Như một thông lệ, đầu tháng 9 hằng năm, học sinh cả nước lại rộn ràng tất bật chuẩn bị cho một năm học mới. Tiết trời những ngày thu dịu mát là thời điểm lý tưởng để học sinh được trở lại trường và gặp lại bạn bè, thầy cô. Tuy nhiên, bạn có bao giờ thắc mắc ngày khai giảng 5/9 là thời điểm nào của mùa thu chưa?
Mới đây, trong một group phụ huynh có một bài đăng thắc mắc câu hỏi trên. Người mẹ này đăng tải một bài thi đọc - hiểu Tiếng Việt lớp 2, trong đó có đoạn trích ngắn tên Đón Ngày Khai Trường của nhà văn Lê Phương Liên. Đoạn trích được mở đầu như sau: Hôm nay, một ngày cuối thu đầy nắng. Gió chạy khắp sân trường gọi lá bàng háo hức. Nắng nhảy nhót trên những tán lá bàng xanh, làm tươi lên cái áo vôi vàng của ngôi trường,...
Ngay ở dòng đầu tiên, khi tác giả đề cập đến ngày tựu trường ở thời điểm cuối thu đầy nắng khiến phụ huynh có vẻ hơi phân vân. Bởi lẽ, không ít người từng nghĩ rằng, ngày khai trường luôn diễn ra vào những ngày đầu thu chứ không thể nào là cuối thu được.
Sau khi bài Đọc hiểu này được đăng tải, một số người nêu ra quan điểm cho rằng có lẽ tác giả đã có chút nhầm lẫn hoặc là do... lỗi đánh máy.
Để dẫn chứng thêm, 1 phụ huynh có đề cập tới tác phẩm Ngày Khai Trường của tác giả Nguyễn Bùi Vợi. Trong bài thơ có câu "Sáng đầu thu trong xanh" như ngầm khẳng định ngày đón năm học mới là ngày đầu thu.
Một phụ huynh lấy lịch vạn niên ra để xét tính đúng sai của việc tính thời điểm khai giảng năm học là cuối thu.
Theo đó, thời gian bắt đầu mùa thu ở mỗi bán cầu sẽ là khác nhau. Về mặt thiên văn học (tính theo lịch Dương) thì mùa thu sẽ bắt đầu từ thời điểm thu phân (23/9 ở Bắc bán cầu và 21/3 ở Nam bán cầu) và kết thúc vào thời điểm Đông chí (21/12 ở Bắc bán cầu và 31/6 ở Nam bán cầu).
Chính vì thế, mùa thu ở Bắc bán cầu sẽ rơi vào tháng 9, tháng 10, tháng 11 Dương lịch còn ở Nam bán cầu sẽ là tháng 3, tháng 4 và tháng 5 Dương lịch.
Ở Việt Nam và một số nước quen sử dụng cả lịch Âm và Dương thì các mùa sẽ được tính sớm hơn 45 ngày. Tức là, mùa thu tại Việt Nam sẽ bắt đầu từ ngày Lập thu (7 hoặc 8/8) đến ngày Lập đông (7 hoặc 8/11).
Như vậy những ngày đầu tháng 9 cũng được cho là thời gian vừa bước vào thu khoảng 3 tuần, hoàn toàn có sự nghịch lý với việc cho rằng khai giảng rơi vào thời điểm cuối thu.
Một bất ngờ là, trong một tác phẩm nổi tiếng, từng được nhiều thế hệ học sinh 9X, 10X quen thuộc là Tôi Đi Học của tác giả Thanh Tịnh cũng cho rằng, thời điểm khai giảng, tựu trường là cuối thu. Tác phẩm này từng được đưa vào chương trình sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 và sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3. Điều này lại khiến không ít người băn khoăn.
Tuy nhiên, trong phần bình luận, 1 tài khoản được cho là có mối liên hệ với nhà văn Lê Phương Liên đã cung cấp 1 thông tin thú vị về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm.
Tài khoản này cho biết: "Tác giả là bác của mình. Mình vừa nhắn tin hỏi bác thì được bác trả lời như sau ạ: 'Bác viết bài này từ cách đây 50 năm. Khi ấy khai giảng vào cuối tháng 9, do học sinh đi sơ tán về HN muộn. Sau này mới có quy định là khai giảng vào 5/9'".
Một tài khoản đã cung cấp thông tin về hoàn cảnh ra đời của đoạn trích
Với câu trả lời hợp lý này, nhiều người đã giải tỏa được thắc mắc của mình. Bối cảnh của đoạn trích là của 50 năm về trước, khi mà người dân cả nước đang ra sức đấu tranh cho công cuộc thống nhất đất nước.
Với bối cảnh ấy, việc cho học sinh khai giảng đồng loạt tựu trường như ngày nay dường như khá khó khăn. Bởi thế, có người tỏ ra lấn cấn về tính logic trong câu văn đầu tiên cũng là điều dễ hiểu nếu chưa tìm hiểu về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm.
Nhà văn Lê Phương Liên sinh năm 1951 và đang sinh sống tại Hà Nội Tên tuổi của bà gắn liền với văn học dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Lời văn trong trẻo, tươi sáng và đầy sức trẻ trong các tác phẩm mà bà viết đã khiến chúng có sức sống mãnh liệt cho đến ngày này. Được biết đoạn trích trên được lấy từ tác phẩm Những Tia Nắng Đầu Tiên xuất bản năm 1971.