Bắn hạ tên lửa Israel ở Syria, Nga một mục tiêu nhắm nhiều đích

Vũ Thu Hương |

Không chỉ nhắm đến chính phủ mới của Israel, tuyên bố vũ khí Nga bắn hạ tên lửa của Israel nhằm vào Syria còn là thông điệp Nga gửi tới cả Mỹ và Iran.

Theo Sputnik ngày 6/8, ba thông báo của Bộ Quốc Phòng Nga được đưa ra vào các ngày 20, 22 và 25/7 về việc phòng không Syria đánh chặn thành công tên lửa của Israel trong không gian Syria đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi giữa các nhà quan sát Trung Đông và phương Tây. Tại sao thông tin này lại gây ồn ào như vậy?

Vào ngày 29/7, bình luận về vụ bắn rơi tên lửa của Israel ở Syria, tờ Thời báo Israel cho rằng "Nga có thể đang thử nghiệm" chính phủ mới của Israel của Thủ tướng Naftali Bennett và nói thêm rằng "không có lý do gì để hoảng sợ".

Tuy nhiên, Israel cảnh báo rằng Moscow rất có thể sẽ sớm giúp Cộng hòa Ả Rập thêm nhiều vũ khí và phương tiện trong công cuộc chống tên lửa Israel.

Trong khi đó, về phần mình, Forbes cho rằng những thông báo gần đây của Bộ Ngoại giao Nga có thể không chỉ là lời cảnh báo cho chính phủ của ông Bennett mà còn dành cho chính quyền Tổng thống Mỹ Biden nhằm đàm phán về "các thông số mới và rõ ràng hơn trong việc giải quyết các vấn đề" ở Syria.

Hãng thông tấn đầu tiên đưa ra báo động về việc Nga có chiến lược thay đổi trước các cuộc tấn công của Israel vào lãnh thổ Syria là tờ báo quốc tế Asharq Al-Awsat của Saudi Arabia, có trụ sở tại London.

Dẫn lời một "quan chức Nga" giấu tên, Al-Awsat đã đưa ra một số tuyên bố liên quan đến các chính sách của Moscow, Washington và Tel-Aviv tuy nhiên chưa được Nga, Mỹ hay Israel xác nhận, Mark Sleboda, một cựu quân nhân Mỹ đồng thời là nhà phân tích an ninh và các vấn đề quốc tế nhận định.

Trong bức ảnh chụp hôm Chủ nhật, ngày 16/7/2006, một máy bay chiến đấu F-16 của Israel cất cánh từ một căn cứ không quân ở miền bắc Israel và bắn vào lãnh thổ Syria từ Lebanon.

Đặc biệt, al-Awsat cho rằng Nga đã "tăng cường" hệ thống phòng không của Syria và cung cấp thiết bị mới cho lực lượng chính phủ Syria. Sự thay đổi rõ ràng này diễn ra sau khi cơ chế liên kết giữa Nga và Israel, do Thủ tướng Netanyahu thiết lập, chấm dứt hiệu lực sau khi ông Bennett lên nắm quyền vào tháng 6/2021.

"Trước đây, quân đội Nga thường được Israel thông báo trước mỗi khi Israel triển khai các cuộc tấn công để đảm bảo rằng quân đội Nga không bị tổn hại, mặc dù bộ Quốc phòng Nga thường xuyên phàn nàn về việc thời điểm báo trước quá ngắn, thường chỉ vài phút", nhà phân tích Mark Sleboda chỉ ra.

Bắn hạ tên lửa Israel ở Syria, Nga một mục tiêu nhắm nhiều đích - Ảnh 2.

Hệ thống pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S


Ông Mark Sleboda không loại trừ khả năng Nga có thể tăng cường hỗ trợ phòng không cho Syria nhằm chống lại các cuộc không kích của Israel để "gây áp lực với chính phủ mới của Israel nhằm khôi phục lại cơ chế báo trước các cuộc tấn công mới bị đình trệ này" hoặc "thiết lập 'luật chơi' mới hạn chế hơn với chính phủ mới của Israel về các cuộc tấn công của Israel ở Syria".

Moscow từ lâu đã chỉ trích nhà nước Do Thái triển khai các cuộc không kích trên lãnh thổ Syria.

Vào ngày 8/7/2021, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi Israel ngừng tấn công vào Syria. Về phần mình, Israel lập luận rằng họ tấn công nhắm vào các vị trí của Hezbollah mà vốn được nước này chỉ định là tổ chức khủng bố, và các cơ sở được cho là của Iran.

Ông Mark Sleboda cũng cho rằng các hệ thống phòng không được cho là đã nâng cấp của Syria sẽ gửi tín hiệu cảnh báo tới các lực lượng chiếm đóng của Mỹ.

“Quân đội Nga nỗ lực để giảm xung đột trong hoạt động quân sự với Mỹ và tránh đối đầu quân sự có thể gây ra xung đột trực tiếp giữa hai nước. Trừ khi lực lượng Mỹ trực tiếp tấn công căn cứ quân sự Nga ở Syria, nếu không, khó có tình huống Nga nhằm vào tên lửa hay máy bay của Mỹ”.

Điều gì khiến Nga thay đổi thái độ trước các cuộc tấn công của Israel?

Nhà phân tích an ninh Mark Sleboda cho rằng sự "thay đổi" rõ ràng trong thái độ của Nga đối với các cuộc tấn công của Israel có thể cũng là thông điệp mới tới chính phủ mới của Iran, ông Ebrahim Raisi.

Vào tháng 7/2020, Tehran và Damascus đã ký một hiệp ước quân sự, quốc phòng và an ninh toàn diện. Tờ Raialyoum, trích dẫn từ Thời báo Tehran, tuyên bố rằng thỏa thuận mới sẽ cho phép Iran triển khai "ít nhất hai loại hệ thống tên lửa phòng không do địa phương sản xuất" tới Syria là Bavar-373 và Khordad-3.

Theo Forbes, các hệ thống này có thể giúp Iran tạo ra " hệ thống phòng không đáng gờm bao phủ các khu vực chiến lược quan trọng" ở Levant.

Tuy nhiên, ông Sleboda tin rằng cả Moscow và Tehran sẽ không tăng cường sức mạnh quân sự thêm nhiều trong khu vực.

Theo ông, "chiến lược quân sự của Nga và Iran trong thời điểm hiện tại tập trung vào việc củng cố quyền lực của chính phủ Syria, tái thiết và phát triển đối với phần lớn Syria."

Và thay vì dùng đến các biện pháp tấn công, Nga và Iran "có thể sẽ tiếp tục thực hiện các hành động chính trị để gây khó khăn và tăng chi phí" cho các lực lượng nước ngoài hoạt động trong khu vực mà không có sự ủy quyền của Damascus.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại