Bắn tên lửa Tomahawk vào Syria, Mỹ bộc lộ điểm yếu lớn

QS |

Theo War is Boring, quyết định sử dụng tên lửa Tomahawk của chính quyền Trump có thể so sánh với sự phụ thuộc nặng nề của chính quyền cựu Tổng thống Clinton vào thứ vũ khí này.

Tối 6/4 (theo giờ Mỹ), 2 tàu khu trục của Hải quân Mỹ đã phóng tổng cộng 59 tên lửa hành trình nhằm vào căn cứ không quân Al-Shayrat để đáp trả vụ tấn công của quân chính phủ Syria vào dân thường nước này hôm 4/4.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jame Mattis tuyên bố, vụ tấn công đã làm thiệt hại hoặc phá hủy các kho nhiên liệu, kho đạn dược, các hệ thống phòng không và 20% số máy bay có khả năng hoạt động của Syria.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, cuộc tấn công này mang ý nghĩa chính trị hơn là một động thái quân sự cứng rắn, bởi tên lửa Tomahawk không phải là loại vũ khí phù hợp để phá hủy đường băng sân bay, đủ khiến Không quân Syria bị tê liệt hoạt động trong một thời gian dài.

Bằng chứng là trong vòng 1 ngày sau cuộc tấn công, căn cứ không quân Al-Shayrat đã hoạt động bình thường trở lại.

Bắn tên lửa Tomahawk vào Syria, Mỹ bộc lộ điểm yếu lớn - Ảnh 1.

Ảnh vệ tinh chụp căn cứ không quân Al-Shayrat sau cuộc tấn công bằng tên lửa Tomahawk của Mỹ.

Mới đây, trang mạng War is Boring còn có bài viết nhận định thêm rằng, cuộc tấn công bằng tên lửa Tomahawk thực chất đã bộc lộ điểm yếu của chính quyền Trump.

Phụ thuộc nặng nề vào tên lửa Tomahawk

Theo bài viết, quyết định sử dụng tên lửa Tomahawk của chính quyền Trump có thể so sánh với sự phụ thuộc nặng nề của chính quyền cựu Tổng thống Clinton vào thứ vũ khí này.

Ông Clinton từng sử dụng tên lửa Tomahawk, kết hợp với các cuộc không kích, để trừng phạt chính quyền Saddam Hussein vì xâm phạm vùng cấm bay mà Mỹ thiết lập tại Iraq, đồng thời không tuân thủ các cuộc thanh sát vũ khí của Liên Hiệp Quốc.

Clinton cũng từng triển khai một cuộc tấn công tương tự bằng tên lửa Tomahawk vào Baghdad để trã đũa vụ ám sát, được cho là do Iraq tiến hành, nhằm vào người tiền nhiệm - George H.W. Bush - trong năm đầu tiên ông Bush giữ cương vị Tổng thống Mỹ.

Chính sách phụ thuộc nặng nề vào thứ vũ khí này để trừng phạt kẻ địch của Mỹ sẽ bộc lộ những thiếu sót lớn.

Chiến dịch Desert Strike là một ví dụ điển hình. Khi quân của chính quyền Saddam tiến hành cuộc đột nhập vào Kurdistan trong lúc đang xảy ra cuộc nội chiến người Kurd vào mùa hè năm 1996, máy bay Mỹ đã không làm gì để tấn công lực lượng trên bộ của Saddam.

Thay vào đó, các tên lửa Tomahawk phóng từ trên không và trên biển lại nhằm vào những gì còn lại của hệ thống phòng không Saddam ở miền nam Iraq, cách xa chiến trường thực tế để trả đũa một cách vô ích.

Sách lược sử dụng lực lượng trên bộ đã giúp Saddam đạt được mục đích.

Quay trở lại với cuộc tấn công mới nhất của Mỹ vào Syria. Theo báo cáo cập nhật thì các máy bay tại căn cứ Al-Shayrat đã trở lại hoạt động chỉ trong vòng chưa đầy 24h sau "cơn mưa" tên lửa của chính quyền Trump.

Điều đó không khác gì với việc Iraq bắt đầu khôi phục lại các hệ thống tên lửa đất-đối-không sau cuộc tấn công của bằng tên lửa Tomahawk của chính quyền Clinton.

Việc này được tiến hành sau khi quân Saddam tiến hành thanh trừng các thành viên đối lập người Iraq tại Kurdistan và nhanh chóng rút lui sau khi hoàn thành sứ mệnh của họ.

Bắn tên lửa Tomahawk vào Syria, Mỹ bộc lộ điểm yếu lớn - Ảnh 2.

Tàu khu trục USS ‘Lagoon' phóng tên lửa tại Iraq năm 1996

"Thoạt nhìn thì thấy đây có vẻ là thắng lợi lớn của Mỹ, nhưng ngẫm lại sẽ thấy nó dường như không mấy ấn tượng" – nhà bình luận chính trị Larry Sabato nhận định vào thời điểm diễn ra chiến dịch Desert Strike.

