Mỹ bất ngờ liệt 28 thực thể của TQ vào danh sách đen sau khi Bắc Kinh vừa manh nha "lật kèo": Washington có ý gì?

Hồng Anh |

Bộ Thương mại Mỹ ngày hôm qua (7/10) đã công bố danh sách 28 cơ quan công an và công ty của Trung Quốc vừa bị nước này liệt vào danh sách đen.

Theo báo The Guardian (Anh), trong số 28 cơ quan nhà nước và công ty kể trên có cả nhà sản xuất thiết bị giám sát Hikvision - công ty từng thuộc diện có nguy cơ bị Washington liệt vào danh sách đen khi "ông lớn" công nghệ Huawei của Trung quốc bị Mỹ nhắm đến trước đó.

The Guardian trích dẫn thông cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho biết, các cơ quan và công ty bị đưa vào "Danh sách Thực thể" bao gồm cục Công an của Khu tự trị dân tộc Duy Ngô Nhĩ Tân Cương và 19 cơ quan chính phủ trực thuộc.

Ngoài ra, 8 công ty thương mại cũng bị liệt vào danh sách đen của Mỹ, trong đó bao gồm công ty công nghệ Dahua và công ty IFLYTEK ở Chiết Giang, công ty Meiya Pico Information và công ty Khoa học & Công nghệ Yixin ở Hạ Môn.

Lí do khiến phía Mỹ đưa ra quyết định này là bởi "cách đối xử của Bắc Kinh đối với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và các dân tộc thiểu số theo đạo Hồi tại Trung Quốc", theo thông cáo của Bộ Thương mại Mỹ.

Các công ty và thực thể bị liệt vào danh sách đen sẽ không được phép mua các phụ tùng và linh kiện từ các công ty của Mỹ nếu không có sự cho phép của Washington.

Quyết định trên được đưa ra chỉ 2 ngày trước khi vòng đàm phán thương mại mới giữa hai nước Mỹ-Trung được tái khởi động ở Washington, và đặc biệt là sau khi Bắc Kinh bất ngờ có động thái "đổi giọng" về các điều kiện đàm phán với Mỹ ngay sát "giờ G".

Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ đã liệt tập đoàn công nghệ Huawei và hơn 100 chi nhánh của tập đoàn này vào "Danh sách Thực thể" - một động thái được cho là cú đòn đau đối với Trung Quốc trong cuộc thương chiến dai dẳng với Mỹ.

Hiện Bắc Kinh vẫn chưa có phản ứng chính thức trước quyết định mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ khẳng định rằng tuyên bố này không liên quan tới cuộc đàm phán thương mại sắp tới, mà chỉ liên quan tới vấn đề người Duy Ngô Nhĩ, theo The Guardian.

Mỹ bất ngờ liệt 28 thực thể của TQ vào danh sách đen sau khi Bắc Kinh vừa manh nha lật kèo: Washington có ý gì? - Ảnh 2.

Công ty thiết bị giám sát Hikvision. Ảnh: Reuters

Bloomberg dẫn lời một số nguồn thạo tin cho hay, trong các cuộc gặp gần đây với đại diện của Mỹ tại Bắc Kinh, các quan chức cấp cao của Trung Quốc đã thu hẹp các chủ đề họ sẵn sàng thảo luận với Mỹ.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người sẽ dẫn đầu đoàn đàm phán của Trung Quốc trong vòng đàm phán bắt đầu vào thứ 5 tuần này, đã tuyên bố trước các đại diện của Mỹ tại Bắc Kinh rằng Trung Quốc sẽ loại bỏ khỏi đề xuất đàm phán của nước này các cam kết về cải cách chính sách công nghiệp và các khoản trợ cấp của chính phủ - những vấn đề bị Mỹ nhắm đến lâu nay.

Tuyên bố trên của ông Lưu Hạc đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ gạt bỏ một trong những yêu cầu cốt lõi của chính quyền ông Trump khỏi bàn đàm phán.

Giới phân tích nhận định rằng động thái này chính là một trong những tín hiệu cho thấy Trung Quốc gần đây đang ngày càng cứng rắn hơn với Mỹ trong bối cảnh sóng gió luận tội đang bủa vây Tổng thống Trump, đồng thời ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng cuộc thương chiến của ông Trump khiến nền kinh tế Mỹ trở nên trì trệ.

Triển vọng đàm phán chuyển màu "xám xịt" ngay trước thời khắc quan trọng

Bình luận về quyết định mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ, hãng thông tấn Reuters (Anh) cho rằng điều này sẽ khiến khoảng cách giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới ngày càng bị nới rộng, và chắc chắn sẽ có ảnh hưởng ít nhiều tới cuộc đàm phán song phương sắp tới khi bất đồng giữa hai nước không những không được giải quyết mà còn gia tăng.

Nhận thấy những tín hiệu cho thấy cuộc chiến thương mại dai dẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu, giới chuyên gia đã thúc giục hai nước Mỹ-Trung nhanh chóng giải quyết cuộc xung đột này.

Trả lời báo giới, ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Trump, tỏ ra khá lạc quan về cuộc đàm phán sắp tới với Trung Quốc, tuy nhiên ông Trump vẫn khăng khăng giữ vững lập trường "chỉ chấp nhận thỏa thuận toàn diện với Trung Quốc".

Khi được phóng viên yêu cầu bình luận về cuộc đàm phán sắp tới, chính ông Trump cũng tỏ ra nghi ngờ về triển vọng hai nước đạt được thỏa thuận: "Liệu có điều gì xảy ra không? Tôi đoán là có thể. Chẳng ai biết trước được. Nhưng tôi không chắc rằng [hai nước sẽ đạt được bước tiến đáng kể]".

Bên cạnh đó, ông Trump cũng nhắc tới cuộc khủng hoảng tại Hong Kong và bày tỏ hy vọng rằng Trung Quốc sẽ tìm được cách giải quyết "nhân đạo và hòa bình" đối với vấn đề này. Đồng thời, nhà lãnh đạo Mỹ cũng không quên cảnh cáo Trung Quốc rằng cách Bắc Kinh "xử lý" làn sóng biểu tình tại Hong Kong có thể sẽ ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán.

"Nếu có điều tồi tệ xảy ra ở Hong Kong, thì tôi tin đó sẽ là điều rất bất lợi [cho Trung Quốc] trong cuộc đàm phán", ông Trump tuyên bố trước báo giới tại Nhà Trắng.

Trong khi đó, Nhà Trắng vừa qua đã chính thức xác nhận về cuộc đàm phán thương mại song phương giữa quan chức hai nước, và phía Trung Quốc cũng đã có thông tin về việc Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu đoàn đàm phán của nước này sang Mỹ theo lời mời của Washington để tham dự vòng đàm phán mới trong hai ngày 10-11/10 sắp tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại