Tảng băng lớn trôi ở phía Đông Greenland. (Ảnh: AP)
Kết quả nghiên cứu mới cho thấy, không có cách nào để ngăn chặn tình trạng băng tan ở Greenland dẫn đến mực nước biển dâng , ngay cả khi thế giới ngừng xả khí thải gây hiệu ứng nhà kính, làm Trái đất nóng lên ngay từ bây giờ.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate Change cho thấy, lượng băng mất đi tổng thể từ lớp băng ở Greenland sẽ khiến mực nước biển dâng ít nhất 10 inch (25,4 cm), bất kể tình trạng khí hậu ấm lên ra sao. Nhìn chung, lượng nước biển toàn cầu đã tăng lên trong thế kỷ trước do băng tan ở Greenland, Nam Cực và sự giãn nở nhiệt (khi nước đại dương nở ra do khí hậu ấm lên) cộng lại.
Các nhà nghiên cứu từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Đan Mạch và Greenland đã quan sát những thay đổi về thể tích tảng băng trong và xung quanh Greenland và thấy rằng, dòng chảy của nước băng tan là nguyên nhân chính. Các nhà khoa học có thể xác định rằng khoảng 3,3% tảng băng ở Greenland, tương đương với 110 nghìn tỷ tấn băng, chắc chắn sẽ tan chảy khi tảng băng phản ứng với những thay đổi khí hậu đã xảy ra.
(Ảnh: AP)
Theo tác giả chính Jason Box, nhà khoa học thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất Đan Mạch và Greenland, mực nước biển dâng lên từ lớp băng tan chảy này sẽ xảy ra "bất kể tình trạng biến đổi khí hậu có thể dự đoán trước được trong thế kỷ này".
Trong khi các tác giả không nêu rõ mốc thời gian, họ dự đoán rằng sự thay đổi của mực nước biển có thể xảy ra từ nay đến cuối thế kỷ này.
Những tảng băng khổng lồ có thể tan chảy nhanh chóng khi nhiệt độ không khí ấm lên, nhưng nước biển ấm hơn cũng đang làm xói mòn lớp băng ở rìa xung quanh các thềm băng.
Phát hiện này được công bố sau báo cáo mực nước biển dâng năm 2022 do Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ công bố vào đầu năm 2022, cho thấy có thể dự đoán mực nước biển dâng ở các bờ biển nước Mỹ sẽ là từ 10 đến 12 inch (25,4 đến 30,48 cm) trong 30 năm tới. Điều này sẽ khiến lũ triều cường xảy ra thường xuyên hơn 10 lần và nước dâng do bão tràn sâu hơn vào đất liền, theo báo cáo.