Mấy ngày trước, công ty tôi tổ chức đợt tuyển dụng nhân sự mới. Lần tuyển dụng này công ty đã thu hút được rất nhiều ứng viên đến tham gia phỏng vấn. Mỗi khi tôi hỏi các ứng viên có sở thích gì, đáp án tôi nhận được nhiều nhất chính là đọc sách và xem phim.
Sau đó, tôi tiếp tục hỏi: "Quyển sách bạn yêu thích nhất là gì?" hay "Gần đây bạn đang đọc sách gì?" Các ứng viên thường có hai trạng thái sau đây. Một là ấp a ấp úng, nghĩ mãi không ra. Hai là nghe xong mắt sáng lên, rồi say mê chia sẻ về những cuốn sách đã đọc.
Trong số những ứng viên ấy, có một cô gái đã làm tôi vô cùng ấn tượng. Cô biết dùng câu chuyện của những cuốn sách để nói về con đường sự nghiệp của mình, từ việc cô đã băn khoăn ra sao khi lựa chọn công việc, cho đến khi cô tìm ra phương hướng và không ngừng cố gắng để đạt được thành công.
Nhiều người hay thích viết thêm hai chữ "đọc sách" vào phần sở thích trong CV của mình. Nhưng liệu được có mấy người hay đọc sách thực sự. Muốn biết một người có thích đọc sách hay không, hãy lắng nghe cách họ trò chuyện với người khác, bởi những cuốn sách bạn đã đọc đều sẽ để lại dấu ấn trong cách bạn tư duy, nói chuyện và ứng xử. Kiến thức trong những quyển sách đã trở thành sức mạnh để bạn luôn vững lòng khi đưa ra những lựa chọn cho mình. Việc cùng bàn luận với một người về cuốn sách họ yêu thích sẽ giúp bạn hiểu thêm về người đó. Nói cho tôi những quyển sách mà bạn thích, tôi sẽ nói cho bạn biết là ai.
(1)
Vào năm 38 tuổi, khi mà sự nghiệp đang trên đà thăng tiến, chị đã từ bỏ tất cả để ở nhà làm nội trợ. Chị là người lớn tuổi nhất trong nhóm chị em chúng tôi. Mấy chị em chúng tôi thường tranh luận với nhau về chủ đề đi làm hay ở nhà chăm con thì tốt hơn. Mặc cho chúng tôi rôm rả bàn chuyện, chị ấy vẫn một mực im lặng. Chị đã làm nội trợ ngay từ khi sinh con. Đợi đến khi con đi học tiểu học, chị mới quay lại làm việc ở một công ty kiểm toán. Mặc dù là nhân viên mới, mức lương của chị còn cao hơn hẳn so với số tiền chị nhận trước kia.
Lúc đầu, tuy có rất nhiều người ngăn cản chị bỏ việc về nhà làm nội trợ, chị vẫn kiên định với lựa chọn của mình. Trong suốt 7 năm làm nội trợ, chị chưa bao giờ ngừng trau dồi bản thân. Mỗi sáng, chị đều luyện nghe tin tức bằng tiếng Anh. Ngày nào chị cũng tập Yoga để duy trì sức khỏe. Mỗi tuần, chị sẽ đọc một cuốn sách từ sách kinh tế, sách giáo dục đến sách tâm lý. Chị không ngừng tích lũy để nâng tầm bản thân. Nhờ vậy, chị luôn có được sức mạnh để nắm giữ vận mệnh trong tay.
(2)
Lý Tuyết Cầm Cho không phải là một diễn thuyết gia chuyên nghiệp, nhưng cô vẫn có thể khiến cho cả khán phòng kinh ngạc vì khả năng thuyết trình của mình.
Nhờ khả năng học tập xuất sắc, Lý Tuyết Cầm chỉ cần một thời gian ngắn đã có thể thuần thục các kỹ năng diễn thuyết. Bên cạnh đó, vốn kiến thức phong phú, lối tư duy sắc sảo cùng khả năng quan sát nhạy bén đã khiến cô thêm tỏa sáng trên sân khấu.
