Ba Lan cuốn vào cuộc chạy đua vũ trang, tiên phong đối đầu nước Nga đang hồi sinh

Trung tá Trịnh Ngọc Tiến |

Giới lãnh đạo Ba Lan đang thúc đẩy nhiều chính sách nhằm tăng cường sức mạnh quân sự ở quy mô lớn, với mục đích chống lại một nước Nga đang hồi sinh.

Điều đó có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới ở khu vực Trung Âu, đồng thời là cơ hội cho các nhà cung cấp vũ khí của Mỹ và phương Tây như các nhà phân tích quân sự nhận định.

Ba Lan là một trong những nước Đông Âu hàng đầu có lập trường thân phương Tây và xa rời Nga. Warsaw luôn mong muốn và kêu gọi NATO tăng cường sự hiện diện quân sự tại nước này để đối phó với Nga.

Trong cuộc khủng hoảng Ukraine, Ba Lan cũng thể hiện thái độ phản đối mạnh mẽ Nga, cáo buộc Nga can thiệp vào nước láng giềng và kêu gọi phương Tây trừng phạt Nga. Ba Lan đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn nhiều nước châu Âu khác trong phản ứng với Moscow.

Theo nghiên cứu của Research and Markets, công ty phân tích về chi tiêu quốc phòng của các nước trên thế giới, Ba Lan đã tăng chi tiêu quốc phòng bằng một tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hàng năm là 4.66%, trở thành một trong những nước chi tiêu quân sự lớn nhất ở Trung Âu.

Warsaw dự kiến ​ chi khoảng 53.5 tỷ USD trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến năm 2022 để đẩy nhanh hiện đại hóa lực lượng vũ trang.

Những nhân tố khiến Ba Lan mạnh tay chi tiêu quốc phòng

Theo tuyên bố của giới lãnh đạo Ba Lan, sáng kiến ​​hiện đại hóa quân đội sau khi gia nhập NATO dẫn tới Ba Lan phải đổi mới các loại vũ khí trang bị theo chuẩn của NATO. Đồng thời được thúc đẩy thêm bởi tình trạng bất ổn ở Ukraine và sự tham dự ngày càng tăng của Ba Lan vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Dưới một góc độ khác, Ian Brzezinski - thành viên cao cấp tại Trung tâm Brent Scowcroft của Hội đồng Atlantic về An ninh Quốc tế - nói rằng chính tư tưởng chống Nga là động lực chính trong tăng cường quốc phòng của Ba Lan, và giành tiếng nói lớn hơn trong NATO.

Chính phủ Ba Lan luôn quan sát chặt chẽ mọi động thái của Nga. Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu kế hoạch hiện đại hóa quân đội sau cuộc xung đột với Gruzia năm 2008, người Ba Lan đã rất lo ngại.

Warsaw quan tâm đến các cuộc tập trận quân sự lớn do Nga tổ chức. Một trong số cuộc tập trận đó đó là đòn tấn công hạt nhân mô phỏng chống lại Ba Lan. Sự lo ngại càng gia tăng khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014.

Năm 2012, Ba Lan xây dựng chương trình hiện đại hóa quân đội trong 10 năm ngân sách khoảng 40 tỷ USD. Hiện tại, họ đang thực hiện quy định của khối NATO về việc chi ngân sách quốc phòng là 2% GDP. Nhưng Ba Lan muốn tăng ngân sách lên đến 2.5% GDP trong những năm tới.

Hiện nay, Ba Lan là một trong những thị trường vũ khí phát triển nhanh nhất ở châu Âu, thu hút sự quan tâm của các nhà cung cấp lớn từ Mỹ và Tây Âu.

Tại Warsaw, tuy nhiều ý kiến tranh luận phải tiến hành hiện đại hóa binh chủng nào trước, nhưng đồng thuận cao về sự cần thiết phải hiện đại hóa quân đội và sẵn sàng chi trả những khoản tiền này.

Mục tiêu trước mắt trong quá trình hiện đại hóa quân đội đó là thay đổi các loại vũ khí cũ, trang bị các loại vũ khí mới theo chuẩn NATO. Đây thực sự là một cuộc cải tổ lớn và thời gian còn phải kéo dài.

Ba Lan cuốn vào cuộc chạy đua vũ trang, tiên phong đối đầu nước Nga đang hồi sinh - Ảnh 1.

Máy bay chiến đấu F-16C của quân đội Ba Lan

Hiện đại hóa quân đội

Ba Lan là một trong những quốc gia đầu tiên thuộc khối Warsaw cũ gia nhập NATO (1999).

Quân đội nước được tổ chức theo mô hình của quân đội các nước trong khối Warsaw, trong đó chú trọng xây dựng các đơn vị cơ giới hạng nặng, có tính chất phòng thủ mà không chú ý xây dựng những đơn vị gọn nhẹ, có sức cơ động cao.