"Ngược lại, ngày càng có vẻ như quân Saddam Hussein mới là bên giành chiến thắng" – ông Sabato nói.

"Việc Mỹ không sẵn lòng triển khai binh sĩ, mà sử dụng các loại đạn dược tự động để thực hiện nhiệm vụ đó, không cho quân Saddam Hussein thấy rõ cam kết bảo vệ người Kurd" – Hai tác giả Michael Russell Rip và James Hasik viết trong cuốn "The Precision Revolution: GPS and the Future of Aerial Warfare".

Trong nội bộ nước Mỹ, Clinton có lý do riêng khi dựa vào những tên lửa này đối phó với quân Saddam. Đó là bởi công chúng Mỹ không quá bận tâm về sự can thiệp của Mỹ ở nước ngoài, khi binh sĩ Mỹ không trực tiếp dấn thân vào cuộc chiến.

Bắn tên lửa Tomahawk vào Syria, Mỹ bộc lộ điểm yếu lớn - Ảnh 3.

Tàu khu trục USS Ross phóng tên lửa Tomahawk tấn công Syria hôm 6/4.

Najmaldin Karim – một thành viên người Kurd ở phe đối lập với Saddam vào thời điểm đó cho biết, chính quyền Kirkuk đã chỉ trích việc Mỹ chỉ phụ thuộc vào các cuộc tấn công tên lửa và những cuộc không kích chỉ đủ "gãi ngứa" để kiềm chế Saddam.

Sau khi sức mạnh trên không được sử dụng rộng rãi để phá hủy cơ sở hạ tầng và triệt tiêu lực lượng quân sự của Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, học giả Elliot Cohen đã tổng kết phương thức triển khai sức mạnh không quân hiện đại sao cho có hiệu quả.

"Khi các Tổng thống sử dụng phương thức này, họ nên triển khai nó với sức sát thương khủng khiếp nhằm vào một vài mục tiêu nhất định hoặc triển khai trên quy mô đủ rộng để gây ra tổn thất nặng nề và lâu dài cho một quân đội và một xã hội" – ông Cohen cho hay.

Trong khi đó, cuộc tấn công bằng số lượng tên lửa khổng lồ của Trump lại không có phạm vi rộng như vậy.

Nếu thông tin các máy bay Syria tại căn cứ Al-Shayrat đã trở lại hoạt động là đúng thì cuộc tấn công này đã thất bại trong việc phá hủy, hoặc thậm chí là gây tổn hại nặng nề, cho mục tiêu.

Mohammed Alloush, một nhà đàm phán cấp cao đối lập với Syria, đã ủng hộ cuộc tấn công của Trump nhưng thẳng thừng nhận định trên Twitter rằng: "Một căn cứ là không đủ. Có tới 26 căn cứ không quân nhắm vào dân thường".

Điểm yếu lớn

Tomahawk là loại vũ khí tương đối hiệu quả khi được sử dụng như một thành phần trong cuộc tấn công vũ trang kết hợp nhằm vào đối phương.

Chúng cũng hữu dụng trong việc tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ đối phương, chẳng hạn như hệ thống phòng không, bởi nguy cơ máy bay có người lái bị bắn hạ khi thực nhiện nhiệm vụ này quá cao.

Chính quyền cựu Tổng thống Obama từng sử dụng tên lửa Tomahawk trong giai đoạn đầu chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria để tấn công nhóm khủng bố Khorasan.

Tuy nhiên, chính quyền Assad có thể xâm phạm lằn ranh đỏ mà Trump tuyên bố về việc sử dụng vũ khí hóa học, bằng cách sử dụng các hệ thống pháo di động, thay vì căn cứ hoạt động cố định.

Sau đó, tương tự như trường hợp của quân Saddam tại Kurdistan năm 1996, quân Assad có thể thường xuyên thách thức lằn ranh đỏ của Trump, trong khi tiếp tục trở thành mục tiêu khó nhằn của các cuộc tấn công trả đũa bằng đường không hoặc tên lửa hành trình.

Khi lên án cuộc tấn công của Mỹ hôm 6/4, Nga đã đình chỉ thỏa thuận tránh đụng độ trên không với Mỹ tại Syria. Động thái này diễn ra trong thời điểm nguy cơ đụng độ giữa 2 phía đã trở nên nghiêm trọng.

Nếu chính quyền Assad không bao giờ tái sử dụng vũ khí hóa học nữa thì cuộc không kích này sẽ là một thắng lợi. Tuy nhiên, nếu không hợp tác thận trọng với Nga, Nhà Trắng sẽ thấy việc áp đặt lằn ranh đỏ với Assad rất khó khăn.

Điều này, cùng với những báo cáo ở trên về việc khôi phục hoạt động của căn cứ Shayrat, có thể làm bộc lộ điểm yếu, thay vì quyết tâm dứt khoát và sức mạnh của chính quyền Trump.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại