Tận dụng phế phẩm lá tràm
Ruồi đục quả hay còn gọi là ruồi đục trái là loại côn trùng gây hại trong giai đoạn cây bắt đầu hình thành quả đến lúc chín. Khi bị ruồi đục, quả sẽ cong queo, thối rụng hàng loạt hoặc khi bổ ăn có dòi trong thịt quả.
Nhằm giúp người nông dân tiêu diệt loài ruồi này một cách an toàn, nhóm giảng viên, sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM đã nghiên cứu loại tinh dầu thu hút ruồi đục quả, từ đó tiêu diệt loài côn trùng gây hại này.
Nghiên cứu viên Trần Thị Kiều Vân, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TPHCM cho biết, để thực hiện nghiên cứu, nhóm đã tiến hành phân tích thử nghiệm nhiều loại tinh dầu khác nhau. Trong quá trình nghiên cứu dẫn xuất tinh dầu, nhóm nhận thấy có nhiều loại côn trùng bị tinh dầu dẫn dụ, chúng thích bám vào nơi có tinh dầu. Từ đó nhóm nghĩ đến việc có thể dùng tinh dầu để dẫn dụ côn trùng gây hại.
Sinh viên Ngô Huỳnh Bảo Trân, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, kết quả của nhóm hiện nay là có thể cho ra mắt sản phẩm tinh dầu thu hút ruồi đục quả. Sản phẩm là thành quả của quá trình tách chiết và phối trộn nhiều loại tinh dầu tự nhiên với nhau nhằm sử dụng cho nông nghiệp hữu cơ.
Thành phần của tinh dầu có thành phần chính là phụ phẩm nông nghiệp là tràm lá dài. Cây tràm là loại cây được trồng rộng rãi tại các tỉnh miền Tây, được trồng để lấy củi, gỗ. Trong quá trình khai thác, lá tràm thường bị người dân vứt bỏ. Từ phế phẩm này, nhóm thu gom để chưng cất tinh dầu. Sau đó, nhóm phối trộn với một số loại tinh dầu khác để cho ra tinh dầu thu hút ruồi đục quả.
Bảo Trân cho biết, sau khi chưng cất và phối trộn với nhau, nhóm sẽ phân tích hoạt chất để đánh giá chất lượng, chỉ tiêu có đạt chuẩn không. Sau đó thực hiện thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.
Nhóm đưa ruồi đục quả vào hệ thống các ống nghiệm xem chúng yêu thích mùi hương nào nhất để lựa chọn thành phần tinh dầu phối trộn tối ưu. Khi có kết quả, nhóm đem so sánh với sản phẩm hiện có trên thị trường. Kết quả, sản phẩm có mức độ thu hút ruồi cao hơn với nồng độ tinh dầu thấp hơn.
Với thành công này, có thể thiết kế các bẫy ruồi trong các trang trại, nhà vườn từ tinh dầu bằng cách treo các lọ tinh dầu trong khuôn viên có trồng cây ăn trái. Ruồi đục quả sẽ bị thu hút bởi mùi hương từ tinh dầu và dính vào bẫy, từ đó tiêu diệt côn trùng gây hại, bảo vệ trái cây.
Sau thành công trong phòng thí nghiệm, nhóm đem sản phẩm ra thực địa với những mô hình thực tế để đánh giá kết quả. Mô hình hiện đang được hoàn thiện trước khi có thể đưa ra thị trường.
Không tiêu diệt côn trùng có lợi
Ruồi đục quả gây hại trên nhiều đối tượng cây ăn quả, làm giảm giá trị thương phẩm, chất lượng và không xuất khẩu được. Quả bị hại có màu vàng sáng xung quanh vết châm, thường thối và rụng. Mùa mưa là giai đoạn ruồi sinh sản mạnh và gây hại nặng cho nhà vườn. Có khả năng làm thất thoát >50% năng suất.
Hiện, người nông dân có một số biện pháp phòng chồng ruồi đục quả như dùng thuốc trừ sâu, bả protein, các chất dẫn dụ ruồi đục quả hóa học hay bọc trái cây bằng túi nilon. Mỗi phương pháp đều có ưu, nhược điểm riêng song việc sử dụng tinh dầu để dẫn dụ ruồi đục quả có nhiều ưu điểm.
Theo nghiên cứu viên Trần Thị Kiều Vân, sản phẩm đặc hiệu nên chỉ thu hút ruồi đục quả mà không thu hút các loài côn trùng có lợi khác, khi sử dụng, vừa bẫy được ruồi, vừa bảo đảm hệ sinh thái của khu vườn.
Trong khi nếu dùng thuốc trừ sâu, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe, vừa diệt hết các loại côn trùng dù có lợi. Sản phẩm hoàn toàn tự nhiên nên không ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người nông dân, không có chất hóa học tồn dư trên sản phẩm khi thu hoạch
Nhóm nghiên cứu kỳ vọng có thể đưa được sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, đặc biệt là những người nông dân đang loay hoay tìm phương pháp diệt ruồi đục quả bởi tổn thất kinh tế gây ra do loại côn trùng này là rất lớn. Sản phẩm tinh dầu thu hút ruồi đục quả đang được nhóm nghiên cứu đăng ký sở hữu trí tuệ.
Sản phẩm được nhiều đơn vị đánh giá cao trong đó có hai đơn vị ở Lâm Đồng và Tiền Giang kết nối thương lượng về việc mua công nghệ cũng như kết nối sử dụng sản phẩm. Đây là cơ hội để đưa sản phẩm từ phòng thí nghiệm ra thị trường, đáp ứng yêu cầu thực tế của đời sống.