Bánh nướng nho khô: Món ăn đặc trưng trong tang lễ ở Mỹ thế kỷ 19

Tâm Mi |

Chiếc bánh nướng 2 lớp vỏ giòn rụm với nhân nho khô ngọt ngào được coi như một phép đối lập với không khí đau buồn trong buổi tang lễ.

Những năm 1800 tại bang Pennsylvania (Mỹ), tang lễ được coi là sự kiện vô cùng trịnh trọng. Một đoàn đưa tang có thể chứa tới 1.500 người nhưng chỉ có khoảng vài chục người thân cận đến với mục đích tưởng niệm người quá cố. Số còn lại là những người lạ, nhiều người chỉ tới để thưởng thức đồ ăn thức uống miễn phí.

"Mời ăn uống trong đám tang ở Pennsylvania là quy tắc bất thành văn. Nó phổ biến tới mức không ai lấy làm phiền khi có một người lạ tới ăn cùng" - nhà sử học ẩm thực William Woys Weaver cho biết.

Đối với cộng đồng người gốc Hà Lan sống tại Pennsylvania, đám tang là thời điểm mọi người được nâng cấp những bữa ăn thường ngày: Bánh mì trắng, thịt bò, thịt gà, thịt lợn đều xuất hiện. Thế nhưng "ngôi sao sáng nhất" trong những bữa ăn này phải kể tới món bánh nướng nho khô - hay còn gọi là bánh tang lễ (funeral pie).

Bánh nướng nho khô: Món bánh đặc trưng trong tang lễ ở thế kỷ 19 - Ảnh 1.

Bánh nho khô được sử dụng phổ biến trong tang lễ tại Pennsylvania, Mỹ, trong thế kỷ 19. Ảnh: Atlas Obscura

Chiếc bánh nướng 2 lớp vỏ giòn rụm với nhân nho khô ngọt ngào được coi như một phép đối lập với không khí đau buồn trong buổi tang lễ. Người ta tin rằng thưởng thức món bánh ngọt ngào sẽ giúp gia quyến quên đi nỗi đau, dù chỉ trong một khoảnh khắc.

Trong thời điểm chưa có tủ lạnh, nguyên liệu nho khô được ưa chuộng vì nó có thể được bảo quản quanh năm cho các đám tang bất chợt. Nho khô là món ăn xa xỉ trong thế kỷ 19, thời này người ta phải lấy hạt nho tỉ mỉ bằng tay. Cũng vì vậy mà chiếc bánh trở thành một cách hoàn hảo để "thể hiện tấm lòng thành" với người đã khuất.

Truyện cười: Bánh dành cho đám tang

Một người đàn ông ốm yếu sắp lìa đời thì ngửi thấy mùi bánh nướng ngon mê ly. Ông gắng hơi sức cuối cùng để xuống bếp lấy chiếc bánh, mong nó sẽ kéo ông trở về với cuộc sống.

Đột nhiên, một tiếng "Rầm!" chát chúa kéo ông trở lại với hiện thực. Bà vợ vừa đập bàn tay nhăn nhúm, run rẩy xuống bàn làm nó rung lên và cái bánh rơi trở lại.

- Đừng có động vào mấy thứ này! - Bà vợ gầm lên. - Bánh này để dành cho đám tang đấy!

Món bánh này phổ biến tới mức nó được dùng để ngụ ý cho "cái chết". Chẳng hạn khi một gia đình có người ốm nặng khó qua khỏi, người ta sẽ lại rỉ tai nhau: "Sắp phải ăn bánh nho khô rồi".

Cộng đồng người gốc Hà Lan tại Pennsylvania còn lan truyền nhiều mẩu truyện cười về chiếc bánh tang lễ như câu chuyện nổi tiếng "Bánh dành cho đám tang".

Ngày nay, bánh nướng nho khô đã dần biến mất khỏi thực đơn các buổi tang lễ, thay vào đó là các món ăn mới lạ hơn như pizza, thịt hầm... Từ những năm 1910, người ta cũng dần không còn gắn nho khô với ý tưởng về cái chết nữa, dù những thế hệ trước đó vẫn giữ ý niệm này.

Nhà nghiên cứu William Woys Weaver kể rằng bà của anh từng gặp trường hợp dở khóc dở cười khi nướng bánh nho khô để gây ấn tượng với gia đình nhà chồng. Người cô của gia đình bàng hoàng hét lên ngay khi thấy cái bánh: "Cháu nghĩ là cô sắp chết à? Sao lại tặng cái bánh này".

Bánh nướng nho khô: Món bánh đặc trưng trong tang lễ ở thế kỷ 19 - Ảnh 3.

Bánh nướng nho khô cùng bánh chanh - một loại bánh nướng ít phổ biến hơn trong tang lễ ở Pennsylvania. Ảnh: Atlas Obscura

Bữa ăn sau cái chết

Dùng thức ăn xoa dịu nỗi đau trong tang lễ và những dịp tưởng nhớ hóa ra không phải điều quá lạ lùng. Từ nền văn hóa Mỹ đến Mexico, Ý và cả Việt Nam đều tồn tại phong tục này. Đó có thể là những món ăn đặc trưng cho nền văn hóa hoặc món ăn mà người đã khuất từng yêu thích khi họ còn sống

Hành động mang thức ăn đến nhà hoặc cùng chuẩn bị bữa ăn là cái cớ để gặp gỡ trực tiếp người thân của người đã khuất, hỏi thăm xem họ có ổn không hay chỉ đơn giản là ở bên cạnh họ. Không chỉ là thức ăn, đó là cách người ta giao tiếp trong xã hội - tờ Huffpost bình luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại