Các binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận ở Thụy Điển. Ảnh: AP
Theo tờ The Local (Thụy Điển) ngày 7/4, Phần Lan đã trở thành thành viên thứ 31 của NATO sau khi nhận được sự phê chuẩn cuối cùng cần thiết từ Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần trước.
Phần Lan và Thụy Điển đã từ bỏ hàng chục năm không liên kết quân sự và nộp đơn xin gia nhập NATO sau cuộc xung đột Nga- Ukraine, nhấn mạnh rằng họ muốn đồng hành cùng nhau.
Nhưng Ankara và Budapest đã từ chối phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển, sau một loạt bất đồng.
Các chuyên gia cho rằng, sự chậm trễ của Thụy Điển trong việc gia nhập NATO có trở thành một vấn đề thực sự hay không sẽ phụ thuộc vào thời gian tiến trình này kéo dài trong bao lâu.
Robert Dalsjö, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển (FOI), nói với AFP: "Nếu quá trình này kéo dài, nó có thể làm phức tạp kế hoạch phòng thủ của cả Thụy Điển và NATO trong khu vực".
Trong khi đó, Phó Giáo sư Jacob Westberg, chuyên nghiên cứu về chiến tranh tại Đại học Quốc phòng Thụy Điển, cũng lưu ý rằng "các quốc gia không phải là thành viên của NATO không thể tham gia đầy đủ vào kế hoạch phòng thủ của NATO" và điều đó khiến Thụy Điển "không thể hành động".
Ví dụ, khi NATO cần nhanh chóng triển khai lực lượng và trang thiết bị quân sự tới các quốc gia vùng Baltic và Phần Lan, họ vẫn phải hoạt động bên ngoài lãnh thổ Thụy Điển, chuyên gia trên cho biết.
Ông Westberg nói thêm rằng sự chậm trễ cũng có nghĩa là NATO sẽ không thể sử dụng các tài sản quân sự của Thụy Điển - chẳng hạn như hạm đội tàu ngầm ở Biển Baltic và máy bay chiến đấu Gripen của nước này.
Các nhà phân tích từ lâu đã chỉ ra tầm quan trọng về địa lý của Thụy Điển trong trường hợp xảy ra xung đột ở Bắc Âu, với đảo Gotland đôi khi được mô tả là "tàu sân bay không thể đánh chìm" ở Baltic.
Về phần mình, Anna Wieslander, Giám đốc chương trình Bắc Âu tại Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định sự bất đồng về tư cách thành viên của Thụy Điển có thể làm lộ ra những rạn nứt trong liên minh.
Ngoài ra, theo bà Wieslander, sự chia rẽ kéo dài cũng có thể ảnh hưởng đến cách NATO hỗ trợ Ukraine. Chuyên gia Wieslander nêu rõ: "Điều từng là sức mạnh lớn nhất của liên minh trong cuộc xung đột ở Ukraine, đó là các thành viên có thể cùng nhau hành động và duy trì sự thống nhất".
Trong một bài phát biểu vào cuối tháng 3, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho biết nước này "an toàn hơn khi Phần Lan ở trong" NATO. "Hãy nhìn vào bản đồ! Chúng tôi được bao bọc bởi các quốc gia NATO", Thủ tướng Kristersson nói, đồng thời nhấn mạnh việc đảm bảo an ninh của Thụy Điển cũng được cung cấp bởi một số thành viên NATO, bao gồm cả Mỹ và Anh.
Tuy nhiên, Thụy Điển không được bảo đảm an ninh trong Điều 5 của NATO về phòng thủ tập thể khi không phải là quốc gia thành viên.
Các thành viên mới cần phải được tất cả các thành viên của liên minh nhất trí phê chuẩn, và Thụy Điển hiện vẫn vấp phải sự phản đối từ Ankara và Budapest.
Thụy Điển cũng đang khiến Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt tức giận khi từ chối dẫn độ hàng chục nghi phạm mà Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cáo buộc là có liên quan đến âm mưu đảo chính thất bại năm 2016 và cuộc đấu tranh giành độc lập kéo dài hàng thập kỷ của người Kurd.
Các quan chức NATO hy vọng Tổng thống Erdogan sẽ trở nên "mềm mỏng hơn" nếu ông vượt qua các cuộc bầu cử vào tháng tới.