Hiện Ba Lan đang xem xét nâng cấp lực lượng không quân của mình, điều này có thể bao gồm việc thay thế một số phi đội F-16 Fighting Falcons bằng máy bay tiêm kích tàng hình F-35. Nhưng điều này sẽ rất khó thực hiện trong thời gian trước mắt vì họ không nằm trong những đối tác phát triển F-35. Bên cạnh đó giá cả là một vấn đề, chiếm một phần lớn ngân sách quốc phòng.

Để lấp khoảng trống khi chưa được trang bị F-35, Ba Lan sẽ hiện đại hóa lực lượng máy bay chiến đấu F-16 của mình bằng cách trang bị cho nó các loại vũ khí hiện đại. Bằng cách này, F-16 Ba Lan có thể chiến đấu tốt dưới sự bảo vệ của các máy bay thế hệ 5 của Mỹ.

Thêm vào đó, việc đồng ý cho quân đội Mỹ sử dụng các sân bay quân sự cho phép Ba Lan tăng cường các máy bay chiến đấu của Mỹ khi cần thiết, cũng như tạo điều kiện cho phi công Ba Lan cọ xát cùng những phi công F-35 và F-22 Raptors của Mỹ.

Hiện nay Ba Lan đã mua các tên lửa hành trình không đối đất JASSM phóng từ máy bay F-16 của tập đoàn Lockheed Martin Mỹ. Các ưu tiên hàng đầu khác nữa bao gồm tên lửa phòng không, máy bay trực thăng và tàu ngầm.

Để đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa quân đội, Ba Lan cũng hết sức chú trọng phát triển nền công nghiệp quốc phòng của mình thông qua việc liên kết sản xuất hoặc chuyển giao công nghệ. Một số vũ khí hiện đại đã được sản xuất ở Ba Lan theo giấy phép cũng giúp nền công nghiệp quốc phòng của họ phát triển, không phải phụ thuộc nhiều vào các đối tác nước ngoài.

Ba Lan đang tiến hành thành lập các liên doanh sản xuất vũ khí với các đối tác của Mỹ và phương Tây để đẩy nhanh quá trình trang bị cho quân đội của mình. Một trong những đối tác quan trọng là Lockheed Martin của Mỹ đã mua lại công ty Hàng không – vũ trụ hàng đầu của Ba Lan là PZL để thành lập liên doanh Mielec Sikorsky vào năm 2012 để sản xuất các loại máy bay lên thẳng.

Ba Lan cuốn vào cuộc chạy đua vũ trang, tiên phong đối đầu nước Nga đang hồi sinh - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) trao đổi cùng người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda trong cuộc gặp song phương, tại Warsaw ngày 6/7/2017 (Ảnh: REUTERS/Carlos Barria)

Lính Mỹ đến Ba Lan, căng thẳng sẽ leo thang

Ba Lan từ lâu đã quan tâm đến việc tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa và lực lượng không quân của mình để chống lại các mối đe dọa đang tăng lên từ Nga.

Họ đã có ý định mua một số hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Raytheon với chi phí hàng tỷ USD. Tuy nhiên vấn đề này đòi hỏi sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ. Warsaw muốn đạt một thỏa thuận vào cuối năm nay, nhưng chưa được giới chức lãnh đạo Mỹ ủng hộ.

Dưới thời của cựu Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã đầu tư hàng tỷ USD vào chương trình Sáng kiến ​​Bảo đảm an ninh châu Âu (ERI), nhằm hỗ trợ các đồng minh bằng viện trợ quân sự dưới hình thức tăng cường đào tạo cho các binh chủng hải, lục, không quân cho các đồng minh Đông Âu.

Kế hoạch này cũng nhằm nâng cao trình độ của các nước ngoài NATO như Ukraine, Gruzia, Moldova để có thể hợp tác với Mỹ và phương Tây, đồng thời giúp các nước này tăng cường khả năng phòng thủ.

Khi ông Donald Trump thẳng cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm ngoái, một số đồng minh của Mỹ ở Đông Âu lo lắng về việc ông có thể cắt giảm kinh phí của chương trình ERI. Song điều lo ngại này đã không xảy ra vì căng thẳng tại Ukraine chưa giảm nhiệt và Nga tiếp tục củng cố sức mạnh quân sự.

Kế hoạch triển khai quân đội Mỹ và NATO tại Trung Âu vẫn tiến hành dưới thời Tổng thống Trump, thậm chí còn rầm rộ hơn thời Obama.

Hồi tháng 4, 900 binh sĩ Mỹ cùng vũ khí đã tiến vào Ba Lan, thực hiện giấc mơ của người Ba Lan về việc có quân Mỹ đóng trên đất của họ làm nhân tố răn đe nước láng giềng Nga.

Kế hoạch triển khai quân của Mỹ đến Ba Lan là một phần trong nỗ lực của NATO nhằm đối phó với Nga tuy nhiên điều này sẽ làm tình hình Trung Âu thêm căng thẳng, lôi cuốn các nước khu vực này vào một cuộc chạy đua vũ trang mới tiềm tàng và nguy hiểm./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại