Bảng xếp hạng vũ khí tối tân - Hỏa lực hạng nặng

Vy Lam |

Để hạ gục đối phương, giành chiến thắng quyết định trên chiến trường, một lực lượng quân đội luôn cần có những "quả đấm thép". Đó là vũ khí hạng nặng, được ví là vua chiến trường trên bộ.

Dưới đây là bảng xếp hạng "Hỏa lực hạng nặng" của chương trình vũ khí tối tân:

10. Xe tăng chiến đấu chủ lực Merkava IV

Đây là mẫu xe tăng hiện đại nhất đang phục vụ trong Lực lượng Phòng vệ Israel. Nó đã được nhiều chuyên gia quân sự công nhận là xương sống của lực lượng trên bộ.

Merkava IV là chiếc xe tăng rất cơ động và nhanh nhẹn, có đủ sức mạnh để di chuyển trên bất cứ địa hình nào. Nhưng tốc độ không phải là ưu điểm chính của nó, thay vào đó, Merkava IV là loại xe tăng chiến đấu chủ lực độc nhất có khả năng chở theo 1 tiểu đội bộ binh.

Bảng xếp hạng vũ khí tối tân - Hỏa lực hạng nặng - Ảnh 1.

Xe có 1 khoang nhỏ ở đằng sau, có thể sử dụng để sơ tán kíp lái của những chiếc xe tăng khác bị thương. Khoang này cũng có thể chở theo từ 4-5 lính bộ binh với đầy đủ trang bị, che chắn cho họ trước hỏa lực trên chiến trường.

Phía trong xe, kíp lái cũng nhận được sự bảo vệ cao nhất so với những chiếc xe tăng khác. 4 camera gắn ngoài cho phép kíp lái quan sát chiến trường hiệu quả. Giáp được tăng cường ở cả 4 phía, nóc và gầm xe, giúp tối ưu hóa khả năng tác chiến đô thị.

Cung cấp khả năng di chuyển với tốc độ 64km/h cho "gã khổng lồ" 72 tấn này là động cơ diesel V12, công suất 1.500 mã lực. Trong thiết kế của xe, động cơ không được bố trí phía sau, mà ở phía trước. Khối động cơ này có thể coi là một lớp giáp bảo vệ.

Hệ thống quản lý chiến trường, cảm biến, các thiết bị quang điện và hệ thống phòng vệ chủ động giúp bảo vệ 360 độ quanh xe.

Vũ khí chính của Merkava là pháo 120mm, có thể bắn đạn xuyên hoặc đạn dẫn đường. Vũ khí phụ gồm trọng liên 12,7mm, đại liên, 1 khẩu cối 60mm cùng hệ thống phòng vệ chủ động có nhiệm vụ phát hiện và bắn hạ các loại tên lửa nhằm vào xe ở mọi góc độ.

Xe tăng chiến đấu chủ lực Merkava IV. Nguồn: QPVN

9. Xe chiến đấu Stryker MGS

Chiếc Stryker MGS đã biến đổi chiến trường bằng cách đem đến sức mạnh hỏa lực mới cho loại xe bọc thép hạng trung chưa đầy 20 tấn.

Hệ thống mang pháo bắn thẳng này là một thành viên trong gia đình Stryker (gồm xe chiến đấu, xe quét mìn, xe cứu thương và xe chỉ huy). Nó khá giống một chiếc xe tăng nhưng thực tế lại đảm nhận nhiệm vụ khác: Hỗ trợ hỏa lực cho bộ binh.

Một ưu điểm nữa so với xe tăng chủ lực là những chiếc Stryker có tốc độ cao (gần 100km/h) và rất cơ động.

Bảng xếp hạng vũ khí tối tân - Hỏa lực hạng nặng - Ảnh 3.

Lợi thế của xe Stryker là có thể bắt kịp với tốc độ hành quân của những chiếc xe tải chiến thuật. Nó đã trở thành loại xe hoàn hảo cho các hoạt động quân sự trong đô thị tại Iraq và Afghanistan.

Nhiệm vụ chính của Stryker là chọc thủng những chốt phòng thủ kiên cố bằng bê-tông, bắn hạ các ổ đề kháng hay các vị trí bắn tỉa.

Việc điều khiển cỗ máy 20 tấn này khá nhẹ nhàng, tuy nhiên, chiếc Stryker MGS có thể mang theo hỏa lực tương đương xe tăng Abrams. Pháo chính của hệ thống có thể bắn hạ mục tiêu từ khoảng cách hơn 1,6km và có thể bắn nhiều loại đạn, từ đạn chống tăng đến đạn chống bộ binh với tốc độ 6 phát/phút, ngay cả khi di chuyển.

Mặc dù độ dày lớp giáp của xe được giữ bí mật nhưng những người lính ẩn nấp phía sau nó đều rất tin tưởng. Stryker được bọc giáp để có thể chịu được đạn súng máy 14,5mm. Ngoài ra, các giáp phụ dạng module có thể chống lại mối đe dọa từ súng phóng lựu, bom mìn tự chế và đạn xuyên.

