Baltic không tin chiếc ô bảo vệ của NATO

Tuấn Hưng |

Dù được đặt dưới chiếc ô bảo vệ của Mỹ và NATO nhưng 3 nước Baltic (Estonia, Latvia và Litva) vẫn quyết định thiết lập hệ thống phòng không chung.

Trả lời trước truyền thông sau cuộc họp tại thành phố Panevezys, miền Bắc Litva, Bộ trưởng Quốc phòng Litva Juozas Olekas nói:

"Chúng tôi đang thảo luận phát triển 1 hệ thống phòng không tầm trung để tăng cường năng lực phòng thủ chung. Các mối đe dọa bên ngoài khiến chúng tôi hợp tác nhiều hơn".

Ngay từ năm 2004, NATO đã bảo vệ vùng trời của 3 quốc gia vùng Baltic khi họ gia nhập liên minh quân sự này trong tình cảnh thiếu thốn lực lượng không quân để kiểm soát không phận. Tuy nhiên, những hệ thống phòng thủ này không làm cho Baltic yên tâm trước nguy cơ tiềm ẩn đến từ Nga.

Baltic không tin chiếc ô bảo vệ của NATO  - Ảnh 1.

Hệ thống phòng không Patriot PAC 3

Sự bất an này còn đến từ chính người Mỹ, khi trả lời phỏng vấn RIA Novosti hồi cuối năm 2014, giám đốc Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ Rick Lehner cho biết: “Về mặt kỹ thuật, hệ thống phòng thủ tên lửa của chúng tôi thực sự không có khả năng dàn trận chống lại một mối đe dọa từ Nga”.

Vì vậy, bất chấp việc Mỹ vừa quyết định triển khai các khẩu đội phòng thủ Patriot PAC 3 đến thành phố Sochaczew, Ba Lan đầu tháng 4/2015, Baltic vẫn cân nhắc thành lập hệ thống phòng thủ riêng.

Theo đại diện Bộ Quốc phòng Mỹ, việc triển khai đơn vị tên lửa phòng thủ Patriot gần thủ đô Varsava thực hiện theo cam kết của Mỹ nhằm trấn an đồng minh Ba Lan và các quốc gia Baltic trong bối cảnh láng giềng Ukraine đang biến động mạnh mẽ.

Trước khi đưa Patriot đến Ba Lan, hồi giữa năm 2014, NATO cũng đã triển khai khu trục hạm USS Donald Cook trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) đến châu Âu.

Theo Tổng Thư ký NATO thời điểm đó là ông Fogh Rasmussen cho biết đây là chiếc khu trục đầu tiên trong 4 chiếc mà Mỹ dự định sẽ triển khai tại châu Âu để tạo thành một hệ thống phòng thủ chống tên lửa cho toàn bộ các đồng minh trong khu vực.

Ba chiếc tàu trang bị hệ thống radar Aegis khác của Mỹ gồm USS Ross, USS Carney và USS Porter được triển khai trong năm 2015, đủ che chắn và bảo vệ cho toàn bộ lãnh thổ và người dân các nước khối NATO. Tuy nhiên, việc tăng cường các hoạt động quân sự của NATO trong khu vực khiến co quan hệ Nga và phương Tây căng như dây đàn.

Ngày 27/5, Đại sứ Nga tại NATO Aleksander Glushko đã hối thúc phương Tây tôn trọng quyền tự vệ của nước này nếu NATO tăng cường hiện diện ở châu Âu trong khi NATO chỉ trích việc Nga bố trí các dàn tên lửa tại thành phố Kaliningrad làm mất ổn định an ninh châu Âu.

Phát biểu trên kênh truyền hình Rossiya’24, Đại diện thường trực Nga tại NATO Aleksander Glushko tuyên bố trong trường hợp NATO tăng cường lực lượng tại châu Âu, Nga sẽ buộc phải đáp trả và có đủ mọi phương tiện để làm việc này.

Ông Glushko đưa ra tuyên bố trên khi được hỏi về khả năng Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vacsava năm 2016 sẽ đưa ra quyết định tăng cường lực lượng tại châu Âu.

Theo ông Glushko, khả năng đó sẽ dẫn đến chính sách rất tiêu cực, làm gia tăng cảm giác "cận kề chiến tuyến" của các nước vùng Baltic, tạo cớ bịa đặt ra cái gọi là "mối đe dọa từ phía Nga" để che đậy cho những sai lầm đối nội và đối ngoại.

Tuyên bố nêu trên của Đại diện Nga Glushko được đưa ra sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đề cập tới kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự của NATO tại khu vực Đông Âu.

Đề cập đến tuyên bố của ông Stoltenberg rằng không thể ngăn cản các nước gia nhập NATO, Đại diện Nga nhắc lại nguyên tắc an ninh tập thể, khi không nước nào được tăng cường an ninh của mình bằng cách gây thiệt hại cho nước khác.

Theo Đại diện Nga tại NATO, Nga có quyền bảo đảm an ninh của mình, và kế hoạch mở rộng biên giới của NATO được Moscow xem là mối đe dọa. Do đó, nếu những kế hoạch này của NATO không tính đến quyền lợi của các bên thì sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại