Một vị triệu phú đang chuẩn bị quá trình nghỉ hưu ở tuổi 80.
Một ngày, sau khi đưa cháu trai mới tốt nghiệp đại học tới công ty để tìm hiểu về công việc làm ăn của gia đình, vị triệu phú hỏi cháu có suy nghĩ và cảm nhận thế nào về những gì được chứng kiến trong ngày hôm nay.
Cậu cháu đáp: "Đúng là đồng tiền có giá trị quan trọng trong mọi hoạt động của chúng ta. Bảo sao mà người ta toàn nói, cái gì không mua được bằng tiền sẽ mua được bằng rất nhiều tiền".
Vị triệu phú nghe vậy, ông hỏi: "Giữa đồng tiền và giá trị, cháu nghĩ thứ nào quan trọng hơn?"
Cậu cháu trai do dự một hồi rồi nói: "Trước hết phải có tiền, sau đó cháu sẽ dùng tiền để học lấy giá trị."
Vị triệu phú nhận xét: "Vậy không phải giá trị vẫn quan trọng hơn tiền hay sao? Cháu nghĩ xem, một đồng đô la đốt đi rồi chỉ là tro bụi không đáng một xu, nhưng giá trị thì sẽ tồn tại mãi mãi trong con người cháu.
Nếu chỉ nhiều về tiền mà thiếu văn hóa thì gọi đó là trọc phú, mà trọc phú thì chưa bao giờ được coi là giàu có cả".
Đằng sau lời dạy tưởng chừng như đơn giản ấy, cậu cháu trai mới hiểu ra rằng, kiếm tiền là câu chuyện của tài năng, còn xử sự với tiền đó là vấn đề của văn hóa.
Đồng tiền bất chính như tên trộm, sẽ lấy cắp đi rất nhiều thứ khác của người ta. Đồng tiền lương thiện sẽ sản sinh ra các giá trị quý hơn cả vật chất.
Chính vì thế, nếu có thể dùng tiền để tạo ra các giá trị tinh thần, làm nên các giá trị con người thì đó mới là đồng tiền "khôn", là sự giàu có thực sự.
1. Tiêu tiền để giúp đỡ bạn bè trong lúc khó khăn
Khi ai đó rơi vào bước đường cùng mà không tìm ra phương hướng hay cách thức giải quyết nào thích hợp, nếu có một người chủ động đưa tay ra giúp đỡ, trở thành người dẫn lối giúp người đó thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn này, người được nhận sự giúp đỡ chắc chắn sẽ đặc biệt ghi nhớ công sức mà họ đã bỏ ra vì mình.
Không chỉ biết ơn, người đó sẽ luôn trân trọng tình cảm của đối phương, từ đó hết lòng quan tâm và đối xử với nhau chân thành.
Đồng tiền bỏ ra để giúp đỡ trong thời điểm này chính là một sự đầu tư, đổi lại lợi nhuận là những mối quan hệ thân thiết, những người bạn đúng nghĩa, những nơi nương tựa mà chúng ta có thể tin cậy khi chính mình rơi vào gian khó.
Đó là lúc mà chúng ta nhận ra giá trị của câu nói: "Khi tôi giúp đỡ bạn, không có nghĩa là tôi thừa khả năng hay quá rảnh rỗi, đó chỉ là vì tôi nghĩ bạn cần sự giúp đỡ của mình mà thôi."
2. Tiêu tiền để báo ơn
Với những người đã từng cưu mang, giúp đỡ mình thì khi họ rơi vào tình huống tương tự, chúng ta cũng nên chân thành báo đáp lại ơn nghĩa khi xưa. Mọi mối quan hệ đều cần có sự vun vén, chăm sóc đến từ cả hai phía.
Như câu tục ngữ "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, ăn khoai nhớ kẻ đưa dây mà trồng."
Thông qua sự giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau vượt qua khó khăn gian khổ, không chỉ mối quan hệ giữa hai bên cùng phát triển mà chính giá trị của bản thân chúng ta trong mắt người khác cũng trở nên "giàu có" hơn.
Bằng cách này, trong vô hình, chúng ta đã tích lũy được một lượng tài sản rất lớn, có thể đem tới sự trợ giúp khổng lồ trong tương lai, đó chính là sự phát triển của giá trị con người, được thể hiện thông qua lòng tốt, sự đáng tin, tấm lòng biết tri ơn báo đáp.
3. Hào phóng tiêu tiền cho người thân
Cha mẹ là người sinh ra, nuôi dưỡng, tạo điều kiện cho chúng ta được học hành, khôn lớn và trưởng thành nên người.
Trong suốt 20 năm đầu đời, họ luôn là người trợ giúp, là cánh chim bảo bọc, cũng là người sẵn sàng nâng đỡ chúng ta nhiều nhất bằng tất cả khả năng mà bố mẹ có được dù chẳng được giàu có.
Vì thế, ngay khi có cơ hội, chúng ta nên báo đáp ơn sinh thành và dưỡng dục của bố mẹ, luôn quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ mọi nhu cầu của họ khi cần.
Trên thế giới này, chỉ có bố mẹ là người sẵn sàng chăm sóc chúng ta mà không một lời phàn nàn, oán trách. Tương tự như thế, chúng ta cũng luôn phải giúp đỡ và ở bên bố mẹ khi họ còn có thời gian.
Chưa kể đến, lòng hiếu thảo của bạn cũng là một thước đo để những người xung quanh đánh giá giá trị con người của bạn.
Đến bố mẹ mà không thể đối xử tốt thì ai dám đặt trọn niềm tin, trao cho bạn những cơ hội quý giá để thay đổi cuộc đời, vượt qua nghèo khó?