Theo báo chí trong nước, sau khi cơ quan chức năng phát hiện công ty TNHH Thanh Ngũ ở xóm Ngọc Tân, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu (Nghệ An) pha chế, xuất ra thị trường hơn 2 triệu lít xăng giả, nhiều nghiệp vụ điều tra đã được tiến hành.
Theo đó, Sở KH&CN Nghệ An đã gửi mẫu đến trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2 tại Đà Nẵng để thử nghiệm, kết quả là rất nhiều mẫu xăng A92 chứa chưa đến 50% thành phần là ốc tan.
Kết quả thử nghiệm xăng A92 giả ở Nghệ An. Ảnh: Người lao động
Trong phạm vi bài này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu: vậy chỉ số ốc tan là gì, và với chỉ số thấp không đạt tiêu chuẩn như vậy nó gây hại cho động cơ xe ra sao nếu vô tình dùng phải?
Chúng ta biết rằng đối với động cơ đốt trong bốn thì, nhiên liệu thông thường được sử dụng là xăng. Khi động cơ vào kỳ nén, nhiên liệu và không khí được trộn lẫn và nén xuống thể tích nhỏ trước khi được đánh lửa. Hệ suất nén của động cơ là một tiêu chí quan trọng để sử dụng loại xăng thích hợp. Thường thì hệ suất nén động cơ là 8-1.
Chỉ số ốc tan (octane) của nhiên liệu cho biết lượng nhiên liệu có thể được nén trước khi tự kích nổ. Nếu nhiên liệu tự kích nổ trong động cơ mà không do đánh lửa có kiểm soát nó sẽ gây ra hiện tượng “knocking”. Hiện tượng va đập không kiểm soát này sẽ gây hư hại động cơ.
Đối với nhiên liệu có chỉ số octane thấp (ví dụ xăng 87) chỉ chịu được hệ số nén thấp trước khi tự kích nổ. Mỗi loại động cơ được thiết kế để hoạt động với hệ số nén tối ưu. Thường thì xe mới, động cơ hiệu suất cao có hệ số nén lớn nên dùng nhiên liệu có chỉ số octane cao.
Các loại xăng với tỷ lệ ốc tan (octane) khác nhau.
Xăng 87 là loại nhiên liệu trong đó có 87% octane và 13% còn lại là các chất khác. Tương tự, xăng 92 sẽ có 92% octane và 8% chất phụ gia khác. Nó sẽ tự kích nổ tại một mức nhất định và chỉ được dùng trong động cơ có hệ số nén thấp hơn mức này.
Như vậy, xăng “giả” hay gọi đúng là xăng chất lượng thấp với chỉ số octane thấp sẽ khiến động cơ hoạt động không theo thiết kế, tự kích nổ, tắt máy đột ngột, gây hại động cơ và nguy hiểm cho người sử dụng.
Minh họa kích nổ trong động cơ. a) Bình thường. b) Tự kích nổ do xăng "giả" (Ảnh: autogas)
Lịch sử tên gọi "ốc tan"
Tên gọi octane xuất phát từ quá trình chưng cất dầu thô. Chuỗi hydocarbon (H-C) với độ dài khác nhau sẽ có tên gọi tương ứng do số nguyên tử carbon (C) trong chuỗi. Như vậy, octane có tám nguyên tử carbon kết nối và nó chịu nén rất tốt.
Trong Thế chiến I, người ta thấy rằng bổ sung Tetraethyl Lead (TEL) chứa chì sẽ tăng chỉ số octane. Như vậy, xăng “giả” chất lượng thấp có thể được cho thêm TEL để tăng độ octane. Xăng có chỉ số octane thấp được cho thêm TEL khiến cho ô nhiễm chì tăng cao.
Hiện nay, việc sử dụng TEL bị cấm và giá xăng tăng lên vì quá trình tinh luyện dầu thô phải nâng cao chỉ số octane tự nhiên.
Ngoài ra, người ta còn dùng chỉ số RON hoặc MON để đánh giá nhiên liệu. Chỉ số RON là một cách để đánh giá octane của nhiên liệu.
Nó được thực hiện bằng cách cho nhiên liệu vào động cơ thử nghiệm với nhiều hệ số nén khác nhau. Chỉ số RON thể hiện cách mà nhiên liệu hoạt động trong động cơ ở tốc độ và nhiệt độ thấp.
Xem thêm video: Trạm xăng Nhật Bản có cả găng tay cho khách hàng tự đổ xăng. Nguồn: Youtube/ TheJapanChannelDcom.