Tờ báo của Đức ngày 5/6 cho rằng mức lãi suất cao hơn đã gây thêm áp lực lên ngân sách dài hạn của EU, vốn đã bị siết chặt bởi nhiều cuộc khủng hoảng gồm xung đột ở Ukraine, di cư và thiếu hụt nguồn cung cấp năng lượng.
Sau hậu quả của đại dịch COVID-19, những vấn đề kể trên đang lấn át nguồn tài chính của EU. Handelsblatt cho biết dự trữ ngân sách trên thực tế đã cạn kiệt, trong khi các thách thức lại tăng lên và khả năng hành động của Brussels bị giảm dần.
Báo cáo trên được đưa ra trước thềm cuộc đánh giá của EU về ngân sách năm 2024 cùng với Khung tài chính đa năm (MFF) cho các năm 2021 - 2027.
Theo bài báo, mức độ sẵn sàng trang trải chi phí từ nguồn ngân sách duy nhất của các quốc gia thành viên EU là thấp, đặc biệt là ở Đức, quốc gia đóng góp ròng quan trọng nhất cho liên minh.
Tất cả yếu tố trên có thể làm suy yếu khả năng của EU trong việc tài trợ cho các ưu tiên hoặc phản ứng với các sự kiện không lường trước được, đồng thời khiến các chương trình quan trọng hàng đầu gặp rủi ro.
Báo cáo chỉ ra rằng khối EU có rất nhiều khoản chi tiêu bắt buộc nên chỉ còn chưa đến 32 tỷ USD mỗi năm để cùng lúc hỗ trợ Ukraine, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, củng cố ngành công nghiệp chip, thúc đẩy sản xuất công nghệ sạch nội khối, mở ra nguồn nguyên liệu mới và chống lại sáng kiến Con đường Tơ lụa của Trung Quốc.
Handelsblatt kết luận bị giới hạn bởi chi tiêu bắt buộc cứng nhắc, EU khó thể vươn lên trở thành một siêu cường địa chính trị. Thậm chí với cấu trúc ngân sách hiện tại, khối kinh tế này không thể đối mặt với những thách thức tiềm tàng.