Dù không thể so sánh về mặt hỏa lực với một số loại vũ khí hạng nặng khác nhưng Stryker có giá thành rẻ, khối lượng nhẹ, có thể đưa người lính ra/vào trận chiến nhanh chóng, bí mật và an toàn.

Xe chiến đấu Stryker MGS. Nguồn: QPVN

8. Xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams

Xe tăng Abrams được phát triển từ những năm 1980 để thay thế những chiếc M60 Patton đã cũ. Năm 1991, những chiếc Abrams đã khẳng định mình trong chiến dịch "Bão táp sa mạc".

Một trong những lý do chính để xe tăng Abrams trở thành huyền thoại là sự thể hiện của nó trong chiến tranh.

Bảng xếp hạng vũ khí tối tân - Hỏa lực hạng nặng - Ảnh 5.

M1A2 Abrams vốn nổi tiếng về khả năng sống còn và hỏa lực nhưng trong vài trường hợp, có thể coi nó là một vũ khí tâm lý. Nó có thể mang lại sự yên tâm cho bộ binh trong những tình huống căng thẳng, chỉ bằng cách có mặt tại đó.

Động cơ turbine 1.500 mã lực có thể giúp Abrams tăng tốc từ 0-30km/h trong không quá 8 giây. Hiện nay, M1A2 đã được nâng cấp để phù hợp hơn với tác chiến đô thị và tăng cường khả năng sống sót.

Xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams. Nguồn: QPVN

7. Lựu pháo M777

Điều làm nên sự khác biệt của lựu pháo M777 là khối lượng của nó. Vấn đề đối với pháo hạng nặng là chúng thường nặng và khó vận chuyển nhanh. Khối lượng nhẹ của khẩu M777 (chỉ 4,3 tấn) cho phép triển khai tới chiến trường bằng máy bay trực thăng.

Kết hợp với đạn thông minh Excalibur, khẩu M777 có thể bắn trúng 1 mục tiêu to cỡ căn phòng từ khoảng cách 40km. Nhờ độ chính xác cao, M777 như một con dao mổ có khả năng hạ gục đối phương với thiệt hại xung quanh nhỏ nhất.

Bảng xếp hạng vũ khí tối tân - Hỏa lực hạng nặng - Ảnh 7.

M777 là loại pháo xe kéo đầu tiên được điện toán hóa. Nó sử dụng hệ thống định vị GPS và con quay hồi chuyển để tăng độ chính xác.

Tại Afghanistan, các tay súng nổi dậy gọi M777 là "rồng sa mạc", luôn khiến kẻ địch phải run sợ, làm chúng bất ngờ và dội lửa xuống đầu bất cứ mục tiêu nào khi được yêu cầu.

Lựu pháo M777. Nguồn: QPVN

6. Pháo tự hành PzH-2000

Khẩu PzH-2000 đã được một số nhà bình luận quân sự đánh giá là hệ thống pháo 155mm mạnh nhất trên thế giới.

Đây là hệ thống pháo được tự động hóa cao độ, kết hợp độ chính xác của các cơ cấu cơ khí và tốc độ bắn nhanh. Độ chính xác của PzH-2000 so với các thiết kế cũ (có từ 50-100 năm trước) đáng gọi là một trời - một vực.

Được trang bị động cơ diesel 950 mã lực, cỗ pháo 55 tấn này có thể tiến tới chiến trường với tốc độ 64km/h. Pháo có hệ thống nạp đạn tự động, điều đó có nghĩa với một nhóm nhỏ vận hành, họ có thể nạp đầy đủ 60 viên đạn pháo chỉ trong vòng 10 phút.

Thay vì 1 kíp pháo thủ truyền thống cần từ 8-10 binh sĩ thì PzH-2000 chỉ cần 3 người.

Bảng xếp hạng vũ khí tối tân - Hỏa lực hạng nặng - Ảnh 9.

Nhiều hệ thống pháo tự hành trên thế giới có thể duy trì tốc độ bắn từ 4-5 phát/phút nhưng PzH-2000 cho phép đạt tốc độ bắn từ 6-8 phát/phút.

Tốc độ, tầm bắn và độ chính xác của PzH-2000 cho phép nó hoàn chỉnh được một kỹ thuật pháo binh có tên là MRSI. Đó là kỹ thuật bắn nhiều phát đạn, sao cho các viên đạn cùng chạm mục tiêu một lúc.

PzH-2000 không hề rẻ chút nào nhưng khả năng bắn 5 phát đạn rơi cùng vào một mục tiêu, hủy diệt ngay trong loạt đạn đầu đã giúp nó trở thành một lựa chọn đáng tin cậy.

Pháo tự hành PzH-2000. Nguồn: QPVN

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại