Bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo thuộc cấp ‘rửa’ 445.748 tỷ đồng như thế nào?

Hoàng An |

Từ đầu 2018 đến cuối 2022, bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) đã chỉ đạo thuộc cấp lập các công ty “ma”, tạo chứng từ rút 445.748 tỷ đồng (tiền nguồn gốc từ tham ô tài sản hoặc lừa đảo) để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như trả nợ, mua bán dự án…

Lập công ty “ma” phục vụ việc rửa tiền

Trong cáo trạng giai đoạn 2 của vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát , Viện KSND Tối cao quy kết bà Trương Mỹ Lan cùng 33 bị can phạm vào 3 nhóm tội: “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Rửa tiền” và “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Đối với tội “Rửa tiền”, cơ quan truy tố xác định từ 1/1/2018 - 7/10/2022, bà Lan và đồng phạm, chiếm đoạt số tiền 445.748 tỷ đồng (có được từ hành vi tham ô tài sản 415.666 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 30.081 tỷ đồng). Sau khi chiếm đoạt tiền, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát , chỉ đạo các bị can Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung, phối hợp với Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh, Trịnh Quang Công, lên phương án thực hiện việc rút, chuyển tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng SCB.

Việc làm này nhằm che giấu nguồn gốc tiền do phạm tội mà có, hợp pháp hóa toàn bộ số tiền sử dụng theo chỉ đạo của Trương My Lan.

Theo cơ quan truy tố, việc rút tiền mặt chủ yếu được thực hiện ở ngân hàng SCB chi nhánh Sài Gòn theo quy trình: Trương Mỹ Lan chỉ đạo thông qua Nguyễn Phương Hồng, tiếp đó, Hồng phối hợp với Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung, yêu cầu Nguyễn Phương Anh lập danh sách các pháp nhân, cá nhân nhận tiền, rút tiền; đồng thời, chỉ đạo Thái Thị Thanh Thảo (Giám đốc Phòng dịch vụ khách Wholesale thuộc SCB chi nhánh Sài Gòn) phối hợp với Nguyễn Phương Anh triển khai thực hiện.

Quá trình này, bị can Nguyễn Phương Anh tiếp tục chỉ đạo nhân viên kế toán được giao quản lý các công ty “ma” trong nhóm lập các chứng từ (UNC, giấy rút tiền...) và chuyển cho Thái Thị Thanh Thảo thông tin về các pháp nhân nhận tiền, cá nhân rút tiền để lập các chứng từ hoàn tất thủ tục. Sau đó, Nguyễn Phương Anh hẹn cá nhân được thuê đến ngân hàng SCB ký chứng từ rút tiền.

Bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo thuộc cấp ‘rửa’ 445.748 tỷ đồng như thế nào?- Ảnh 1.

Bà Trương Mỹ Lan.

Tiền mặt rút ra chuyển cho nhiều cá nhân

Khi chứng từ rút tiền hoàn thiện, Thái Thị Thanh Thảo thông báo cho bị can Trần Thị Thúy Ái (kiểm soát viên ngân quỹ thuộc SCB chi nhánh Sài Gòn) xuất tiền mặt khỏi quỹ, giao cho bị can Bùi Văn Dũng (lái xe của Trương Mỹ Lan) tại tầng hầm, để Dũng vận chuyển tiền về tòa nhà Sherwood 127 Pateur, Quận 3, giao cho bị can Trần Thị Hoàng Uyên (thư ký của Trương Mỹ Lan).

Tiếp nhận tiền, Uyên giao cho các cá nhân theo chỉ đạo của bà Lan hoặc cho lái xe Bùi Văn Dũng chuyển tiếp về trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cho bị can Trần Xuân Phượng (trợ lý của Ngô Thanh Nhã, cựu Chủ tịch Công ty An Đông)...

Cáo trạng cũng xác định, khi cần sử dụng tiền mặt "gấp", bà Lan chỉ đạo nhóm thuộc cấp Nguyễn Phương Hồng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung, phối hợp với Nguyễn Phương Anh sử dụng các pháp nhân/cá nhân mở tài khoản tại SCB để nhận tiền, chuyển tiền (có nguồn gốc do phạm tội mà có) đến “tài khoản chờ”. Trước khi sử dụng, thuộc cấp của bà Lan sẽ lập các phương án chuyển tiền lòng vòng giữa các tài khoản, cuối cùng đến tài khoản chỉ định.

Cụ thể, bà Lan sử dụng tiền mặt chuyển cho các cá nhân 15.143 tỷ đồng; chi thực hiện các dự án 1.898 tỷ đồng; chi trả nợ giữa các công ty trong Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay mượn nhau 48.430 tỷ đồng; trả cho ngân hàng khác (ngoài ngân hàng SCB) 7.616 tỷ đồng; trả các khoản vay tại SCB 183.228 tỷ đồng; chuyển cho ngân hàng SCB Cầu Giấy 356 tỷ đồng mua USD; trả gốc, lãi của các gói trái phiếu đã phát hành 1.690 tỷ đồng; chuyển ra nước ngoài 32.164 tỷ đồng...

Ngoài khoản chi liệt kê ở trên, cơ quan tố tụng còn làm rõ, từ tháng 1/2018 - 10/2022, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo thuộc cấp nạp tiền vào thẻ Visa, thẻ Master của người chồng Chu Lập Cơ để trả 225 tỷ đồng mà cả hai sử dụng trước đó.

Hai tháng trước, TAND TPHCM xét xử giai đoạn 1 vụ án, đã tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội Đưa hối lộ; 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và tử hình về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt, bị cáo phải chấp hành án tử hình.

Giai đoạn 2 này, bà Lan bị cáo buộc rửa tiền 445.748 tỷ đồng; vận chuyển trái phép hơn 4,5 tỷ USD qua biên giới; lừa đảo chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng của nhà đầu tư.

Vụ án gây thất thoát tài sản lớn, quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã kê biên, phong tỏa hàng trăm nghìn tỷ đồng, hàng chục triệu USD, tài sản nhà đất, vàng bạc….

Vụ án ở Tịnh thất Bồng Lai: Chiêu trò lừa đảo tinh vi của Lê Thanh Nhất NguyênVụ án ở Tịnh thất Bồng Lai: Chiêu trò lừa đảo tinh vi của Lê Thanh Nhất Nguyên

Nhóm người ở Tịnh thất Bồng Lai nhận nhiều tiền, hiện vật từ các nhà hảo tâm nhưng sử dụng vào mục đích khác so với kêu gọi từ thiện ban đầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại