Yoshida sinh năm 1974 trong một gia đình có 3 chị em, cha mẹ đều làm bác sĩ. Năm 30 tuổi, khi đang làm bác sĩ sản khoa, Yoshida kết hôn với chồng là chuyên gia nghiên cứu về SARS, AIDS và cúm gia cầm.
Yoshida
Một năm sau khi kết hôn, cô cùng chồng sang Đức du học. Để hoàn thành khoá học, cô quyết tâm học ngoại ngữ, vừa thực tập về sản khoa tại bệnh viện. Năm 2004, khi đang tập huấn tại một bệnh viện ở Frankfurt, Yoshida sinh em bé đầu tiên. Hai năm sau cô trở về Nhật Bản và sinh em em bé thứ 2.
Một ngày của Yoshida thường bắt đầu từ 9h sáng đến 5h chiều và phải mất 3 giờ đi lại. "Tôi mệt đến nỗi không muốn cử động ngón tay", cô chia sẻ. Yoshida cảm thấy cuộc sống tù túng dẫu có rất nhiều dự định song không có thời gian. Cô cũng lo nếu chờ ổn định gia đình mới theo đuổi sự nghiệp thì quá muộn. Sau cùng Yoshida quyết định đến Harvard để học thạc sĩ.
Tuy nhiên việc chăm sóc con gái lớn hơn 2 tuổi, con thứ 2 chưa đầy 3 tháng tuổi ngốn quá nhiều thời gian của Yoshida. Trong khi đó cô chỉ có 6 tháng để chuẩn bị hồ sơ, hoàn thành các bài kiểm tra năng lực.
Trong thời gian chuẩn bị hồ sơ du học Mỹ, Yoshida mang thai con thứ 3. Cô quyết định vừa tập trung cho việc học, vừa chuẩn bị mọi thứ để chào đón thiên thần nhỏ. "Tôi vừa phải nuôi dạy con cái, ôn thi tại Harvard, giờ lại có thêm nhiệm vụ mang thai và sinh nở. Nhiều người sẽ lựa chọn phải bỏ thứ gì và giữ lại điều gì, nhưng tôi chọn phương pháp 'And' (và) thay vì 'Or' (hoặc) - tức làm mọi việc cùng lúc", cô chia sẻ.
Sau thời gian kiên trì, năm 2008 Yoshida được nhận vào trường Y tế Công cộng Harvard. Chồng cô cũng đến Boston và theo học đại học ở đây. Hai vợ chồng cô đã đón đứa con thứ 4 trong thời gian ở Mỹ.
Bà mẹ Nhật được nhận vào Harvard sau những ngày tháng nỗ lực
Sau 2 năm học, Yoshida đã lấy được bằng thạc sĩ về sức khỏe cộng đồng. Cô về nước và làm giám đốc nghiên cứu của Phòng nghiên cứu sức khỏe nghề nghiệp, Viện khoa học y tế quốc gia Nhật Bản.
Đến năm 2012, vợ chồng cô có con thứ 5. Trong vòng 8 năm từ 2004 đến 2012, bà mẹ Nhật đã vừa chuẩn bị thi cử, tốt nghiệp thạc sĩ Harvard và sinh được 5 người con.
Trong suốt thời gian học tập ở Harvard, ngoài chia sẻ gánh nặng với chồng, cô có những bí quyết quản lý thời gian để hoàn thành tốt ở mọi vai trò:
Làm mọi thứ cùng một lúc thay vì lần lượt
Yoshida thường phân chia công việc theo mức độ sau đó làm rõ khi nào làm việc gì cô sẽ làm để đạt hiệu quả tốt nhất. Theo những lời khuyên trong cuốn sách The Seven Habits of Highly Effective People (7 thói quen của người thành đạt), Yoshida thường làm những việc quan trọng trước, sau đó tranh thủ đọc sách trong lúc đi tàu, gấp quần áo khi đọc sách cho con hay học nghe nói tiếng Anh lúc làm việc nhà.
Nhờ vậy, cô tận dụng được thời gian để hoàn thành nhiều công việc cần thiết. Thêm nữa để tối đa hoá thời gian một ngày, Yoshida thường đi ngủ sớm và dậy sớm. Cô thường ngủ cùng lúc với con sau đó thức dậy lúc 3 giờ sáng. Cô có 3 giờ hoàn toàn thuộc về mình. Đây chính là khoảng thời gian để người mẹ dùng để nạp kiến thức nhiều nhất có thể.
