Có một tập hợp các kiểu tính cách tương ứng với thời gian chìm vào giấc ngủ trên mạng xã hội như sau:
Trước 21h: nhóm nhàn hạ.
21-22h: cao thủ dưỡng sinh.
22-23h: tự giác kỉ luật.
23-1h sáng: cao thủ xã giao.
Sau 1h sáng: thánh thức đêm.
Thời gian đi ngủ khác nhau, sẽ quyết định trạng thái tinh thần và cơ thể vào ngày hôm sau khác nhau.
Càng là người đi ngủ sớm, có giấc ngủ chất lượng, thì tinh thần càng thoải mái, không bệnh không lo âu.
Tuyệt đối đừng xem thường giấc ngủ, không có chuyện gì quan trọng hơn một cơ thể khỏe mạnh và một tinh thần tỉnh táo sảng khoái.
Bạn càng thức khuya, cuộc sống càng bết bát
K. dạo gần đây công việc không được thuận lợi, mối quan hệ với bạn gái cũng rất gay go.
Trước đó, cậu ấu vì muốn góp đủ tiền để sửa lại nhà mà sau khi tan làm đã kiếm thêm nghề tay trái để làm, thường xuyên bận rộn tới 2,3h sáng, sáng hôm sau 7h đã lại phải dậy.
Rất nhanh sau đó, cơ thể không chịu được nữa, nhìn cậu ấy đúng hai chữ "rũ rượi".
Không hứng thú với bất cứ cái gì, thường xuyên quên những chuyện mà mình dự định làm.
Tính tình cũng nóng nảy hơn, thường xuyên vì những chuyện nhỏ nhặt mà cãi nhau với bạn gái, hơi không vừa ý một chút thôi là nổi trận lôi đình.
Có một lần, cậu ấy còn nhầm đơn hàng của khách khiến công ty tổn thất, suýt chút nữa mất cả việc.
Vốn dĩ muốn tranh thủ còn trẻ, thức đêm một chút để nâng cao chất lượng cuộc sống, kết quả lại khiến cuộc sống thất bại nhiều hơn.
Người trẻ hiện nay có thói quen lấy giấc ngủ ra để thấu chi thời gian, không phải vì phấn đấu trong công việc, thì cũng là để ăn chơi hưởng lạc.
Nhưng, thức đêm quá nhiều lại chẳng khác nào âm thầm tự sát cả, nó sẽ ăn mòn sức khỏe và sức sống của chúng ta từng chút từng chút một.
Một đạo diễn nọ khi tham gia một chương trình truyền hình thực tế, đã chia sẻ rằng, bản thân vì quay phim mà từng 3 ngày liền không thể chợp mắt.
Khi ấy, khi đang chuẩn bị cho một bộ phim của mình thì nhận được lời mời quay một bộ phim ngắn.
Vậy là, ban ngày thì bắt kịp tiến trình quay phim, ban đêm lại vội vã tới trường quay để quay phim ngắn.
Ban đầu còn cảm thấy mình trụ được, buồn ngủ thì uống chút cà phê, hoặc là ngủ trên ô tô trong lúc di chuyển.
Nhưng được khoảng hai ngày, anh cảm thấy tinh thần mình không ổn chút nào, cả người cứ như lơ lửng trên mây, không thể tỉnh táo.
Cuối cùng, tới ngày thứ 3, khi không chịu được nữa, anh ngồi trên xe bật khóc nức nở.
Thức khuya không kiểm soát và thiếu ngủ kéo dài là cực hình đối với tinh thần và gây hại nghiêm trọng cho cơ thể.
Theo số liệu khảo sát của Hiệp hội Y học Giấc ngủ:
90% các trường hợp đột tử như xuất huyết não, nhồi máu cơ tim đều liên quan đến tình trạng thiếu ngủ do thức khuya.
Nhà khoa học người Anh Beveridge cũng cho biết:
"Ngủ càng ít không có nghĩa là bạn có nhiều thời gian hơn người khác, mà ngược lại, nó có thể khiến bạn chết sớm hơn những người khác".
Hãy nói không với thức khuya, duy trì trạng thái tốt nhất cho cơ thể, đảm bảo tinh thần luôn tỉnh táo, minh mẫn, năng động để có thể thu được kết quả gấp đôi chỉ với một nửa nỗ lực.
Ngủ cho đàng hoàng, mới có thể làm chủ được cuộc đời
Trong cuộc sống, chúng ta thường phải nghe nhiều người oán than rằng:
"Tôi quen thức khuya rồi, không tới 2h là không ngủ được."
"Mất ngủ nghiêm trọng quá rồi, càng cố càng không ngủ được."
