Chỉ nên tin vào những gì mắt thấy tai nghe - đây là câu nói cổ nhân xưa đã dạy. Nhưng khi khoa học phát triển, chúng ta biết rằng những gì mình trông thấy chưa chắc đã đúng. Bởi lẽ, hình ảnh thực chất là do quá trình xử lý của não bộ mà ra.
Mắt có nhiệm vụ tiếp nhận ánh sáng, chuyển tín hiệu vào não, và não xử lý để tạo ra hình ảnh. Bởi vậy trong trường hợp não bộ gặp trục trặc, hình ảnh bạn thấy sẽ không còn đúng nữa.
Nhắc đến vấn đề này là bởi câu chuyện chúng ta sắp nhắc đến sau đây liên quan đến một trường hợp như thế. Câu chuyện về một người đàn ông có bộ não trục trặc, khiến ông không thể nhìn thấy chữ số nữa.
Như bức hình dưới đây, bạn thấy gì? Nếu là số 8, bạn là người hoàn toàn bình thường.
Còn đây là những gì người đàn ông này trông thấy:
Đây là trường hợp được nêu trong tạp chí Kỷ yếu khoa học của Viện Hàn lâm quốc gia (Mỹ). Người đàn ông này gặp phải một chứng thoái hóa não bộ hiếm gặp, khiến ông không thể nhìn và nhận dạng những con số từ 2 đến 9.
Chẳng hạn khi nhìn bức hình có số 8 và được yêu cầu vẽ lại những gì trông thấy, ông sẽ vẽ nên những thứ rất kỳ quặc và hỗn độn, không liên quan gì. Tuy nhiên, ông vẫn xác định được các chữ cái, ký hiệu và 2 con số 0, 1.
Các chuyên gia từ ĐH Johns Hopkins (Mỹ) và Harvard gọi bệnh nhân này bằng một bí danh: RFS. Được biết, RFS trước kia là một kỹ sư địa chất, bước sang tuổi 60 khi nghiên cứu được bắt đầu.
Ông lần đầu cảm nhận được các triệu chứng bất thường vào cuối năm 2010, với những cơn đau đầu kinh khủng, thị giác mờ dần, trí nhớ kém minh mẫn.
Tháng 8/2011, RFS hoàn toàn không thể nhận mặt các con số từ 2 - 9, không thể định dạng, cũng không vẽ lại được, bất chấp chúng được biểu thị và sắp xếp như thế nào.
Ông cho biết mỗi lần nhìn thấy những con số này, sẽ có những hình ảnh quái lạ hiện ra trước mắt, khiến ông không thể xác định được.
"Bệnh nhân cảm thấy tình cảnh hết sức mệt mỏi. Ông là một người thông minh và kiên cường, và đã cố gắng thích nghi với hội chứng này khá tốt," - trích lời Teresa Schubert, chủ nhiệm nghiên cứu từ ĐH Harvard.
"Ban đầu, ông gặp khó khăn để miêu tả cho các bác sĩ, và cũng khó để họ xử lý vấn đề này. Vậy nên, RFS mong rằng nghiên cứu của chúng tôi có thể đưa ra lời giải phù hợp."
Bộ não kỳ lạ
Tìm hiểu sâu hơn, Schubert bắt đầu nhận thấy nhiều điều kỳ lạ. Khi quan sát sóng não của RFS, các nhà nghiên cứu nhận thấy bộ não xử lý các thông tin thị giác theo cái cách mà bản thân không thể nhận biết.
Chẳng hạn, RFS được yêu cầu nhìn vào con số gắn trên khuôn mặt người. Ông vẫn nhận ra đó là một khuôn mặt, nhưng không thể định dạng con số.
Bộ não vẫn hoạt động bình thường khi nhìn vào khuôn mặt, cho thấy bộ não xử lý hình ảnh ấy rất rõ ràng.
Trong một thí nghiệm khác, RFS phải quan sát những tấm hình có con số lồng vào chữ cái. Lần này ông không thể nhận ra đó là chữ gì, nhưng hình ảnh máy quét cho thấy hệ thần kinh vẫn hoạt động bình thường.
Những kết quả trên mang đến nhiều tầng ý nghĩa. Trước kia, khoa học tin rằng khả năng cảm nhận hình ảnh phản ánh sự phức tạp trong các hoạt động thần kinh.
Tuy nhiên với trường hợp của RFS, hoạt động thần kinh dường như không liên quan đến khả năng nhận thức của một người.
"Có ít nhất 2 quá trình xảy ra khi bạn nhìn vào một thứ: não bộ phải xác nhận được nó, sau đó tiến hành phân tích, phát tín hiệu để giúp bạn nhận ra nó.
Đối với RFS, quá trình thứ 2 đã không hoạt động đối với các con số," - Schubert giải thích.
"Mấu chốt của nghiên cứu là để tìm hiểu về nghịch lý: tại sao chỉ với những chữ số nhất định, RFS lại không nhận ra?
Bởi rõ ràng, nếu bộ não chỉ gây ra việc nhìn nhận những con số theo hình dáng lộn xộn, ông vẫn phải có cách nhận ra chúng.
Và lần này, chúng tôi nhận ra rằng việc não nhận ra chữ số, khuôn mặt, chữ cái... là chưa đủ để chúng ta thực sự nhìn thấy chúng."