Đó là nhận định của ông Lye Liang Fook, chuyên gia nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore).
Trong một bài viết cho tờ South China Morning Post, ông Fook nói rằng kết quả thu được sau chuyến thăm Trung Quốc hồi cuối tháng 8 của Tổng thống Rodrigo Duterte là không đáng kể khi chỉ ký kết sáu thỏa thuận hợp tác. Ông cho rằng trong bối cảnh quan hệ hai bên lúc đó vẫn đang tiến triển với chiều hướng tích cực, các thỏa thuận phải đạt được quy mô lớn hơn.
Chuyên gia này lưu ý trước đó, sau chuyến đi sang Trung Quốc vào năm 2016 của ông Duterte, Bắc Kinh đã cam kết sẽ đầu tư, cho vay và viện trợ gần 224 triệu USD cho Manila. Hai năm sau, Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Philippines và hai nước xúc tiến ký gần 29 thỏa thuận khác nhau.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp hồi cuối tháng 8. Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO PHILIPPINES
Một trong những nội dung đáng chú ý và gây tranh cãi nhiều nhất của chuyến đi hồi tháng 8-2019 là việc hai nước tuyên bố triển khai ủy ban chỉ đạo liên chính phủ và ủy ban hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước cho thăm dò dầu khí chung trong vùng biển được cho là vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Thế nhưng, thỏa thuận tạo tiền đề cho tuyên bố trên thật ra đã được ký kết vào tháng 9-2018 và các bên liên quan phải mất gần một năm tiếp theo để thực hiện.
Hiện phía Trung Quốc không có vấn đề gì về với mức ăn chia 60/40 nghiêng về Philippines. Tuy nhiên, việc Manila sẽ nắm quyền kiểm soát toàn bộ tiến trình thăm dò và khai thác ra sao vẫn chưa được bàn thảo rõ ràng. Một số nhà quan sát cho rằng nếu diễn ra thành công, sự hợp tác này sẽ mở đường cho chính phủ hai nước bắt tay trong các lĩnh vực nhạy cảm hơn nữa.
"Tôi nghĩ rằng sẽ còn rất lâu nữa hai nước mới có thể đi đến thỏa thuận cuối cùng do hai bên đều muốn cẩn trọng trong từ ngữ sử dụng để tránh xâm phạm tuyên bố chủ quyền của nhau. Thêm vào đó, ông Duterte có thể sẽ phải đối mặt với nhiều phản đối và chỉ trích hơn nữa ở trong nước khi quyết định khai thác chung với Bắc Kinh. Cùng chờ xem thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Manila sẽ trông như thế nào" - nhà nghiên cứu Fook nhận định.
Bình luận về động thái nhắc lại phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 của ông Duterte, ông Fook cho rằng hành động này phần nhiều xuất phát từ các chỉ trích và áp lực trong nước. Ngay khi quay về Philippines, chủ nhân Điện Malacanang đã thẳng thắn thú nhận hiệu quả hạn chế của việc nhắc lại khi ông Tập đưa ra câu trả lời ông hoàn toàn không hài lòng.
Tuy vậy, ông Duterte cho biết sẽ không yêu cầu ông Tập phải trả lời thêm, đồng thời nhấn mạnh đến nay vẫn chưa nghe được một "góp ý" nào đủ "tỉnh táo" để giải quyết tranh chấp chủ quyền mà không dẫn đến chiến tranh.
Mặc dù vậy, Bắc Kinh tỏ ý vẫn sẽ ủng hộ dự án tu bổ cơ sở hạ tầng Philippines, được Tổng thống Duterte công bố hồi năm 2017 với chi phí ước tính 150 tỉ USD.
Manila được cho là đã ký gói vay ưu đãi 220 triệu USD cho việc xây dựng Đường sắt Quốc gia Nam Long Haul dài gần 639 km nối liền thủ đô Manila và TP Matnog. Tuy nhiên, đến nay đã gần hai năm trôi qua nhưng dự án đường sắt vẫn còn giậm chân ở giai đoạn tham vấn.
Theo ông Fook, nhiều giải thích đã được đưa ra cho vấn đề này trong đó nguyên nhân lớn nhất nằm ở thế yếu hơn của Philippines trên bàn đàm phán và khả năng Trung Quốc " bội thực " trước danh sách các dự án nước ngoài mà họ cam kết sẽ hỗ trợ. Việc người Philippines lo ngại khi nhận bất kỳ khoản vay nào từ Trung Quốc trước các nguy cơ về an ninh và khả năng tài chính cũng là một nguyên do khác.