Hãng tin News18 (Ấn Độ) cho hay, trong vấn đề biên giới Trung-Ấn, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi lo ngại rằng Trung Quốc đang áp dụng chiến thuật mà nước này sử dụng trong tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản và Philippines.
"Trung Quốc luôn theo chiến thuật tiến hai bước, lùi một bước," một quan chức Ấn Độ nói với News18.
Trong 4 tuần đối đầu đã qua ở vùng biên giới Sikkim, Bộ ngoại giao Ấn Độ chỉ đưa ra một tuyên bố duy nhất phản đối các cáo buộc của Bắc Kinh, trong khi Bộ ngoại giao Trung Quốc kể từ hôm 26/6 gần như lên tiếng hàng ngày yêu cầu New Delhi lui binh.
"Nội bộ chính phủ Ấn Độ dường như tạo cảm giác có ý định làm dịu bớt cuộc đối đầu với Trung Quốc," quan chức trên nói. "Nhưng trên thực tế, quân đội Ấn Độ đã nhận được mệnh lệnh 'không khoan nhượng'."
Phó chủ tịch đảng Quốc đại đối lập, ông Rahul Gandhi cũng chất vấn và chỉ trích chính phủ Modi về "thái độ im lặng" trước Trung Quốc. Ông Gandhi cũng hội kiến Đại sứ Trung Quốc La Chiếu Huy.
Theo tờ Times of India, việc các đảng phái Ấn Độ công kích lẫn nhau là không tích cực trong thời điểm cần điều chỉnh chính sách với "nước láng giềng quan trọng và cũng nguy hiểm nhất", đồng thời kêu gọi các bên thỏa hiệp về lập trường.
Trong khi đó, tờ India Today hôm 12/7 dẫn "nguồn tin cấp cao" trong chính phủ Ấn Độ tiết lộ, New Delhi đã giao cho một Phó tham mưu trưởng của Lục quân nhiệm vụ gấp rút thu mua đạn dược, vật tư và một số trang thiết bị vũ khí dự phòng, nhằm sẵn sàng cho "chiến tranh ngắn ngày cường độ cao".
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Hàn Đông trả lời tờ The Paper cho biết, trong nhiều thập kỷ qua tình trạng thiếu đạn dược vẫn không được giải quyết triệt để trong quân đội Ấn Độ. Trong vụ xung đột với Pakistan năm 1999, Ấn Độ từng phải "mua gấp" đạn dược từ Israel với giá cao trong vòng 70 ngày.
Theo ông Hàn, "nền tảng công nghiệp của Ấn Độ còn yếu, trong khi nhiều vũ khí được sản xuất theo công nghệ chuyển giao, nhiều loại đạn dược - ngay cả là đạn cho một số loại súng trường - cũng chưa thể chủ động sản xuất".
India Today dẫn lời một quan chức cấp cao trong Bộ quốc phòng Ấn Độ nói, hạng mục mua sắm đạn dược khẩn cấp giúp quân đội tránh được các thủ tục hành chính rườm ra.
"Không giống như quy trình trước đây," quan chức trên cho hay, "hạng mục mua sắm dạng khẩn cấp không cần phải tính toán đến mức chi ngân sách tối đa cho phép, mà chỉ cần cân nhắc nhu cầu tối thiểu về đạn dược, vật tư mà quân đội cần tích trữ trong khoảng thời gian quy định."
Cuộc đối đầu giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ ở biên giới Sikkim bắt đầu từ đầu tháng 6 và liên tục leo thang thành căng thẳng ngoại giao từ cuối tháng, biến đây trở thành cuộc giằng co lâu nhất giữa hai nước kể từ chiến tranh biên giới năm 1962 và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.