Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hong Kong) trích dẫn thông cáo chính thức của Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ tiếp tục dẫn đầu đoàn quan chức của nước này tham gia vòng đàm phán thương mại mới tại Washington, dự kiến diễn ra trong 2 ngày thứ 5 và thứ 6 (10,11/10) sắp tới.
Tuy nhiên, trong lần đàm phán này, ông Lưu Hạc sẽ không mang chức danh "đặc phái viên" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình như những lần trước đó. Theo SCMP, đây là dấu hiệu cho thấy có thể ông Lưu Hạc không nhận được bất cứ chỉ thị đặc biệt nào từ cấp trên của mình trong chuyến công tác lần này.
Một nguồn thạo tin khác cũng tiết lộ với SCMP rằng phái đoàn Trung Quốc có thể sẽ cắt ngắn lịch trình ở Washington - tức là thay vì đàm phán từ sáng ngày thứ 5 đến tận tối ngày thứ 6 theo dự định, thì đoàn Trung Quốc có thể sẽ về nước sớm nếu cuộc đàm phán không diễn ra thuận lợi.
"Theo kế hoạch ban đầu, [phái đoàn Trung Quốc] dự kiến sẽ rời Washington vào ngày 12/10, nhưng chuyến bay rất có thể sẽ được chuyển sang ngày 11. Mọi người không lạc quan cho lắm [về cuộc đàm phán với Mỹ]", nguồn tin trên nói.
"Cuộc nói chuyện trong thế giằng co"
Hai nước vẫn còn nhiều bất đồng chưa được giải quyết kể từ khi vòng đàm phán hồi tháng 5 đổ vỡ, với lí do được phía Mỹ đưa ra là bởi Trung Quốc "lật kèo" vào phút chót, trong khi đó phía Bắc Kinh lại cáo buộc Washington có ý định xâm phạm chủ quyền kinh tế của đối phương - điều nước này cho là "không thể chấp nhận nổi".
Không khí trước thềm cuộc đàm phán tuần này được đánh giá là đặc biệt căng thẳng, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ 2 (7/10) tuyên bố rằng kết quả của cuộc đàm phán sẽ phụ thuộc vào cách Trung Quốc xử lý cuộc khủng hoảng chính trị tại Hong Kong. Phía Bắc Kinh từng nhiều lần yêu cầu Washington không can thiệp đến các vấn đề nội bộ của nước này, đặc biệt là phong trào biểu tình tại Hong Kong trong mùa hè năm nay.
Thêm nữa, cũng trong ngày 7/10 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã bất ngờ liệt 28 "thực thể" gồm các cơ quan nhà nước và công ty công nghệ của Trung Quốc vào danh sách đen vì "cách Bắc Kinh đối xử với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và các dân tộc thiểu số theo đạo Hồi tại Trung Quốc".
Sau đó, phía Trung Quốc đã nhanh chóng đáp trả rằng họ sẽ "dùng mọi biện pháp nhằm bảo vệ lợi ích của mình". Dù Washington khẳng định điều này không liên quan tới cuộc đàm phán thương mại cuối tuần này, nhưng những động thái mới nhất của hai nước Mỹ-Trung trước "giờ G" cho thấy cuộc đàm phán thương mại đang đứng trước bờ vực trả đũa vô cùng nguy hiểm.
Một điều khiến tình hình càng thêm phức tạp hơn nữa, đó là Tổng thống Trump hôm 3/10 vừa qua bất ngờ kêu gọi Bắc Kinh vào cuộc điều tra hai cha con đối thủ chính trị của ông - khiến Trung Quốc bị lôi kéo vào vòng xoáy luận tội ở Nhà Trắng trước sự ngỡ ngàng của giới chức Bắc Kinh.
SCMP cho biết, cho đến cuối tuần trước, những bài bình luận được đăng tải trên tài khoản WeChat Taoran Notes vẫn tỏ ra khá lạc quan về triển vọng đàm phán thương mại. Tuy nhiên, đến hôm thứ 3 (8/10) vừa qua, tài khoản này đã bình luận rằng có thể cuộc đàm phán này sẽ chỉ là một cuộc "nói chuyện trong thế giằng co".
"Một số người có thể đang thắc mắc rằng nếu Mỹ tăng thuế đối với Trung Quốc, thì liệu việc duy trì đàm phán có còn cần thiết hay không... Câu trả lời là cả đàm phán và trả đũa đều cần thiết [trong tình huống này]", bài bình luận của Taoran Notes bóng gió về việc Bắc Kinh sẽ tung ra đòn trả đũa nếu Mỹ tiếp tục áp thuế như đã định.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin trong một cuộc đàm phán thương mại trước đó. Ảnh: Reuters
Giới chuyên gia nói gì?
Theo kế hoạch, Mỹ sẽ tiếp tục áp mức thuế bổ sung đối với 250 tỉ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc (tăng từ 25% lên 30%) vào thứ 3 tuần tới (15/10). Đòn thuế quan này lẽ ra đã có hiệu lực từ ngày 1/10 vừa qua, tuy nhiên nó đã bị trì hoãn tạm thời như một cử chỉ thiện chí của Washington đối với Bắc Kinh trong dịp đại lễ mừng 70 năm Quốc khánh Trung Quốc.
Ngoài ra, Mỹ còn đe dọa sẽ tiếp tục áp mức thuế 15% đối với số hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu Trung Quốc trị giá 160 tỉ USD, bắt đầu từ ngày 15/12. Trước đó, 115 tỉ USD hàng tiêu dùng của Trung Quốc đã bị đánh thuế 15% khi xuất sang Mỹ từ ngày 1/9.
Louis Kuijs, người đứng đầu bộ phận phụ trách kinh tế châu Á của công ty Oxford Economics, dự đoán rằng Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành đánh thuế vào ngày 15/10 như đã định và Trung Quốc chắc chắn sẽ tung đòn trả đũa, nhưng rất có thể hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận nhỏ để ngăn chặn đợt thuế quan tháng 12 đi vào hiệu lực.
Mặc dù vậy, ông Kujis cho rằng khả năng hai nước đạt được thỏa thuận nhỏ cũng không cao, theo SCMP.
Tổng thống Trump cũng nhiều lần khẳng định rằng ông sẽ chỉ chấp nhận thỏa thuận toàn diện, chứ không muốn kí kết thỏa thuận nhỏ lẻ về từng vấn đề với Trung Quốc.
"Chúng ta đã đi xa đến vậy. Chúng ta vẫn đang làm rất tốt. Tôi muốn đạt được một thỏa thuận lớn, và tôi tin rằng đó cũng là mục tiêu của tất cả chúng ta", ông Trump phát biểu trước báo giới hôm 7/10 vừa qua.
Ông Shen Jianguang, một chuyên gia cấp cao tại công ty JD Digit, vẫn khá lạc quan về triển vọng hai nước đạt được một thỏa thuận đình chiến thuế quan trong vòng đàm phán sắp tới.
"Trong những vòng đàm phán trước đó, mọi người thường đặt kỳ vọng quá cao trong khi thỏa thuận ở ngoài tầm với. Lần này, mọi người không kỳ vọng nhiều, nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc đàm phán sẽ không đạt kết quả", ông Shen nói.
Theo chuyên gia này, dù kết quả có thể sẽ không phải là một thỏa thuận toàn diện, "nhưng [Mỹ và Trung Quốc] có thể đạt được một thỏa thuận đình chiến chính thức, bởi cả hai đều đã nếm đủ những đớn đau do cuộc thương chiến gây ra".