"Nghĩ tới việc ngày mai còn một đống việc phải làm, làm gì còn tâm trạng mà đi ngủ."
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 1/3 dân số thế giới gặp vấn đề về giấc ngủ, tỷ lệ mất ngủ ở người trưởng thành ở đất nước nhiều nhân lực trẻ như Trung Quốc thậm chí còn cao tới 38,2%.
Qua điều tra lý do, chúng ta sẽ thấy rằng giấc ngủ kém thường không phải do quá căng thẳng và quá nhiều việc, mà là do "chỉ số giấc ngủ" quá thấp.
Các nhà tâm lý học Mỹ đưa ra: "Chỉ số giấc ngủ" là chỉ số quan trọng đánh giá chất lượng giấc ngủ, cho biết mức độ cơ thể và trí óc có thể phục hồi thể lực và năng lượng trên một đơn vị thời gian ngủ.
Có một bài kiểm tra "thương số ngủ", tổng cộng 10 câu hỏi, mỗi câu trị giá 1 điểm:
1. Có khả năng đi vào giấc ngủ trong vòng 15 phút và ngủ trước 11:00 vào buổi tối.
2. Thức dậy quá 5 phút mỗi đêm không quá một lần.
3. Ngủ chiếm 85% thời gian nằm trên giường.
4. Không nghĩ lại những gì đã xảy ra trong ngày trước khi đi ngủ.
5. Không mê man vào ban đêm.
6. Môi trường mới cũng không ảnh hưởng đến giấc ngủ.
7. Không dễ dàng bị đánh thức bởi chuyển động xung quanh.
8. Cảm thấy sảng khoái khi thức dậy vào mỗi sáng.
9. Hăng hái và đầu óc minh mẫn trong ngày.
10. Thời gian ngủ trưa không quá 30 phút.
Nếu được 8 điểm trở lên, vậy thì chỉ số giấc ngủ là tốt; 5 điểm trở lên, miễn cưỡng đạt chuẩn; 5 điểm trở xuống là giấc ngủ có vấn đề.
Chỉ số giấc ngủ có liên quan mật thiết tới sức khỏe, sinh hoạt và cả công việc của chúng ta.
Những người có chỉ số giấc ngủ cao có xu hướng tự kỷ luật và quyết tâm, biết cách kết hợp giữa công việc và nghỉ ngơi, có thể làm việc hiệu quả và tận hưởng cuộc sống.
Nhà văn Huffington từng tự hào về việc mình "ngủ ít hơn và làm nhiều hơn", bà làm việc 18 tiếng một ngày, bận rộn cả ngày lẫn đêm.
Một lần vì quá mệt vì thức khuya, bà bị ngã xuống đất, đập đầu vào bàn và gãy xương hàm.
Bà cảm thấy kinh hãi và quyết định thay đổi lối sống.
Bà giảm thời gian làm việc, không để bất cứ thiết bị điện tử nào trong phòng ngủ, mỗi ngày đúng giờ thức dậy, đi ngủ, đảm bảo thời gian ngủ.
Sau đó, bà phát hiện ra tinh thần của mình có sự chuyển biến tốt, minh mẫn hơn, tư duy nhanh nhẹn hơn, hiệu suất công việc cũng được nâng cao.
Chỉ khi kiểm soát được giấc ngủ, bạn mới kiểm soát được cuộc đời mình.
Nhà văn Nick trong cuốn "Cách mạng giấc ngủ" đã nói:
Người thực sự tài giỏi sẽ biết cách chủ động kiểm soát tiết tấu cuộc sống của mình, nâng cao chất lượng giấc ngủ, có như vậy mới luôn có thể ở trong trạng thái tích cực với cả công việc và cuộc sống.
Giấc ngủ là cái gốc rễ của sinh mạng, tất cả nhiệt tình tích cực đều gắn liền với nó, và tất cả hạnh phúc và vẻ đẹp được sinh ra xung quanh nó.
Chỉ bằng cách cải thiện chỉ số giấc ngủ và đi ngủ sớm hơn, bạn mới có thể có đầy đủ năng lượng để chống lại những thất bại và phát triển đi lên với nguồn năng lượng mạnh mẽ.
Người thực sự tài giỏi, luôn biết cách kiểm soát giấc ngủ của mình
Tuần san y khoa "The Lancet" từng có một nghiên cứu phát hiện ra rằng:
Cùng là một công việc, người không ngủ đủ giấc sẽ kéo dài thời gian hơn 14%, tỷ lệ mắc lỗi cũng cao hơn người có tinh thần tỉnh táo 20%.
Ngủ cho đàng hoàng, chính là khoản đầu tư có lợi nhất.
