Theo trang tin Hồng Kông Dongfang (Đông Phương), ngày 5/7, Không quân Mỹ đã đưa ra tuyên bố cho biết một máy bay ném bom chiến lược B-52H đã được điều động bay thẳng từ căn cứ không quân Bucksdale ở bang Louisiana đến Biển Đông để thực hiện cuộc tập trận trên biển với các cụm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan, sau đó bay tiếp đến căn cứ không quân Anderson ở đảo Guam. Nhiệm vụ của chiếc máy bay ném bom chiến lược này kéo dài liên tục tới 28 giờ.
Phi hành đoàn máy bay ném bom đã mô phỏng phải đối mặt với điều kiện thông tin liên lạc xấu để kiểm nghiệm và đánh giá khả năng chỉ huy và kiểm soát để đảm bảo hoạt động diễn tập chung tiến thành thông suốt.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan trên Biển Đông (Ảnh: Dongfang).
Tuyên bố nhấn mạnh rằng nhiệm vụ này thể hiện sự cam kết của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương đảm bảo an ninh và ổn định trong khu vực và hỗ trợ các mục tiêu chiến lược được dự đoán và không thể dự đoán trong chiến lược quốc phòng của Mỹ; đồng thời cũng cho thấy các máy bay ném bom quân sự của Mỹ có thể nhanh chóng được triển khai bố trí tới các căn cứ tác chiến tiền tiêu và thực hiện các cuộc tấn công tầm xa; có thể bay từ các căn cứ trong nước đến bất kỳ nơi nào trên thế giới để thực hiện các nhiệm vụ.
Hôm 4/7, Hải quân Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng các tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan "kỷ niệm Ngày Độc lập với sức mạnh vô địch trên biển”.
Các hoạt động chung của hai tàu sân bay là nhằm hỗ trợ một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, mở cửa.
Cuộc tập trận mô phỏng các cuộc tấn công của kẻ thù để kiểm tra khả năng của quân đội Mỹ trong việc phát hiện, đánh chặn và đối phó với các mối đe dọa nhằm nâng cao tối đa khả năng phòng không, mở rộng khoảng cách các cuộc tấn công trên biển tầm xa và chính xác của các máy bay trên tàu sân bay và cho phép các phi hành đoàn và thủy thủ đoàn trải nghiệm tình huống phòng thủ trong điều kiện thực tế.
Tàu USS Nimitz vào ban đêm trên Biển Đông (Ảnh: Dongfang).
Trang tin Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 4/7 viết, vào thời điểm Trung Quốc và Hoa Kỳ đang căng thẳng do các vấn đề bùng phát dịch COVID-19, tranh chấp thương mại và vấn đề Hồng Kông; hai nước gần đây đã cáo buộc nhau làm gia tăng căng thẳng ở vùng biển chiến lược Biển Đông; Hoa Kỳ đã đưa hai tàu sân bay đến Biển Đông thực hiện các nhiệm vụ và tập trận.
Theo Wall Street Journal, nơi đầu tiên đưa tin Hoa Kỳ sẽ tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông, đây là một trong những cuộc tập trận quân sự lớn nhất do Hải quân Hoa Kỳ tổ chức ở Biển Đông trong những năm gần đây. Ngoài hai tàu sân bay lần này, Hoa Kỳ còn điều động 4 tàu chiến.
Cuộc tập trận bao gồm các chuyến bay trong mọi điều kiện thời tiết để kiểm tra khả năng tấn công của máy bay trên tàu sân bay.
Đài CNN nói Hoa Kỳ đã sớm lên kế hoạch cho cuộc tập trận này từ trước, nhưng thật ngẫu nhiên khi Trung Quốc cũng đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự cùng lúc tại vùng biển Quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông.
Hoa Kỳ, Philippines và Việt Nam đã bày tỏ bất bình mạnh mẽ với điều này. Cả Wall Street Journal của Hoa Kỳ và Thời báo Tự do của Đài Loan đều cho rằng việc Mỹ và Trung Quốc thực hiện các cuộc tập trận cùng một lúc trong cùng một khu vực là khá hiếm thấy.
Máy bay tiêm kích F/A-18 bay ngang qua boong tàu Ronald Reagan (Ảnh: Dongfang).
Chỉ huy tàu USS Ronald Reagan George Wikoff nói với tờ Wall Street Journal: "Mục đích (của cuộc tập trận) là gửi một tín hiệu rõ ràng tới các đối tác và đồng minh của chúng ta rằng Hoa Kỳ cam kết đảm bảo an ninh và ổn định khu vực”. Ông nói, cuộc tập trận này không nhằm đáp trả cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo viết trên Twitter hôm 3/76: "Hoa Kỳ đồng ý với bạn bè của chúng ta ở Đông Nam Á: các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông là rất khiêu khích. Chúng ta phản đối các yêu sách phi pháp của Bắc Kinh”.
Đầu tuần, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chỉ trích các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông là "không có lợi cho việc giảm bớt cục diện căng thẳng và duy trì sự ổn định".
Trung Quốc hôm 3/7 đã bác bỏ những lời chỉ trích của Mỹ và cáo buộc Mỹ là nguyên nhân chính của tình hình căng thẳng trong khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói trong cuộc họp báo thường kỳ, biện bạch “Trung Quốc tiến hành huấn luyện quân sự ở vùng biển có chủ quyền liên quan, là điều không cần tranh cãi”.
Ông ám chỉ Mỹ khi nói: “Có quốc gia ngoài khu vực thường vượt ngàn dặm đến Biển Đông tiến hành các hoạt động quân sự quy mô lớn, diễu võ giương oai. Đó mới là nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng đến sự ổn định của tình hình Biển Đông”.
Chiếc B-52 tới căn cứ Anderson ở Guam sau 28 giờ bay liên tục thực hiện nhiệm vụ (Ảnh: Dongfang).
Việt Nam và Philippines đã cùng lúc lên tiếng chỉ trích cuộc tập trận Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa và cảnh báo động thái của Trung Quốc có thể tạo ra căng thẳng khu vực và ảnh hưởng đến quan hệ Bắc Kinh với các nước láng giềng.
Hoa Kỳ thì cáo buộc Trung Quốc thể hiện sức mạnh quân sự bằng cách đe dọa các nước láng giềng châu Á. Các nước Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và vùng lãnh thổ Đài Loan đều nêu ra yêu sách chủ quyền một phần đối với Biển Đông.
Biển Đông rất giàu tài nguyên dầu mỏ và khí đốt, và giá trị hàng hóa được vận chuyển qua nơi này lên tới 3 nghìn tỷ USD mỗi năm.
Ngoài ra, nhiều cơ quan truyền thông Đài Loan chỉ ra rằng các máy bay chiến đấu J-10 của Trung Quốc cũng đã xuất hiện trong không phận phía tây nam Đài Loan vào sáng 4/7 và đã bị không quân Đài Loan xua đuổi.
Theo thống kê của Viện nghiên cứu an ninh quốc phòng Đài Loan, máy bay quân sự Trung Quốc đã gây rối Đài Loan 11 lần kể từ tháng 6. Từ đầu năm nay, số lần quấy rối đã lên tới 17 lần, gần bằng tổng số 20 lần trong cả năm 2019.