Bài viết có tựa đề “Việt Nam bảo vệ hòa bình ở Biển Đông” đã đưa ra những phân tích xác đáng về những gì Việt Nam có thể làm trước những diễn biến ngày càng căng thẳng ở Biển Đông trong thời gian qua và đề xuất về những gì Việt Nam có thể làm trong thời gian tới. VOV xin giới thiệu đến các bạn toàn bộ nội dung bài viết:
Vừa qua, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu đề cập đến vấn đề Biển Đông tại kỳ họp lần thứ 74 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 28/9 với trọng tâm là tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh rằng “Các bên liên quan cần kiềm chế và tránh có những hành động đơn phương làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng, và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982”.
Phát biểu của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh được cho là động thái mới của Việt Nam nhằm thúc đẩy giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Nhiều khả năng Việt Nam sẽ có những động thái tích cực để giải quyết tranh chấp Biển Đông vào năm tới (2020), khi Việt Nam bắt đầu đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, qua đó, gây áp lực buộc Trung Quốc phải thực thi đầy đủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA).
(Phán quyết của Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS ngày 12/7/2016 trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc đã chỉ rõ: Không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với vùng biển bên trong “đường chín đoạn”; căn cứ vào tình trạng tự nhiên của các thực thể luôn nổi tại quần đảo Trường Sa, không thực thể nào có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng).
Trong bối cảnh những tuyên bố và hành động gần đây của Trung Quốc đang tạo ra nguy cơ xung đột quốc tế bất kể nước này đã ký kết và phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Các bên tham gia tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei...đã nhiều lần hối thúc Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và sự điều phối của các tổ chức quốc tế.
Cùng với đó, Mỹ, Australia, EU cũng nhiều lần thể hiện quan điểm phản đối các hoạt động gây căng thẳng của Trung Quốc tại Biển Đông. Trong đó, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan ngại trước những hành vi can thiệp của Trung Quốc đối với các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam tại Biển Đông và kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các hoạt động khiêu khích và gây bất ổn tại đây.
Biển Đông là tuyến hàng hải quan trọng trên thế giới. Hành động, yêu sách chủ quyền với hơn 80% diện tích Biển Đông của Trung Quốc gây xung đột, bất ổn, đe dọa hòa bình, tự do hàng hải và hàng không tại vùng biển này. ASEAN và cộng đồng quốc tế cần lên tiếng đối với những hành động khiêu khích đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
Trung Quốc cùng với các bên có liên quan cần thực hiện đầy đủ nội dung UNCLOS 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phán quyết của Tòa trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS ngày 12/7/2016; tiến tới sớm hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) để làm giảm căng thẳng, đưa Biển Đông trở thành vùng biển, tuyến hàng hải hòa bình, hợp tác và phát triển./.