Vậy chúng ta làm sao để nâng cao chất lượng giấc ngủ của mình?
1. Bồi dưỡng cho mình thói quen tự giác
Tác gia người Nhật, Matsuura Yataro nói:
"Mỗi ngày khoảng 10h lên giường, buổi sáng 5h ngủ dậy, cách một ngày luyện tập một ngày, đi bộ nhanh khoảng 10km, rồi 8h về đi làm."
Cuộc sống mang tính quy luật này với tôi là công việc vô cùng quan trọng."
Càng là người thành công, càng hiểu được tầm quan trọng của một cuộc sống có kỉ luật và một giấc ngủ khỏe mạnh.
Trước khi đi ngủ 1 tiếng bỏ hết các thiết bị điện tử, đi ngủ khi cơn buồn ngủ ập đến, buổi sáng ngủ dậy đúng giờ, cuối tuần cố gắng đừng ngủ nướng.
Thực hiện từng bước một và trau dồi thói quen làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, bạn có thể có được 100% sức lực để chào đón ngày mới.
2. Cố gắng đảm bảo một giấc ngủ trưa
Một cuộc khảo sát của NASA cho thấy rằng một giấc ngủ ngắn khoảng 26 phút vào ban ngày có thể cải thiện 34% hiệu suất và 54% độ nhạy bén của phi công.
Hãy tận dụng tốt khoảng thời gian nhỏ và tận hưởng thời gian nghỉ trưa thoải mái, điều này cũng có thể bổ sung cho chúng ta rất nhiều năng lượng.
Đối với hầu hết mọi người, 2h đến 5h chiều là thời gian tốt nhất để chợp mắt, ngủ khoảng 30 phút sẽ giúp phục hồi sinh lực.
3. Kiên trì vận động, tập thể dục thể thao
2600 người bị mất ngủ, tuổi từ 18-85, được chia thành nhiều nhóm, một nhóm không tập thể dục, và các nhóm khác có thời gian tập thể dục khác nhau.
Kết luận rằng 150 phút tập thể dục mỗi tuần có thể cải thiện hiệu quả 65% chất lượng giấc ngủ và giúp bạn tràn đầy năng lượng hơn trong ngày.
Trong cuộc sống hàng ngày, hãy kiên trì tập một số bài tập vận động như chạy bộ, đạp xe, đi bộ đường dài ngoài trời… chúng không chỉ có tác dụng làm cơ thể khỏe mạnh mà còn giúp cải thiện giấc ngủ.
4. Buông bỏ những lo âu, gánh nặng
Đôi khi, trước khi đi ngủ, chúng ta không thể không lặp đi lặp lại trong đầu những việc chưa hoàn thành trong ngày, sự lo lắng trong công việc, lo lắng về giao tiếp giữa các cá nhân với nhau... khiến ta cả đêm trằn trọc.
Trạng thái tốt nhất của giấc ngủ là buông bỏ mọi thứ trước khi đi ngủ và khi thức dậy cũng đừng hỏi về quá khứ.
Bạn có thể viết ra "gánh nặng" trong đầu, sắp xếp thời gian xử lý hoặc viết ra những suy tư của bản thân, điều này sẽ giúp chúng ta giải tỏa đầu óc và ngủ ngon mà không cần bận tâm.
Một đêm ngon giấc là liều thuốc chữa lành hiệu quả nhất.
Cho dù trong cuộc sống ban ngày có bao nhiêu điều đi ngược lại mong muốn chúng ta, hãy ngủ vùi cả đêm để giải phóng cơ thể và để một đêm mộng mơ sưởi ấm tâm hồn bạn.
Ngủ ngon và bạn sẽ chiến thắng
Shakespeare từng nói:
"Tất cả mọi sinh vật đều không thể thiếu được giấc ngủ."
Ngủ ngon, chăm sóc cơ thể, bồi bổ tinh thần là những điều hàng đầu trong cuộc sống.
Dù bận rộn đến đâu, cũng đừng thấu chi giấc ngủ, chỉ khi thoát khỏi tình trạng kiệt sức, bạn mới có thể đương đầu với những thử thách khó khăn với nguồn năng lượng tràn đầy.
Dù có gặp rắc rối như thế nào thì cũng đừng làm ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi. Chỉ khi trút bỏ được áp lực bên trong, bạn mới có thể hoàn toàn chống lại những khó khăn trong cuộc sống.
Những người có chỉ số giấc ngủ cao thường có cuộc sống tốt hơn.
Mong bạn biết cách nghỉ ngơi hợp lý, ngủ ngon mỗi ngày và mạnh mẽ sải bước về phía trước.