Chiếc ba lô mang số đăng ký BTHC 987- ĐD 242 được trưng bày xen giữa những hình ảnh hiện vật về công tác xăng dầu tại Bảo tàng Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam là minh chứng tiêu biểu cho những chiến công ấy.
Để vận chuyển, bảo đảm xăng dầu cho các chiến trường một cách kịp thời và hiệu quả nhất, ngoài vận chuyển bằng xe cơ giới, xe xitéc, tàu, thuyền, sau này là đường ống xăng dầu… bộ đội xăng dầu còn sử dụng balô, túi nilông để gùi xăng trong điều kiện khẩn trương, bị địch đánh phá ác liệt và các địa hình rừng núi hiểm trở.
Tiêu biểu trong giải pháp vận chuyển đơn giản, thô sơ nhưng góp phần làm nên kỳ tích của bộ đội xăng dầu đó chính là chiếc ba lô con cóc của Tiểu đoàn 905 Binh trạm 12, Đoàn 500 đã dùng để vận chuyển xăng qua trọng điểm 468 đường 15A trong giai đoạn từ năm 1966 đến năm 1968.
Đầu năm 1965, đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược "Chiến tranh cục bộ" với quy mô lớn: đem quân chiến đấu vào miền Nam Việt Nam và tiến hành chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, nhằm ngăn chặn tuyến chi viện cho miền Nam.
Từ đây, nhiệm vụ bảo đảm Hậu cần cho các chiến trường ngày càng trở lên khó khăn hơn, công tác bảo đảm xăng dầu đòi hỏi khối lượng lớn, nhiều chủng loại cũng không ngừng tăng theo.
Tuy nhiên, những ngày đầu năm 1965 việc vận chuyển xăng dầu đã gặp rất nhiều khó khăn. Mưa lũ xối xả làm sạt lở nhiều đoạn đường, đế quốc Mỹ ngày đêm tăng cường đánh phá ác liệt các tuyến vận tải và kho xăng dầu.
Nhu cầu nhiên liệu tăng lên, mà vận chuyển xăng dầu bằng ô tô đường dài thì vừa dễ bị đánh phá, vừa rất tốn kém. Nếu chuyển chở với cự ly ngắn vài trăm kilômet thì còn có hiệu quả, nhưng nếu chuyển chở khoảng cách hàng ngàn kilômet thì số xăng dầu tiêu thụ cho bản thân chiếc xe đã chiếm tới 1/3 số xăng dầu chở trên xe.
Đó là chưa kể đến mức tổn thất rất lớn do bị máy bay oanh tạc. Gần nửa tháng, Đoàn 559 không còn xăng dầu cho xe cơ giới hoạt động. Kế hoạch chuẩn bị lực lượng làm cầu đường, dồn dịch hàng ra phía trước trong mùa mưa nhằm tạo điều kiện khi bắt đầu mùa khô thực hành vận chuyển lớn của bộ đội Trường Sơn có nguy cơ phải trì hoãn.
Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh 500 chỉ thị cho Binh trạm 12, 14 và các lực lượng vận tải ở phía sau bằng mọi giá đưa xăng dầu vượt Trường Sơn.
Trên tuyến Binh trạm 12 từ km 468 đến ngã ba Khe Ve là một mục tiêu, trọng điểm đánh phá của địch. Hố bom chồng lên hố bom. Bom nghiền đất thành bột, đất đá từ trên núi đổ xuống gặp nước tạo thành một đoạn đường bùn lầy dài hàng trăm mét, xe không qua được.
Binh trạm 12 phải áp dụng phương pháp "Kiệu xăng", bằng cách lấy loại vỏ phuy 100 lít, nạp xăng đầy, rồi bốn người một khiêng qua bãi lầy. Từ sáng sớm tới chiều tối, ba tốp 12 người mới giao đủ hai xe xăng cho tuyến 559.
Để kịp thời cung cấp, đáp ứng đủ nhu cầu xăng dầu trong mọi tình huống cho các chiến trường, một phương thức vận chuyển tình thế được đưa ra là gùi xăng trên lưng: các chiến sĩ cho ni lông vào trong ba lô rồi đổ xăng vào, buộc chặt và gùi.
Về trọng lượng, một ba lô xăng nhẹ hơn nhiều so với ba lô đạn, nhưng vận chuyển bằng cách này, ba lô xăng lại nặng hơn gấp bội. Việc di chuyển làm ba lô xăng cọ vào da gây bỏng da lưng. Đó là chưa nói đến sự nguy hiểm khi băng qua các vạt lửa do dân đốt nương, do đạn pháo của giặc bắn, mỗi chiến sĩ gùi xăng đều có thể biến thành một cây đuốc sống.
