Ngày nay, công việc phỏng vấn không còn là một quá trình “chỉ đường” dễ dàng nữa. Không chỉ cần đánh giá kiến thức chuyên môn và khả năng của người phỏng vấn, HR còn cần đưa ra đánh giá sơ bộ về khả năng tư duy linh hoạt, năng lực phản ứng và mức EQ.
Chỉ số EQ hay được gọi cụ thể là Emotional Quotient và được phiên dịch sang tiếng Việt là khả năng nhận diện, kiểm soát những suy nghĩ, cảm xúc. Trong mọi tình huống tích cực hoặc tiêu cực thì những người có chỉ số trí tuệ cảm xúc cao thường dễ dàng nhận diện, chịu áp lực và điều khiển cảm xúc của mình.
Đó là lý do mà Vương Quân gặp được câu hỏi rất “độc - lạ” trong quá trình ứng tuyển vào vị trí biên tập viên truyền hình của mình.
Trong buổi phỏng vấn nhóm, HR đã đưa ra câu hỏi tình huống cho tất cả mọi người như sau: “Bạn sẽ làm gì nếu đồng nghiệp nữ bên cạnh có mùi cơ thể?”
Trong thực tế, có rất nhiều người có mùi cơ thể rất đặc trưng do tuyến mồ hôi của họ. Có người khi phát hiện ra mình có tuyến mồ hôi thiếu bình thường thì tìm cách che giấu điều đó, để tránh ảnh hưởng tới những người xung quanh. Nhưng không phải ai cũng tự nhận thức được mình có “mùi lạ”, khi họ đã quá quen với cơ thể mình. Chỉ khi được người xung quanh cảnh báo, họ mới nhận thức được tình trạng "viêm cánh" đáng báo động.
Nhưng xét trong tình huống nào đi nữa, đây cũng là một vấn đề hết sức nhạy cảm. Nếu không biết chia sẻ một cách khéo léo, bạn rất có thể gây rạn nứt quan hệ với đối phương khi tiết lộ vấn đề.
Do đó, khi câu hỏi này được đưa ra, rất nhiều ứng viên có mặt tại buổi phỏng vấn đều thấy bối rối. Là một người đàn ông, Vương Quân lại càng "đau đầu".
Mùi cơ thể của đồng nghiệp là vấn đề gây đau đầu cho nhiều người (Ảnh: Internet)
Ứng viên đầu tiên trả lời là một thanh niên thẳng tính: “Nếu mùi cơ thể của đối phương làm ảnh hưởng đến mình, tôi sẽ lập tức nhận xét để họ biết được. Thực sự, mùi cơ thể có thể gây ảnh hưởng khá lớn đến khả năng tập trung và tinh thần làm việc của những người xung quanh.
Nữ đồng nghiệp đó buộc phải nhận thức về điều này và thay đổi thói quen vệ sinh cơ thể. Dù có bị ghét đi nữa, tôi vẫn sẽ nói chuyện riêng với cô ấy một cách nghiêm túc."
Sau đó, cô gái tiếp theo đưa ra câu trả lời có phần tinh tế hơn: “Tôi không muốn mọi người sẽ phải khó xử với nhau, đặc biệt là khi, cô gái trong giả thiết là đồng nghiệp ngồi ngay bên cạnh. Do đó, tôi sẽ rủ cô ấy đi ăn riêng, sau đó tiết lộ điều này một cách tế nhị. Có thể nói trước mặt sẽ khiến cô ấy xấu hổ, tôi sẽ dùng tin nhắn.”
Đến lượt mình, Vương Quân đã suy nghĩ rất lâu, sau đó quyết định dùng duy nhất 1 hành động trong trường hợp này. Đó là anh sẽ đi làm thật sớm, mua một chai lăn khử mùi rồi để lên bàn cô ấy khi văn phòng chưa có người.
Vừa nghe câu trả lời của Vương Quân, vị sếp nữ có mặt trong buổi phỏng vấn đã gật đầu tỏ vẻ ưng ý. Bà chính là giám đốc nội dung, người chịu trách nhiệm quản lý hầu hết các biên tập viên hiện đang làm việc tại đài truyền hình.
Nhận thấy sự tinh ý và khéo léo được thể hiện trong câu trả lời vừa rồi, vị sếp nữ đã đồng ý tuyển dụng Vương Quân ngay tại chỗ. Trong môi trường làm việc với nhiều nữ giới, cũng liên tục phải gặp đủ kiểu người với rất nhiều vị thế khác nhau trong xã hội, việc sở hữu một tư duy linh hoạt và sự khéo léo trong ứng xử là vô cùng quan trọng.
Chính vì vậy mà giờ đây, EQ lại được coi là một trong những thành tố quan trọng nhất tạo nên mức độ thành công của một người.
Đó là lý do mà các công ty thường xuyên đưa ra những câu hỏi tình huống “lắt léo” và độc đáo như vậy. Đưa mọi người vào một tình huống khó xử, các ứng viên mới bộc lộ được những khía cạnh năng lực mà bản CV chưa lột tả hết được. Phía công ty cũng có thể hiểu rõ hơn về mức độ phù hợp của ứng viên tại vị trí họ ứng tuyển.