Thổ Nhĩ Kỳ thử S-400, Mỹ “ngồi trên lửa”
Theo Arab News, một đoạn video đăng tải trên truyền thông hôm 6/10 cho thấy hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 vừa được Thổ Nhĩ Kỳ vận chuyển qua thành phố Samsun ở Biển Đen. Động thái trên được thực hiện ngay sau khi người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg vừa có chuyến thăm đến Ankara.
Cùng ngày, một thông báo đóng cửa không phận miền Bắc trong 10 ngày để thực hiện các cuộc diễn tập S-400 và máy bay không người lái ở Sinop cũng được đưa ra. Điều này khiến giới quan sát dự đoán dường như cuối cùng Thổ Nhĩ Kỳ đã chuẩn bị cho việc kích hoạt hệ thống phòng không Nga sau nhiều tháng trì hoãn, bất chấp rủi ro trừng phạt.
Trong phản ứng mới nhất hôm 7/10, Mỹ đã lên tiếng phản đối sau khi có thông tin Ankara chuẩn bị bắn thử hệ thống này.
"Chúng tôi đã nắm được thông tin. Chúng tôi tiếp tục phản đối Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400, đồng thời lo ngại sâu sắc với thông tin cho thấy Ankara duy trì nỗ lực đưa hệ thống S-400 vào hoạt động. Việc loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 cho thấy, sự nghiêm túc của chính quyền trong vấn đề này", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố.
Theo chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ Matthew Goldman, từ viện Nghiên cứu Thụy Điển ở Istanbul, “quyết định thử nghiệm hệ thống tên lửa S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ ngay sau chuyến thăm của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg được cho là thể hiện sự không hài lòng với các đồng minh NATO”.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.
“Stoltenberg ở Thổ Nhĩ Kỳ để cố gắng xoa dịu căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp, nhưng cũng để thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ trì hoãn kích hoạt hệ thống S-400, cảnh báo rằng điều này có thể mở ra các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Việc Ankara tiếp tục thử nghiệm hệ thống ngay lập tức, khi ông Stoltenberg đang ở Athens, đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng gấp đôi quyết tâm và không có vấn đề gì trước áp lực từ các đồng minh NATO”.
Theo Bloomberg, Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch thử nghiệm S-400 vào tuần tới tại một địa điểm trên bờ Biển Đen. Mặc dù động thái này không có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngay lập tức kích hoạt hệ thống của Nga, nhưng các báo cáo ở Ankara cho rằng, khả năng kích hoạt có thể được Ankara sử dụng làm đòn bẩy cho các mục đích khác.
Các cuộc tập trận - có sự tham gia của 10 máy bay không người lái Banshee do Anh sản xuất được sử dụng để thử nghiệm S-400 - kéo dài đến ngày 16/10. Khả năng giao tranh của S-400, cũng như khả năng phát hiện và theo dõi của radar sẽ được thử nghiệm.
Karol Wasilewski, một nhà phân tích tại viện Các vấn đề Quốc tế Ba Lan có trụ sở tại Warsaw, nêu quan điểm rằng: “Thời điểm thử nghiệm đưa đến kết luận đây có thể là một thông điệp hướng tới Nga và Armenia”.
Theo Wasilewski, Thổ Nhĩ Kỳ có thể muốn thể hiện quyết tâm của mình về vấn đề Nagorno-Karabakh và đề nghị Nga tham gia đàm phán về cuộc xung đột.
“Đây không phải là thử nghiệm đầu tiên. Lần đầu tiên được thực hiện vào tháng 11/2019. Thổ Nhĩ Kỳ đã thử một lần và không chịu hậu quả gì, vì vậy lần này họ cũng sẽ không chịu hậu quả nào”, ông nói.
Tận dụng bầu cử Mỹ
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Tuy nhiên Aaron Stein, một chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ tại viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, cho rằng thời điểm thử nghiệm S-400 hướng nhiều hơn đến sự kiện chính trị của Mỹ và các cuộc bầu cử sắp tới.
“Khi chúng ta bước vào giai đoạn đó từ tháng 11 đến tháng 1, khi nước Mỹ bận rộn với bầu cử, đây có vẻ là thời điểm tốt để thử nghiệm S-400 vì nước Mỹ sẽ trì hoãn việc áp đặt các biện pháp trừng phạt”, ông nói với Arab News.
Vì NATO không có nhiệm vụ thảo luận về vấn đề S-400 nên đây trước hết là tranh cãi song phương giữa Washington và Ankara.
Việc Ankara có khả năng kích hoạt hệ thống trị giá 2,5 tỷ USD của Nga được cho là sẽ thay đổi cuộc chơi trong khu vực, mang đến những rủi ro lớn khi kết nối hệ thống của Nga với hệ thống radar khác của NATO.
“Điều này sẽ khiến thái độ chống Thổ Nhĩ Kỳ trở nên mạnh mẽ hơn. Ankara đã bị cấm vận vũ khí trên thực tế và nước này có thể sớm phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của CAATSA. Họ cũng đã mất F-35. Mọi thứ đã trở nên tồi tệ hơn”, Stein nói.
Chuyên gia Goldman lưu ý rằng việc Mỹ đưa tàu đến Crete gần đây như một động thái gửi thông điệp bênh vực Hy Lạp đã đổ thêm dầu vào lửa: “Thổ Nhĩ Kỳ thay vì tìm cách dập lửa thì họ lại đưa tranh cãi lên tầm cao mới”.
Goldman cho biết động thái thử nghiệm S-400 sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng với các đối tác phương Tây ngay lúc Thổ Nhĩ Kỳ cần họ nhất để cân bằng với Nga, ngoại giao với Hy Lạp và quan trọng hơn cả là giúp đỡ tài chính trong bối cảnh nước này đang gặp khủng hoảng kinh tế tồi tệ.
Chuyên gia Goldman cũng đồng ý rằng, thời điểm thử nghiệm S-400 cũng là một phản ứng với các sự kiện gần đây ở Mỹ, vì Thổ Nhĩ Kỳ có thể đang cố gắng tận dụng khoảng trống quyền lực ở Washington.
“Như Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu từng nói hồi tháng 9/2019, Thổ Nhĩ Kỳ không mua S-400 chỉ để đó và họ có lý do để triển khai hệ thống này khi đang xích mích với Hy Lạp, Pháp và các nước khác. Có lẽ Ankara nghĩ rằng một khi hệ thống S-400 được đưa vào sử dụng, thì họ vẫn có thể nhận được sự trợ giúp tài chính của phương Tây một khi căng thẳng qua đi”, ông nói.