Rất nhiều chiến sĩ cả nam và nữ bị bỏng, lưng phồng rộp, bước đi lảo đảo vì say xăng, một số người gục ngã giữa đường, cả túi ni lông bục vỡ, xăng tưới đẫm lên người họ. Một số chiến sĩ gùi xăng bị bỏng rộp da quá nặng, nhiễm độc chì đã hy sinh vì làm nhiệm vụ.
Kể sao cho hết sự hy sinh, gian khổ của bộ đội xăng dầu ngày ấy. Có thể nói không có một nơi nào vận chuyển xăng dầu như bộ đội Trường Sơn.
Các anh không quản khó khăn, gian khổ tìm mọi cách để đưa xăng vào chiến trường kể cả gùi xăng, khiêng và vác các thùng phuy xăng qua đèo, qua suối, rồi lợi dụng sức nước để kết bè vần xăng qua suối. Đã không ít lần gặp phải thủy lôi của địch, máu và xăng loang khắp sông.
Có lần, địch đánh phá ác liệt, ta phải tranh thủ ban đêm kéo xăng ngược suối Trà Ang: 20 phuy xăng được kéo qua trọng điểm thì đã có một số đồng chí hy sinh. Nước suối Trà Ang lại hòa máu và xăng.
Cứ như thế, bất cứ nơi nào địch đánh phá ác liệt nhất, bất cứ ở nơi nào khó khăn, nguy hiểm nhất, dù phải vượt qua suối sâu, đèo cao, qua những trọng điểm nguy hiểm nhất, ở nơi đó có bóng dáng những người lính Cụ Hồ với chiếc ba lô con cóc ngày đêm cần mẫn gùi từng thùng nhiên liệu chuyển lên phía trước.
Cuối tháng 3 năm 1968, đế quốc Mỹ tăng cường ném bom ngăn chặn giao thông ở các tỉnh thuộc khu IV để băm nát "khu vực cán xoong" từ vĩ tuyến 19 trở vào. Đặc biệt ba trọng điểm là phà Bến Thủy - Nam Đàn - Linh Cảm bị đánh bom triền miên tạo thành một "tam giác lửa".
Ngã ba Đồng Lộc cũng bị ném bom cày xới tạo thành điểm tắc, xe vận tải, xe chở xăng khó lòng qua lọt. Lúc này ở phía trong "tam giác lửa", Binh trạm 12 nhận lệnh phải bằng mọi giá đưa nốt số xăng dầu còn lại vượt Trường Sơn giao cho Đoàn 559. Không khuất phục, cả binh trạm tiến hành gùi xăng vượt "tam giác lửa".
Xăng được bọc trong 4000 túi nilong (20 lít/ túi) rồi cho vào ba lô để từng người cõng qua trọng điểm. Bất chấp máy bay gầm rú, rốc két, bom bi nổ chát chúa, các chiến sĩ cứ mải miết lách rừng vòng qua trọng điểm.
Sau một ngày cõng xăng chân bì bõm lội bùn, đầu hứng đạn chịu bom, 500 chiến sĩ cũng chỉ vận chuyển được 10m3 (đủ hai xe xitec) nhưng 40 chiến sĩ đã rộp lưng, bỏng da vì xăng làm giòn túi ni lông thấm qua ba lô ướt đẫm cả áo, ngấm vào da thịt.
Đến thăm Bảo tàng Hậu cần Quân đội, tận mắt được nhìn thấy những hiện vật của ngành xăng dầu đã qua một thời đạn lửa, hay nghe những câu chuyện cảm động về sự hy sinh, mất mát và sức chịu đựng vô bờ bến của các chiến sĩ xăng dầu, khách tham quan như thấy lại được một thời vô cùng khó khăn gian khổ để bảo đảm xăng dầu góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ miền Bắc, chi viện đắc lực cho các chiến trường, để giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.
Có thể nói, mỗi một giọt xăng vào tới chiến trường được đổi biết bao mồ hôi, nước mắt và bằng cả máu của bộ đội xăng dầu. Điều kỳ lạ ấy chắc hẳn chỉ xảy ra trên đất nước này với những con người Việt Nam giàu lòng yêu nước mới có được.
Bộ đội xăng dầu luôn thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy "xăng xe là mồ hôi, nước mắt, xương máu của nhân dân, các chú phải yêu xe như con quý xăng như máu, vượt mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ".
Đó là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của bộ đội xăng dầu phấn đấu vươn lên để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, quân đội, nhân dân giao phó.