Bạn nghĩ gì khi thấy bức hình này?
Câu trả lời có lẽ là... chẳng có gì, thậm chí chẳng ai hiểu nó ý nghĩa của nó là thế nào.
Nhưng bạn biết không, đây có thể xem là một trong những bức ảnh ấn tượng và đáng sợ nhất, bởi nó chính là tầng hầm của lò phản ứng hạt nhân tại Chernobyl - nơi xảy ra thảm họa phóng xạ kinh khủng nhất mọi thời đại.
Trong ảnh là một khối vật chất phóng xạ nóng chảy đã nguội lạnh, được biết đến với cái tên "Chân voi".
Lượng phóng xạ ở đây đã từng mạnh đến mức có thể giết chế bất kỳ ai dám bén mảng lại gần. Và dù đã hàng thập kỷ trôi qua, nó vẫn đang tỏa nhiệt và khiến nhà máy chìm trong phóng xạ ở nồng độ nguy hiểm.
Khối phóng xạ cực đáng sợ
"Chân voi" là một khối corium - hỗn hợp tan chảy pha trộn giữa uranium, than chì, bê tông và cát, được hình thành trong thảm họa Chernobyl vào ngày 26/4/1986.
Trong vòng vài giờ ngắn ngủi, lò phản ứng số 4 tại nhà máy thuộc Pripyat (Ukraine) đột nhiên ghi nhận một đợt bùng nổ năng lượng vượt ngưỡng an toàn.
Sự kiện đã khiến lõi uranium trong buồng chứa nước làm mát bị quá tải nhiệt, khiến hơi nước bốc lên nhanh chóng và áp suất trong buồng tăng chóng mặt.
2 vụ nổ liên tiếp xảy ra. Nguyên liệu phóng xạ bị đẩy ra ngoài, còn nước tràn vào trong, nhưng nhiệt lượng từ lõi hạt nhân vẫn tiếp tục tăng, đủ để khiến nó chảy ra.
Dòng vật chất nóng chảy giống như dung nham vậy, chỉ khác là nó liên tục thải ra các ion phóng xạ ở nồng độ cực nguy hiểm.
Nó khiến thành thép và bê tông dưới đáy lò phản ứng chảy ra, lọt xuống tầng hầm rồi nguội lạnh và trở thành "Chân voi" như chúng ta thấy phía trên.
Ở thời điểm mới được hình thành, "Chân voi" giải phóng tới 10.000 roentgens (đơn vị đo phóng xạ) ion phóng xạ mỗi giờ.
Nồng độ này tương đương với việc bạn đi chụp X-quang hàng triệu lần, và có thể giết chết một người trưởng thành chỉ sau vài phút tiếp xúc.
Vậy ai là người đã chụp được bức hình chết người này?
Tác giả của bức hình là Artur Korneyev - một chuyên gia nghiên cứu hạt nhân người Kazakhstan.
Ông là người đầu tiên tiếp cận hiện trường vụ tai nạn, với nhiệm vụ tìm kiếm lõi hạt nhân và đánh giá mức độ thảm họa tại Chernobyl.
Tuy nhiên, bức hình chụp "Chân voi" không thực hiện ở ngay thời điểm ấy, mà là năm 1996 - tức hơn 1 thập kỷ sau đó.
Ở thời điểm này, lượng phóng xạ xung quanh Chân voi chỉ còn khoảng 10% - vẫn gây nhiễm độc khi tiếp xúc trong khoảng vài phút, nhưng đủ thấp để một người nhanh chóng chụp một tấm hình rồi rời đi mà không gặp hậu quả nghiêm trọng.
Nhìn vào bức ảnh, ai cũng nghĩ nó được thực hiện trong điều kiện cấp tập và căng thẳng. Tấm hình méo mó, xiên xẹo và không rõ ràng. Nhưng thực ra, nguyên nhân là vì phóng xạ tác động đến nước phim mà thôi.
Năm 2014, ông từng có một cuộc phỏng vấn của New York Times ở tuổi 65: "Chúng tôi đã luôn là những người tiên phong, phải chạy đến vụ tai nạn đầu tiên."
Hiện tại không ai rõ tung tích của ông, nhưng nhiều người cho rằng ông vẫn còn sống dù phải chịu một số hậu quả đến sức khỏe vì phóng xạ.