Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Đức Thụ, Trưởng ban công tác đại biểu Quốc hội, cho rằng việc tính riêng giá trị quyền sử dụng đất là để tránh trường hợp nhà đầu tư sở hữu đất vàng.
Thưa ông, mới đây Thủ tướng đã chỉ đạo thoái vốn Nhà nước tại 12 doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là việc bán hết vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp này sẽ được thực hiện ngay?
Đẩy nhanh cổ phần hóa, nhưng không có nghĩa là tổng tiến công trong thời gian tới. Chỉ đạo điều hành là quyết liệt nhưng IPO thời điểm nào thì phải tính tới yếu tố thị trường.
Cầu thị trường chứng khoán giảm, nếu ta phát hành quá nhiều đồng loạt cùng một thời điểm, thì tôi lo giá cổ phiếu sẽ tụt xuống và giảm, bán bằng được sẽ ảnh hưởng lợi ích DNNN. Do đó, phải tính đến điều kiện thị trường để có chỉ đạo phù hợp.
Mặt khác, xem xét tổng cầu không chỉ gói gọn tổng cầu trong nước. Quy định đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua đối với một số DN, tức là đã mở room để tăng tổng cầu trên thị trường chứng khoán.
Hiện mức cung tăng, thì tổng cầu phải tăng theo thì mới đảm bảo giá hợp lý và thu hồi vốn, bảo tồn vốn cũng như tăng thêm vốn nhà nước nên cần chọn thời điểm hợp lý.
Một trong những chỉ đạo đạo của Thủ tướng khi bán cổ phần tại các doanh nghiệp này, đó là tính riêng giá trị quyền sử dụng đất. Theo ông điều này có ý nghĩa gì?
Theo quy định thì doanh nghiệp phải thuê đất, còn nếu tính cả giá trị đất vào thì tôi lo rằng, đến khi nhà đầu tư nước ngoài được mở hết room, làm chủ doanh nghiệp thì sẽ làm chủ luôn quyền sở hữu đất đai. Lúc đó sẽ không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành về luật đất đai.
Nên việc định giá doanh nghiệp chỉ tính giá trị tài sản thôi, kể cả hữu hình và vô hình. Theo quy định thì thuê đất là do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, nên có những tỉnh để thu hút đầu tư, thường cho doanh nghiệp thuê đất với giá trị thấp.
Cơ chế cho thuê thì dài hạn, lại khuyến khích nộp tiền một lần, thêm trừ chiết khấu 5 – 10%, dẫn tới định giá thuê đất thấp. Vì vậy, có trường hợp không điều chỉnh được những hợp đồng đã giao và thu tiền thuê đất theo thị trường.
Thực tế, nhiều nhà đầu tư đã lợi dụng vấn đề này. Có những doanh nghiệp không còn hoạt động nhưng họ vẫn mua, không phải để tái tạo và phục hồi, mà là để thừa kế quyền thuê đất, nhất là vị trí đắc địa, gọi là đất vàng để chuyển đổi việc khác.
Đây là kẽ hở mà Chính phủ phải làm rõ vấn đề này để có giải pháp, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. Nhất là khi cổ phần hóa liên quan đến đất đai, quyền sử dụng đất, cần thấy rõ bất cập này nếu không thì tài sản và lợi ích Nhà nước sẽ chảy vào túi một số người.
Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, có nhiều lo ngại đặt ra số tiền bán vốn Nhà nước sẽ sử dụng không hiệu quả, như đưa vào chi thường xuyên hay chi trả nợ. Trong khi đây cũng là tài sản của quốc gia, tiền đóng góp của người dân. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Cổ phần hóa, bán vốn DNNN một phần hay toàn bộ để thu tiền về, xét về kinh tế học thì đối với phần vốn Nhà nước làm chủ sở hữu, sẽ thu về ngân sách nhà nước, đó là nguyên tắc rồi.
Theo Luật Ngân sách Nhà nước thì Quốc hội đại diện cho người dân xem xét quyết định dự toán ngân sách hàng năm, trong đó có thu chi.
Trong bối cảnh chi chưa thể tái cơ cấu cắt giảm ngay, bội chi và nợ công liên tục tăng, trên dưới 63% GDP nên nếu điều hành không tốt, tỷ lệ nợ công/GDP tăng và chạm trần, đe dọa an ninh tài chính quốc gia.
Dù vậy, Quốc hội đã đưa ra yêu cầu là nguồn tiền bán vốn DNNN phải sử dụng hợp lý, có hiệu quả. Vì vậy trong năm 2015 Nghị quyết Quốc hội cho ngân sách thu về 30.000 tỷ đồng từ việc bán vốn và trong đó 10.000 tỷ đồng được đưa vào cân đối để bù hụt thu ngân sách trung ương năm 2015.
Tuy nhiên, đến khi ngân sách cân đối được nên Chính phủ không trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không sử dụng 10.000 tỷ đồng đó để chi thường xuyên mà chi đầu tư phát triển.
Do đó, với số tiền thu được từ bán vốn nhà nước ở những doanh nghiệp này, sẽ dành cho chi đầu tư để duy trì tổng mức đầu tư vào nền kinh tế, giữ được vai trò Nhà nước trong phát triển và vốn ngân sách là vốn mồi thu hút các nguồn vốn khác.