Ngày nay, khi cho con bắt đầu đến trường, nhiều phụ huynh than thở rằng những bài toán, bài tập mà thầy cô đặt ra đôi khi còn lắt léo hơn cả đề thi đại học. Dù với trẻ tiểu học, các bé chỉ mới làm quen với những phép tính cơ bản nhất của Toán nhưng đã sớm phải đối mặt với những dạng đề "hack não", chẳng hạn như bài toán của một cậu bé ở Trung Quốc mới đây.
Theo đó, trong đề kiểm tra Toán của cậu bé này có một câu hỏi như sau: Một cửa hàng nhạc cụ có 9 cây vĩ cầm có giá trị 3.600 tệ, vậy mỗi cây đàn được bán với giá bao nhiêu?
Câu hỏi dưới dạng trắc nghiệm và học sinh chọn lấy đáp án 400 tệ/cây. Đương nhiên, với câu hỏi này ai cũng sẽ có cùng câu trả lời với cậu bé, bởi đơn giản 3600 chia cho 9 sẽ ra 400.
Tuy nhên, đáp án này đã bị giáo viên gạch sai. Khi đem bài về nhà cho mẹ kiểm tra, người mẹ cũng tính đi tính lại xem thử mình có nhầm lẫn ở đâu không nhưng vẫn ra đáp án 400. Điều này khiến chị có một dấu hỏi lớn trong đầu. Chị nghĩ rằng, dù đáp án đã có song nếu không được giải thích tường tận, rất có thể con chị sẽ lại mắc lỗi sai tương tự vào lần sau nên chị đã chủ động liên hệ với cô giáo để hiểu rõ khúc mắc.
Theo đó, cô giáo cho biết học trò không sai về công thức, 3600 chia 9 bằng 400 cũng chẳng có vấn đề nhưng thứ khiến bài toán sai là con số để hình thành phép tính của bài toán. Cô giáo cho biết, tổng giá trị của 9 cây đàn là 3600 tệ, tức là giá trị ban đầu khi cửa hàng nhập những chiếc đàn này về. 400 tệ là giá để cửa hàng mua 1 cây đàn từ đơn vị sản xuất hay kho hàng. Với một cửa hàng kinh doanh, để có lời thì họ không thể bán cây đàn với giá gốc được nên 400 là câu trả lời sai.
Trong đề, còn có đáp án khác là 498 tệ/đàn, tức là mỗi chiếc đàn được bán với lợi nhuận khoảng 25%, đây mới chính là câu trả lời đúng mà học sinh cần khoanh.
Nghe tới đây, phụ huynh cảm thấy hơi hoang mang và vỡ lẽ hóa ra mình lại chưa suy nghĩ thấu đáo. Chị tấm tắc với lời giải thích của cô giáo và tự dặn sẽ ghi nhớ lấy điều này để cùng giúp con trai mình giải đáp những thắc mắc tương tự trong bài kiểm tra tới.
Ngoài những câu hỏi thông thường ở mức độ cơ bản, một số trường học còn đưa những câu hỏi có độ lắt léo, mục đích không chỉ để kiểm tra xem học sinh đã nắm chắc kiến thức hay chưa mà còn giúp học trò hình thành những năng lực tư duy, suy luận và các kỹ năng khác
Theo Sohu