Việc học của bà mẹ này cũng luôn có các con song hành. Trước mỗi kì thi, Yoshida đều đến thư viện cuối tuần để học cùng cô con gái thứ hai 1 tuổi, trong khi đó chồng cô đảm nhiệm việc đưa 2 đứa con còn lại đến khu vực sách ảnh. Để tránh việc con gây ồn ào tại thư viện, cô vừa cầm sách vừa đi đi lại lại, nhằm đánh lạc hướng con.
Áp dụng quy tắc 'hòn đá lớn", "những viên đá nhỏ và cát mịn"
Theo đó ngoài thời gian cố định, cô tận dụng khoảng thời gian lẻ tẻ như nghỉ trưa để viết kế hoạch hay làm một số việt vặt khác. Bằng cách này cô đã sử dụng được cả những khoảng thời gian bị phân mảnh.
Tuy nhiên tối đa hoá thời gian mỗi ngày không có nghĩa là nhồi nhét mọi thứ trong khoảng thời gian nhất định. Ví dụ, khi các con đang vui chơi, Yoshida không làm việc trước mặt chúng mà sẵn sàng gác công việc để chơi với con. Bởi cô cũng hiểu rằng công việc cũng quan trọng nhưng tình yêu với lũ trẻ chính là nguồn động lực để cô có những cố gắng bền bỉ.
Bận rộn là cánh cửa để tiến lên cấp độ tiếp theo
Giống như hầu hết các bà mẹ khác, cuộc sống của cô rất bận rộn. Con gái lớn hơn một tuổi của Yoshida mắc bệnh hen suyễn nên cô thậm chí không còn thời gian riêng tư. Tuy nhiên khi bận rộn, bạn có khát khao làm điều gì đó. Không phải khi nào khác mà ngay lúc này chính là thời điểm để bạn bắt đầu làm những gì mình muốn. Yoshida cho biết việc không có đủ thời gian lại trở thành động lực để khởi đầu công việc bạn mong muốn.
Kỳ hạn chỉ là động lực để bạn tăng tốc
Khi quyết định tới Harvard học, Yoshida chỉ còn vỏn vẹn nửa năm. Điều này có nghĩa cô phải toàn tất các thủ tục đăng kỹ cũng như ôn luyện chỉ trong nửa năm trong khi đó vẫn phải chăm sóc con cái. Với nhiều người họ sẽ trì hoãn thậm chí bỏ cuộc khi thời gian chuẩn bị cho một dự định lớn không còn quá nhiều.
Tuy nhiên đối với Yoshida đây lại chính là lý do khiến cô trúng tuyển. Bởi kỳ hạn chính là yếu tố quan trọng để cô tăng tốc và làm những điều khả năng không ngờ tới. Như trong thời gian chuẩn bị hồ sơ du học Mỹ, thậm chí cô còn mang bầu con thứ 3. Song cô vẫn tập trung cho việc học, chăm sóc 2 con trước và chuẩn bị mọi thứ để chào đón thành viên mới. Chính vì thế có những việc muốn đạt được, bạn buộc phải tăng tốc. Miễn là có đam mê và tập trung toàn lực vào những gì muốn, bạn sẽ dễ dàng vượt qua những giới hạn của bản thân.
Với những bí quyết của mình, Yoshida lấy bằng và về nước làm giám đốc nghiên cứu của Phòng nghiên cứu sức khoẻ nghề nghiệp, Viện khoa học y tế quốc gia Nhật Bản.
Gia đình của Yoshida
Ít lâu sau, Yoshida xuất bản cuốn tự truyện "Yoshida Doctor Harvard School". Nội dung sách kể về hành trình vừa nuôi con, vừa mang bầu, vừa tốt nghiệp thạc sĩ của cô, trong đó có cả những chiêm nghiệm sâu sắc của tác giả.
Năm 2013, cuốn sách khác mang tên "You can do anything because you have no time!" (tạm dịch: Bạn có thể làm mọi thứ vì không có nhiều thời gian đâu) của cô được xuất bản.
Cuốn sách này nói về việc càng có ít thời gian người ta càng dễ tập trung và có động lực để hoàn thành công việc một cách nhanh nhất. Thế nên thay vì nói "Tôi đang bận", "Tôi không có thời gian", tác giả khuyên mọi người hãy nghĩ theo hướng "Tôi muốn làm việc đó", "Tôi phải làm ngay thôi vì không có thời gian nữa rồi".
Châm ngôn của Yoshida là: "Không phải vì một điều quá khó khiến ta không dám làm mà bởi ta không dám làm nên nó mới trở thành thứ khó khăn".
Theo Sohu