim được cho là các tay súng bộ lạc Arab tại Dhiyban và al-Hawayj sau đụng độ với SDF (Nguồn: Twitter).

Người Mỹ có thể làm gì?

Bức tranh ảm đạm ở tả ngạn Euphrates thuộc tỉnh Deir Ezzor - một khu vực có diện tích khoảng 120 km do bộ tộc Aqeedat thống trị dọc theo khoảng 25 km bờ sông Euphrates đến biên giới Iraq - là một khu vực rất nhạy cảm và đang gặp bất ổn.

Người Mỹ đang phải tìm cách giải quyết thực tế phức tạp của các bộ lạc ở đây ngay cả khi họ muốn rút quân. Nếu không xử lý tốt, tình huống tồi tệ nhất có thể xảy ra và Damascus, Moscow, Tehran và cả Ankara sẽ cảm nhận được sự yếu kém của Washington.

Các nhóm địch ngầm IS vẫn đang hoạt động và chúng cũng có thể cộng tác với "kẻ thù của kẻ thù".

Người Mỹ đã cân nhắc phương án tốt nhất để trao quyền cho các bộ tộc Arab Sunni địa phương trước khi rút quân khỏi Syria.

Tuy nhiên, họ gặp phải vấn đề khi viễn cảnh rút quân giống như đã diễn ra ở miền bắc có thể dẫn đến một cuộc tấn công toàn diện của Thổ Nhĩ Kỳ và buộc SDF phải cộng tác với Moscow và Damascus.

Người Mỹ đã biến các tay súng người Kurd thuộc Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) trở thành cái gọi là SDF vào năm 2015 chính vì vậy họ đã phải "làm việc" trong một mô hình có rất ít sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế - đặc biệt là khi Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ liên tục phá hoại.

Có thể ví dụ việc máy bay không người lái (UAV) của Thổ Nhĩ Kỳ liên tiếp không kích các vị trí của người Kurd gần Qamishli hay gián điệp của họ cố tình đưa gia quyến của các thành viên IS ra khỏi trại Al-Hol.

Giờ đây, với việc một công ty dầu mỏ của Mỹ đang tìm cách giúp khôi phục các cơ sở khai thác dầu ở miền đông Syria, mọi cuộc đụng độ nhỏ đều có ảnh hưởng địa chính trị.

Và có lẽ tất cả những sự kiện diễn ra đầu tháng 8 mới chỉ là khởi đầu cho những kế hoạch lớn và nguy hiểm hơn.

Báo Israel: Liên tiếp hứng đòn cực hiểm ở miền đông Syria, Mỹ sẽ mất cả chì lẫn chài? - Ảnh 8.

Hình minh họa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại