Vào cuối tuần trước, Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell đã gọi sự kiện người nộp thuế Mỹ phải chi trả cho việc triển khai hàng chục ngàn binh sĩ Mỹ tại CHLB Đức là một "vấn đề gây nhức nhối thực sự", mặc dù điều này là vì sự an toàn của công dân Đức - bài báo viết.
"Trên thực tế, ông Grenell đã đụng chạm đến một chủ đề lớn hơn", cụ thể là "xu hướng chạy đua vũ trang mới ở châu Âu, vốn đang tăng tốc sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014" - tác giả Ulrich Krökel lưu ý.
Bài báo viết rằng kể thời điểm đó, mức chi tiêu quân sự đã tăng vọt ở khắp Đông Âu, tốc độ tăng trưởng của các khoản chi tiêu này được thể hiện bằng hai chữ số trong hầu hết các trường hợp.
Một trong những nhân vật chính ở đây là Ba Lan. Nước này hoàn thành nghĩa vụ thành viên NATO là phân bổ 2% GDP cho quốc phòng, trong khi Đức không làm điều đó.
"Về vấn đề này, Tổng thống Mỹ Donald Trump không bỏ lỡ cơ hội chỉ trích "những ký sinh trùng ở Berlin" trong chính sách an ninh.
Ba Lan đã gia tăng mạnh ngân sách quốc phòng. Ảnh: VOICESEVAS.RU
Chính quyền Warsaw được hưởng lợi từ tình huống này. Hồi tháng 6 năm nay, Tổng thống Andrzej Duda đã bay tới Washington một lần nữa để vận động thiết lập một căn cứ quân sự lâu dài của Mỹ ở Ba Lan...
Tuy nhiên, theo tờ báo, ông Trump đã đành phải từ chối vì đạo luật cơ bản về mối quan hệ tương hỗ, hợp tác và an ninh giữa Nga và NATO năm 1997 cấm triển khai quân đội Mỹ ở Đông Âu.
Chỉ riêng trong năm 2015, ngân sách quốc phòng của Ba Lan đã tăng gần 20%, lên khoảng 10 tỉ euro và đến năm 2030, tỉ lệ chi tiêu quốc phòng trong GDP sẽ tăng lên 2,5%.
Nỗi e sợ Nga được cảm nhận trên khắp khu vực Đông Âu. Bài báo nhấn mạnh: "Estonia, Latvia và Litva, Bulgaria, Romania và Hungary đã trình bày các chương trình phát triển vũ khí dài hạn đáng kể".
Còn Ukraine, mặc dù khủng hoảng kinh tế kéo dài, thời gian qua đã tăng ngân sách quốc phòng thậm chí đến 21%, lên 4,5 tỉ euro, đứng thứ tám trên thế giới về tốc độ tăng trưởng chi tiêu quân sự.
Cuối cùng, báo Frankfurter Rundschau kết luận: "Vào thời điểm Mỹ và Nga chấm dứt Hiệp ước Các lực lượng tên lửa tầm trung (INF), xu hướng tăng ngân sách quốc phòng ở Đông Âu gây ra nỗi lo lắng".
Dĩ nhiên là, cả Nga cũng đang tự vũ trang. Theo lời chuyên gia quân sự Moscow Wasili Kaschin, sau cuộc chiến với Georgia năm 2008, Điện Kremlin đã khởi động "chương trình hiện đại hóa quân đội triệt để nhất kể từ cuối thế kỷ XIX".