Ba trở ngại lớn khiến Ukraine không thể gia nhập NATO

Nguyễn Ngọc |

Theo giới chuyên gia, triển vọng gia nhập NATO của Kiev là rất mịt mờ, khi Ukraine hiện không đáp ứng đủ ba tiêu chí nguyên tắc khi mở rộng NATO.

Ba trở ngại lớn khiến Ukraine không thể gia nhập NATO - Ảnh 1.

NATO bất đồng về vấn đề Ukraine xin gia nhập NATO

Ngày 06/4, Seimas (Quốc hội Litva) đã thông qua nghị quyết về việc mời Ukraine gia nhập khối tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Vilnius, sẽ được tổ chức vào ngày 11-12 tháng 7 tới.

Theo tờ Financial Times (FT) của Anh, mặc dù đã có nhiều nước ủng hộ chính quyền Kiev nhưng cũng có nhiều nước chưa đồng thuận, xem ra, con đường gia nhập NATO của Ukraine vẫn còn rất xa.

Bài báo cho biết, Mỹ, Đức, Hungary phản đối nỗ lực của một số nước như Ba Lan và các nước Baltic đề nghị dành cho Kiev mối liên hệ sâu sắc hơn với NATO trong thời điểm hiện nay và đưa ra những tuyên bố rõ ràng về việc ủng hộ tư cách thành viên của Kiev tại khối này trong tương lai.

Các nguồn tin của báo nêu rõ rằng, bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên của khối trong suốt tuần qua đã thảo luận về những quy chế nào có thể trao cho Kiev trong thời điểm hiện nay, nhưng các cuộc thảo luận đã có sự bất đồng đáng kể về việc có nên đưa ra cho Ukraine lộ trình trở thành thành viên NATO tại hội nghị thượng đỉnh tháng 7 ở Vilnius (Litva) hay không.

Bài viết của FT cho biết, mặc dù đã có nhiều cuộc họp về vấn đề này, nhưng các nước NATO không thể thống nhất quan điểm về việc chấp thuận rút ngắn con đường của Ukraine gia nhập liên minh này, mà điều đáng ngạc nhiên là chính Hoa Kỳ là nước đã phản đối các đề xuất liên quan.

Trong các hội nghị đã qua, các quan chức Washington đã lảng tránh các đề xuất trao cho Ukraine một quy chế gần gũi hơn và chỉ tập trung kêu gọi đồng minh gia tăng viện trợ quân sự, tài chính và viện trợ nhân đạo cho chính quyền Kiev.

Được biết, vào cuối tháng 9 năm ngoái, Kiev đã nộp đơn xin gia nhập NATO trên cơ sở nguyên tắc "đơn giản hóa các thủ tục". Ngay lập tức một số thành viên như Hy Lạp và các nước Baltic đã lên tiếng ủng hộ, nhưng Lầu Năm Góc tuyên bố "không nhìn thấy giải pháp nào trong ngắn hạn", việc thực hiện thủ tục như vậy vào thời điểm này là "không hợp lý".

Còn Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mặc dù đã khẳng định chính sách mở cửa và quyền tự quyết của mỗi nước, nhưng nhắc lại rằng, để chấp nhận một thành viên mới cần có sự đồng ý của tất cả các nước thành viên của khối. Trong thời điểm này, NATO sẽ tập trung nỗ lực để "giúp Kiev tự vệ".

Ba vấn đề nan giải đối với NATO và tương lai của Kiev

Bình luận về con đường trở thành một quốc gia NATO của chính quyền Kiev, nhà ngoại giao người Đức và là cựu chủ tịch Hội nghị An ninh Munich là ông Wolfgang Ischinger đã viết trên tờ Politico rằng, để đánh giá đầy đủ về việc Ukraine xin gia nhập NATO, cần xem xét toàn diện trên cơ sở ba tiêu chí mang tính nguyên tắc khi mở rộng liên minh.

Theo nhà ngoại giao người Đức, xét trên cả 3 tiêu chí quan trọng, Ukraine không thể gia nhập NATO trong thời gian tới, do chưa đáp ứng được các yêu cầu của liên minh. Cụ thể như sau:

Vấn đề đầu tiên là một quốc gia xin gia nhập khối phải có sự thống nhất tuyệt đối ở trong nước về mong muốn gia nhập NATO, nếu nguyện vọng này gây chia rẽ quốc gia thì điều này sẽ không được chấp thuận.

Theo ông Wolfgang Ischinger, chính quyền Kiev hiện chưa đáp ứng được tiêu chí này, khi chỉ có khu vực phía tây ủng hộ gia nhập NATO, trong khi phần lớn khu vực phía đông lại thân Nga, phản đối việc nước này trở thành một thành viên của liên minh được coi là "kẻ thù của Nga".

Vấn đề thứ hai là nguyện vọng gia nhập NATO của quốc gia này phải nhận được sự đồng ý và ủng hộ của tất cả các thành viên trong liên minh.

Hiện nay, vẫn còn nhiều quốc gia, trong đó có nhiều thành viên chủ chốt của khối như Mỹ, Đức, Pháp…, phản đối việc kết nạp Ukraine trong tương lai gần, chứ chưa nói đến vấn đề ủng hộ nước này gia nhập NATO khẩn cấp, thông qua con đường "đơn giản hóa các thủ tục".

Vấn đề quan trọng nhất là phải trả lời được câu hỏi: Liệu việc kết nạp quốc gia nộp đơn xin gia nhập NATO có góp phần tăng cường an ninh và ổn định ở châu Âu và cả khối hay không?

Trong khía cạnh này, rõ ràng việc Ukraine gia nhập NATO trong thời điểm hiện nay, khi đất nước đang có xung đột với Nga là điều không thể. Ngay cả trong tương lai, khi cuộc xung đột kết thúc, nhưng mối quan hệ giữa hai nước vẫn mang tính thù địch, thì điều này cũng rất đáng quan ngại.

Ngoài ra, đã có những lo ngại về việc kết nạp thêm Ukraine cũng có thể càng khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa Brussels và Moscow, khiến tình hình châu Âu thêm bất ổn, khi Nga cương quyết phản đối việc NATO mở rộng về phía đông và đe dọa sẽ có những hành động đáp trả nghiêm túc.

Nhà quan sát địa-chính trị này nói thêm rằng, chủ đề gia nhập NATO của Ukraine đã gây ra những cuộc tranh luận gây tranh cãi về những vấn đề này suốt từ Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Bucharest (Romania) năm 2008 đến nay.

Ông Ischinger kết luận, những vấn đề này đã giải thích tại sao nhiều nước Liên minh Bắc Đại Tây Dương vẫn còn khá do dự đối với đơn xin gia nhập của Kiev. Những bất đồng này sẽ rất khó giải quyết trong tương lai gần và con đường gia nhập NATO của Ukraine vẫn còn rất xa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại