Cuộc tập trận nói trên là nhằm để phát đi một thông điệp rõ ràng với Trung Quốc – nước đang ngày càng quyết liệt và hung hăng trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với các nước láng giềng nhỏ hơn ở trong khu vực.
Cuộc tập trận chung giữa Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản có sự tham gia của các chiến hạm đến từ Hạm đội Số 7 của Mỹ và nó bao gồm các chiến dịch tấn công hàng hải, phòng không và chiến tranh chống tàu ngầm. Chuẩn Đô đốc George Wikoff – Chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm 70, cho các phóng viên biết: “chiến dịch của chúng tôi ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tập trung vào sự ổn định và an ninh khu vực".
Ông Wikoff cho biết thêm: "Sự hiện diện của chúng tôi phản ánh cam kết của chúng tôi đối với các giá trị mà chúng tôi chia sẻ với nhiều đối tác và đồng minh trong khu vực. Chúng tôi luôn sẵn sàng ngăn chặn các lực lượng thách thức những giá trị chung đó bằng sức mạnh áp đảo của các nhóm tàu sân bay tấn công và tàu tấn công đổ bộ".
Cuộc tập trận chung nói trên có tên gọi là Malabar 2019. Nó được tổ chức bởi Nhật Bản và nó đã đưa các đối thủ chính của Trung Quốc kết hợp lại với nhau trong một màn phô trương sức mạnh nhằm răn đe Bắc Kinh.
Cuộc tập trận chung giữa Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản được thiết kế để tăng cường sự liên lạc và phối hợp giữa hải quân ba nước đồng thời nhằm để phát đi một thông điệp thách thức đối với đòi hỏi chủ quyền tham lam, phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc đang ngang nhiên đòi chủ quyền đến 90% Biển Đông - một khu vực biển có những tuyến đường hàng hải chiến lược có tính sống còn đồng thời chứa các nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú.
Trung Quốc đang gây ra một làn sóng phản đối dữ dội và quyết liệt chưa từng có của các nước láng giềng trong khu vực cũng như của cộng đồng thế giới vì việc nước này đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng trái phép và quân sự hóa ở Biển Đông. Trong một động thái làm đẩy cao căng thẳng ở Biển Đông, Trung Quốc gần đây liên tiếp có những động thái xâm phạm chủ quyền của nước khác và gây hấn với các nước có tranh chấp trong khu vực. Những hành động của Trung Quốc đã leo thang đến mức ngay cả Manila cũng đã phải lên tiếng kêu gọi Mỹ đưa tàu chiến vào Biển Đông để bảo vệ Philippines bất chấp việc chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte lâu nay vẫn ra sức vun đắp cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines.
Cụ thể, theo lời tố cáo của phía Philippines, một tàu của Trung Quốc đã đâm vào một con tàu đang neo đậu của họ vào đêm ngày 9/6. Sau khi đâm tàu của Philippines, Trung Quốc đã bỏ mặc các ngư dân của Philippines khi con tàu đang chìm dần ở Bãi Cỏ Rong (Reed Bank). Rất may, con tàu này cùng các ngư dân trên tàu đã được tàu của Việt Nam cứu giúp và thoát nạn.
Sau vụ việc với Philippines, Trung Quốc tiếp tục gây bất bình bằng hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam khi cho nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Những hành động của Trung Quốc đã khiến cộng đồng quốc tế phải lên tiếng bằng nhiều hình thức khác nhau. Ngoài những lời chỉ trích, lên án và kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt các hành động gây quan ngại ở Biển Đông, một số cường quốc đã có các bước đi quân sự nhằm cảnh cáo Trung Quốc. Cuộc tập trận chung giữa Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản là một trong những bước đi như vậy.