Từ 8 đến 11/5 vừa qua, tại thành phố Tromso của Na Uy đã diễn ra Hội nghị thường niên "Arctic Frontiers" – Biên giới Bắc Cực – Hội nghị này được tiến hành từ năm 2007.
Tham dự hội nghị có đại diện của 8 nước có đường biên giới với Bắc cực và nhiều khách mời. Hội nghị năm nay không có phái đoàn Nga tham dự do "sự kiện" ở Ukraine.
Nga là một cường quốc Bắc Cực, năm nay đang giữ chức chủ tịch Hội đồng Bắc Cực, trong khuôn khổ chủ tịch Hội đồng, Nga cũng một mình tổ chức những hoạt động riêng, mà không có sự tham gia của 7 nước phương Tây - thành viên còn lại trong Hội đồng.
Đối thoại Bắc Cực là diễn đàn để bàn bạc và giải quyết các vấn đề vô cùng quan trọng đối với thế giới về sinh thái, năng lượng, kinh tế, giao thông và nhiều vấn đề khác nữa, nay đang bị dừng lại.
Không những thế, 7 nước phương Tây đang đưa ra đề xuất: thành lập cơ cấu hợp tác mới mà không có sự tham gia của Nga. Tổ chức mới này sẽ không căn cứ vào nền tảng địa lý (đây là yếu tố không mang tính chính trị), mà dựa vào những nguyên tắc và giá trị chung.
Thực tế cho thấy, cánh cửa vẫn chưa khép hẳn đối với Nga. Bởi vì tại Hội nghị Tromso, các nhà khoa học Nga vẫn có bài phát biểu, tuy là những bài phát biểu đó được thực hiện theo hình thức online.
Trao đổi với phóng viên KP.RU, phó giáo sư Aleksandr Sautkin phụ trách bộ môn triết học và khoa học xã hội, trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Murmansk Bắc Cực cho biết:
"Tôi có một chút ngạc nhiên, vì bản báo cáo của tôi vẫn nằm trong chương trình của Hội nghị, tôi đã đăng ký tham gia Hội nghị từ tháng 12/ 2021, trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine khá lâu.
Bản báo cáo của tôi nói về sự hợp tác xuyên biên giới, tất cả vẫn diễn ra theo lịch trình, các đối tác vẫn trao đổi với tôi về tình hình hợp tác trong điều kiện hiện nay. Tất nhiên là ai cũng mong muốn được làm việc cùng nhau".
Chuyên gia về các vấn đề Bắc Cực, tiến sĩ chính trị học, giáo sư trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg Natalya Yeremina lại đánh giá tình hình có vẻ bi quan hơn.
Bà Natalya Yeremina cho rằng: "Bắc Cực đang định hình một cuộc đối đầu tương đối gay gắt, một bên là Mỹ cùng các đối tác của mình, một bên là Nga cùng các đối tác của mình, trong đó có cả các quốc gia không có gì liên quan với Bắc Cực. Quan điểm của người Anh rất rõ ràng, rằng: kiên quyết không để Nga hợp tác với Trung quốc tại Bắc Cực".
Bà Natalya Yeremina cho biết thêm: "Trung Quốc hiện nay do lo ngại các lệnh trừng phạt, nên chưa tham gia tích cực vào việc kiến tạo tuyến đường biển phương Bắc.
Chúng ta cũng không đề xuất với phía Trung quốc tham gia vào hoạt động này, vì đây là khu vực đặc quyền kinh tế của Nga. Chúng ta chỉ đề xuất họ tham gia vào hoạt động vận chuyển trên tuyến đường này, vì đây là một phương án an toàn và có giá thành thấp.
Việc xây dựng tuyến đường biển phương Bắc là công việc nội bộ của Nga, là khả năng phát triển các vùng lãnh thổ phương bắc xa xôi của Nga, và là lợi ích của nước Nga".
Năm 2021, tổng thống Nga V.Putin đã giao nhiệm vụ: "trong năm 2024, khối lượng hàng hóa vận chuyển trên tuyến đường biển phương Bắc phải đạt 80 triệu tấn".
Thời kỳ chiến tranh lạnh, Bắc Cực đã từng là tiền tuyến của đối đầu quân sự, một bên là Liên Xô, một bên là NATO, mà đứng đầu là Mỹ.
Trong những năm 1990, Nga chưa có tiềm lực để vươn tới Bắc Cực. Khi cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây càng đẩy lên cao, thì ý nghĩa chiến lược của Bắc Cực càng được quan tâm tới. Và hôm nay đang diễn ra một cuộc chiến thực sự, (tuy là âm thầm) vì Bắc Cực.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, lợi thế đang thuộc về phía Nga. Trên khu vực đất liền cực Bắc của Nga đã triển khai 6 căn cứ quân sự, tại Bắc Cực, Nga đã thiết lập những hệ thống phòng không đặc biệt, 10 sân bay quân sự đã đi vào hoạt động.
Theo chuyên gia của Viện hàn lâm khoa học quân sự Nga Vladimir Prokhvatilov:
"Ưu thế chủ yếu của Nga ở Bắc Cực là Hạm đội tàu phá băng hạng nặng, chúng ta hiện có gần 40 tàu phá băng, có 4 tàu phá băng chạy bằng hạt nhân đang được hoàn thành. Mỹ chỉ có 2 tàu phá băng.
Tương quan lực lượng giữa Nga và NATO ở Bắc Cực là mười đấu với 1 (lợi thế thuộc về Nga). Đây cũng chính là nguyên nhân tại sao Thụy Điển và Phần Lan được mời chào vội vã ra nhập khối NATO.
Viện ra lí do cuộc xung đột ở Ukraine, đây chỉ là cái cớ nhằm đánh lạc hướng dư luận mà thôi.
Thực chất, nhờ vào Thụy Điển và Phần Lan,Mỹ muốn rút ngắn khoảng cách tụt hậu ở Bắc Cực. Bởi vì, hai nước này tiếp giáp với Bắc Cực, số lượng tàu phá băng của hai quốc gia này là 13 tàu, không những vậy, nếu cần đóng tiếp, cả hai nước này đều có khả năng triển khai rất nhanh".
Chuyên gia Prokhvatilov kết luận: "Muốn hay không, tương quan lực lượng giữa Nga và NATO tại Bắc Cực sẽ không thay đổi nhiều, cùng lắm là năm đấu với 1, nghiêng về phía Nga, các kế hoạch của Nga ở Bắc Cực, trong đó có kế hoạch quân sự không vì thế mà chậm lại".