Lý Tuyết Cầm từng tiết lộ: "Tôi đã đọc các tác phẩm văn học ngay từ khi còn nhỏ. Hình tượng các nhân vật trong đó đều rất rõ nét và sinh động. Các tác giả cũng đều là những nhà văn rất có cá tính. Qua đó, tôi nhận ra mình phải luôn sáng tạo và phải khác biệt với số đông. Tôi nhất định phải là chính mình. Sự khác biệt này không nhất thiết sẽ giúp tôi chiến thắng nhưng tôi không thể vì thế mà từ bỏ."
Những quyển sách đã tiếp thêm sức mạnh để cô luôn là chính mình. Cô làm mọi thứ để mình vui, chứ chẳng cần quan tâm đến ánh mắt của người khác.
Có thể ai đó đã từng tưởng rằng chỉ cần có tiền là có trong tay sức mạnh. Nhưng sau này, họ mới biết tiền có bao nhiêu cũng là không đủ. Khi không có tiền, bạn tưởng mấy chục triệu là to. Khi có rồi, bạn lại thấy mấy tỷ mới là nhiều. Cứ thế, mãi mãi bạn không bao giờ thỏa mãn được lòng tham của mình. Trên thế giới này, chỉ có hai thứ "chỉ vào mà không có ra" chính là kiến thức và học thức.
Những người đọc nhiều sách sẽ có nội lực bên trong tỏa ra để vun đắp nên sức mạnh ở bên ngoài. Nó ngấm vào trong từng mạch máu và hơi thở. Nó hun đúc nên trí tuệ và khí chất. Đó mới là sức mạnh lớn nhất, bền vững nhất mà ta có thể rèn luyện cho mình. Kể cả khi bị phá sản thất nghiệp, bạn cũng sẽ có năng lực để vươn lên làm lại từ đầu.
(3)
"Tôi sắp 40 tuổi đầu. Cuộc sống ổn định, con cái ngoan ngoãn là được rồi. Đời này tôi cũng chỉ cầnthế thôi." Nghe những lời này thật khiến người ta dở khóc dở cười. Cuộc sống này nào phải vì bạn nghĩ nó ổn định thì nó sẽ ổn định như thế mãi đâu. Có biết bao nhiêu người nghĩ mình có thể yên ổn trụ lại ở công ty cho đến khi về hưu, nhưng họ lại mất việc ngay khi bước vào tuổi 40 vì bị những người trẻ hơn thay thế. Bất cứ lúc nào nói ra câu "đời này chỉ cần thế thôi" cũng đều là quá sớm. Đừng tưởng thử thách là thứ chỉ dành cho những người trẻ.
Khi 15 tuổi, bạn nghĩ học bơi khó quá nên bỏ cuộc. Đến năm 18 tuổi, người bạn thích rủ bạn đi bơi, bạn đành từ chối với lý do không biết bơi. Khi 18 tuổi, bạn nghĩ tiếng Anh khó học nên không học nữa. Đến năm 28 tuổi, bạn đành bất lực nhìn người khác cướp mất một công việc tốt hơn chỉ vì công việc đó yêu cầu tiếng Anh.
Nhiều người thuận lợi nắm bắt được cơ hội đa phần là bởi họ đã chuẩn bị xong xuôi. Họ tuyệt đối không phải là kẻ đem cái đầu rỗng tuếch để chờ cơ hội từ trên trời rơi xuống.
Khi còn trẻ, chúng ta đọc sách để phục vụ cho việc học. Đến khi tiến bước ra đời, bạn mới biết việc đọc sách sẽ quyết định xem mình có thể đi được bao xa. Đọc sách chính là một phương thức đầu tư hiệu quả mà không cần bỏ quá nhiều vốn.