Bắn chặn tên lửa Triều Tiên: Điệp vụ bất khả thi?

Song Minh |

Mỹ và đồng minh có cách gì để đối phó với các tên lửa của Triều Tiên được phóng đi liên tục trong thời gian gần đây?

Theo quân đội Hàn Quốc và Nhật Bản, ngày 29.8 là một tên lửa đạn đạo tầm trung, đạt độ cao 550 km và bay được 2.700 km trước khi rơi xuống Thái Bình Dương. Trong quá khứ, Tokyo từng khẳng định sẽ bắn hạ từ trên không tất cả các tên lửa của Bình Nhưỡng có thể đe dọa lãnh thổ nước Nhật.

Tuy nhiên, hôm qua quân đội Nhật vẫn án binh bất động. Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera giải thích, do tên lửa bay qua không phận Hokkaido trong 2 phút, được ước tính không rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản. Năm ngoái, khi Bình Nhưỡng bắn hỏa tiễn vào vùng kinh tế đặc quyền trên biển của Nhật, Tokyo cũng chỉ phản đối suông.

Còn tại đảo Guam, nơi Triều Tiên khẳng định chỉ cần 18 phút để tên lửa Hwasong-12 vượt 3.300 km đến nơi, cấp độ cảnh báo vẫn ở mức bình thường.

Theo tờ New York Times, Mỹ và Nhật có thể để yên cho các rơi xuống biển một cách vô hại, nhưng trong trường hợp chúng có nguy cơ rơi xuống mặt đất thì chỉ có thể tấn công phá hủy vào giai đoạn cuối.

Tên lửa Hwasong-12 có tầm bắn trên 3.700 km, và một khi đã ở trên không gian được một phút, có vận tốc nhanh gấp nhiều lần âm thanh. Thế nên một tên lửa bắn chặn đuổi theo phía sau ít có hy vọng phá hủy được chúng.

Còn hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối THAAD có thể sử dụng radar để dò theo đường bay của tên lửa, nhưng không được chế tạo để tấn công trên không.

Đã có lúc Không quân Mỹ chi ra nhiều tỷ USD để lắp đặt hệ thống laser trên máy bay Boeing 747 nhằm phá hủy tên lửa đạn đạo của địch lúc vừa phóng đi. Tuy hệ thống này hiệu quả nhưng quá tốn kém và đòi hỏi chiếc máy bay phải bay gần lãnh thổ địch, nên kế hoạch đã bị hủy bỏ.

Còn trong lúc tên lửa đang bay thì sao? Một khi lên đến bầu khí quyển, đây là lúc khó tiêu diệt nhất, vì chúng có thể tung hỏa mù để đánh lạc hướng. Nhưng phá hủy được tên lửa đối phương trong thời điểm này rất có lợi vì giữ lại những mảnh vụn lớn và làm chúng phát nổ ở xa các mục tiêu.

Cả Nhật và Mỹ đều sở hữu các tàu chiến trang bị tên lửa SM-3, được chế tạo để chống tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, nếu Bình Nhưỡng nhắm vào đảo Guam, thì tên lửa Hwasong-12 trong giai đoạn này ở quá xa biển Nhật Bản, nơi có nhiều chiến hạm trang bị SM-3. Vì vậy rất khó ngăn chặn, trừ phi di chuyển các tàu chiến này đến gần Guam.

Hệ thống chống các tên lửa đạn đạo liên lục địa nhắm vào đất Mỹ, mang tên Hệ thống phòng vệ tên lửa trên mặt (Ground-Based Midcourse Defense) hiện đặt ở Alaska và California, thì không thể ngăn trở một tên lửa đang bay trên Nam Thái Bình Dương.

Chỉ còn lại giai đoạn cuối, vốn nguy hiểm nhất: tên lửa rơi xuống mục tiêu. Khác với tên lửa Pershing II của Mỹ hiện không còn được sử dụng, khi đang bay, tên lửa Hwasong-12 không thể thay đổi đích nhắm, nên về lý thuyết rất dễ bị bắn hạ.

Tên lửa SM-3 có thể ra tay trong giai đoạn này. Hải quân Hoa Kỳ không công bố vị trí chính xác các chiến hạm của mình, nhưng nhiều khu trục hạm lớp Arleigh Burke trang bị hệ thống SM-3 vẫn thường hiện diện ở Tây Thái Bình Dương, còn phía Nhật thì không rõ.

Hệ thống lá chắn tên lửa THAAD, được bố trí thường xuyên tại căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam, cũng có thể bắn hạ tên lửa Triều Tiên trong lúc đang rơi xuống. Khi thử nghiệm hồi tháng Bảy mới đây, THAAD đã phá hủy được một tên lửa tương tự như Hwasong-12.

Bên cạnh đó, căn cứ này còn được trang bị hệ thống lá chắn tên lửa tầm ngắn Patriot - loại hiện đại nhất là Patriot PAC-3 có thể phá hủy các tên lửa đạn đạo bay chậm hơn.

Vấn đề còn lại, theo New York Times, là có nên tiêu diệt chúng hay không? Dùng tên lửa để chống tên lửa, cũng như dùng một viên đạn để bắn vào một viên đạn khác, và chỉ riêng việc thử nghiệm cũng đã rất tốn kém. Lợi ích tất nhiên là tự vệ được trước tên lửa đối phương - mà trong cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất đã chứng tỏ sức mạnh hủy diệt.

Nếu Nhật Bản và Hoa Kỳ bắn hạ tên lửa Triều Tiên, Bình Nhưỡng có thể coi đây là hành động khiêu khích, dẫn đến đáp trả về quân sự. Còn nếu thất bại trong việc bắn chặn, sẽ ảnh hưởng đến uy tín.

RFI dẫn lời chuyên gia Laura Grego của chương trình an ninh toàn cầu thuộc Union of Concerned Scientists, khả năng thất bại cũng có thể xảy ra, vì các hệ thống này chưa bao giờ được thử nghiệm trong điều kiện hoàn toàn giống trên thực tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại