Bài toán khó của Hải quân Mỹ trên “đấu trường” Bắc Cực với Nga - Trung

Kiều Anh |

Lực lượng có hạn nhưng yêu cầu thì vô hạn đang trở thành bài toán khó trong việc phân bổ và triển khai nguồn lực của Hải quân Mỹ hiện nay, giữa bối cảnh cạnh tranh nước lớn ở Bắc Cực ngày càng tăng nhiệt.

Một thủy thủ Mỹ đang chụp ảnh phía châu Phi của Eo biển Gibraltar từ boong tàu sân bay USS Harry S. Truman ngày 4/12/2018. Ảnh: Hải quân Mỹ

Một thủy thủ Mỹ đang chụp ảnh phía châu Phi của Eo biển Gibraltar từ boong tàu sân bay USS Harry S. Truman ngày 4/12/2018. Ảnh: Hải quân Mỹ

Vùng biển mới trong cuộc cạnh tranh nước lớn

Khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bình luận về ảnh hưởng quân sự của Mỹ trên toàn cầu, một nghị sĩ cấp cao đã đặt câu hỏi liệu có cần thêm một chỉ huy để đáp ứng các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực hay không.

Bắc Cực ấm dần lên đang trở thành một khu vực đòi hỏi Hải quân Mỹ tăng cường hoạt động. Nhu cầu cần hiện diện lớn hơn ở Bắc Cực diễn ra giữa bối cảnh Hải quân Mỹ tập trung đối phó với những thách thức từ Nga và Trung Quốc.

3 Bộ Chỉ huy tác chiến của Mỹ gồm Bộ Chỉ huy phương Bắc, Bộ Chỉ huy Ấn Độ - Thái Bình Dương và Bộ Chỉ huy châu Âu đều hội tụ ở Bắc Cực nhưng mỗi Bộ Chỉ huy lại có lực lượng riêng và những lực lượng này rất khác nhau.

Bộ Chỉ huy Ấn Độ - Thái Bình Dương có hơn 100 tàu hải quân hoạt động ở Thái Bình Dương nhưng Bộ Chỉ huy châu Âu chỉ có một vài tàu khu trục có tên lửa dẫn đường chủ yếu tập trung ở Địa Trung Hải. Bộ Chỉ huy phương Bắc không có lực lượng hải quân được phân ở khu vực nằm ngoài các bờ biển của Mỹ.

Tại 2 phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ Hạ viện gần đây, hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Elaine Luria, đồng thời là phó chủ tịch ủy ban này, nhấn mạnh với Tướng Lục quân Glen VanHerck và Tướng Không quân Tod Wolters - các chỉ huy của Bộ Chỉ huy phương Bắc và Bộ Chỉ huy châu Âu, về việc liệu họ có đủ lực lượng và có các chiến dịch phù hợp hay chưa để đối phó với những thách thức trong các khu vực mà họ phụ trách.

Cả Tướng VanHerck và Wolters đều nói rằng họ không có vấn đề gì. Tuy nhiên, tính phức tạp của Bắc Cực - một khu vực địa lý rộng lớn, cùng các lợi ích cạnh tranh có thể phải đòi hỏi một hướng tiếp cận khác, cũng như việc phân bổ các lực lượng riêng biệt tại khu vực này.

"Liệu chúng ta có nên có một chỉ huy riêng với các lực lượng được điều phối tới Bắc Cực hay không?", bà Luria đặt câu hỏi.

Bắc Cực và Bắc Đại Tây Dương đã trở thành tâm điểm trong những năm gần đây với hoạt động ngày càng gia tăng của Nga và Trung Quốc trong khu vực. Mùa hè năm 2018, Hải quân Mỹ đã cho Hạm đội thứ hai hoạt động trở lại. Không lâu sau đó, tàu USS Harry S.Truman trở thành tàu sân bay đầu tiên của Mỹ hoạt động ở Bắc Cực trong gần 3 thập kỷ. Sự hiện diện của Hải quân Mỹ đã tăng lên kể từ đó.

Kế hoạch Chỉ huy Thống nhất, vạch ra cấu trúc tổ chức cho các bộ chỉ huy, cập nhật gần đây nhất là cách đây 1 thập kỷ, Heather Conley, người phụ trách chương trình Á - Âu, Nga và châu Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho hay, đồng thời nhận định các chương trình quân sự ở Bắc Cực có vai trò cần thiết nhưng lại không nằm trong mục được cấp ngân sách.

3 Bộ Chỉ huy của Mỹ đều có nhiệm vụ riêng của mình khi Bộ Chỉ huy phương Bắc bảo vệ nước Mỹ, Bộ Chỉ huy Ấn Độ - Thái Bình Dương hoạt động ở Biển Đông và Bộ Chỉ huy châu Âu bận rộn với các hoạt động ở sườn phía nam.

Do đó, theo chuyên gia này, việc bổ sung một chỉ huy ở Bắc Cực, người có thể phát triển và thúc đẩy một chiến lược toàn diện, là điều vô cùng cần thiết.

Bài toán khó của Hải quân Mỹ

Bà Luria thận trọng cho rằng cuộc cạnh tranh nước lớn với Nga và Trung Quốc có thể tăng yêu cầu với Hải quân Mỹ trên toàn cầu, dàn trải lực lượng mỏng hơn khi tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ khác như rút quân khỏi Afghanistan và đối phó với Iran.

"Ngay khi bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan, một trong những câu hỏi đầu tiên đặt ra là: "Tàu sân bay ở đâu? Chúng ta cần 1 tàu sân bay để hỗ trợ việc rút quân. Nếu chúng ta không có lực lượng trên bộ ở khu vực này, chẳng phải chúng ta sẽ đòi hỏi nhiều hơn từ lực lượng hải quân sao?"

Đánh giá về lập trường toàn cầu của Mỹ được công bố hồi tháng 2 đang xem xét việc quân đội sử dụng lực lượng và các nguồn lực như thế nào.

Nếu kết quả không khả quan vào nửa cuối năm nay, theo bà Luria, Hải quân sẽ cần dựa vào đồng minh để thúc đẩy sự hiện diện ở Thái Bình Dương cũng như hoạt động hiệu quả ở Bắc Đại Tây Dương và Bắc Cực.

"Nếu bạn hỏi liệu tôi có hài lòng với sự hiện diện của chúng ta ở bất kỳ khu vực nào chúng ta có trách nhiệm hay không thì câu trả lời của tôi là không bởi tôi nghĩ chúng ta cần phát triển Hải quân và chúng ta cần nhiều lực lượng hơn cũng như triển khai nhiều hoạt động hơn nữa", bà Luria đánh giá.

"Không chỉ Hải quân mà là cả đất nước, tôi nghĩ chúng ta cần tập trung nhiều hơn vào mối đe dọa hiện hữu từ Trung Quốc", bà Luria nhận định, đồng thời nói về ảnh hưởng kinh tế gia tăng và sự mở rộng của quân đội Trung Quốc, trong đó có cả Hải quân của nước này hiện nay./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại