Bà Huyện Thanh quan làm binh vận "cùng" lính xe tăng - Chuyện chỉ có ở Việt Nam

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Có lẽ khi viết bài thơ "Qua đèo Ngang", tác giải của nó cũng không thể ngờ có ngày tác phẩm của mình lại có lúc được Bộ đội xe tăng dùng vào công tác "binh vận".

LTS: Trong cuộc tổng tiến công nổi dậy Mùa Xuân 1975, thắng lợi của Chiến dịch tiến công Huế - Đà Nẵng có ý nghĩa chiến lược. Cùng với thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, nó đã làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh, tạo ra những điều kiện rất cơ bản, góp phần giải phóng Sài Gòn và hoàn toàn miền Nam một cách nhanh chóng.

Xin trân trọng giới thiệu với độc giả loạt bài của Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt (Nguyên Trưởng ban KH-CN-MT Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp, nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn 203, cùng đơn vị với các xe tăng 390 và 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30-04-1975) về những trận đánh lịch sử đó.

---

Sau 2 ngày chốt giữ ở quanh Thương cảng Bạch Đằng, ngày 31.3.1975 - Đại đội xe tăng (XT) 4, Lữ đoàn 203 được lệnh lui về khu vực Bảo tàng cổ vật Chăm và Trường Trung học Sao Mai. Mỗi trung đội nằm trong một hẻm nhỏ bên cạnh hàng rào bảo tàng và nhà trường.

Nằm ở đây kín đáo hơn song cũng vẫn có thể hoàn thành nhiệm vụ bởi việc cơ động đi các hướng rất dễ dàng, thuận lợi.

Những người dân lao động ở đâu cũng thuần phác và dễ gần

Trung đội xe tăng 1 do trung đội trưởng Mai Hồng Trị chỉ huy nằm trong một hẻm nhỏ phía bên phải Bảo tàng Cổ vật Chăm. Có vẻ như đây là một khu dân cư tạm thời bởi những người dân ở dưới quê chạy trốn bom đạn lên thành phố thì phải bởi nó khá là tạm bợ.

Bà Huyện Thanh quan làm binh vận cùng lính xe tăng - Chuyện chỉ có ở Việt Nam - Ảnh 1.

Toàn bộ nhà cửa ở đây là những ngôi nhà lợp tôn thấp bé, còn tường quây xung quanh thì chủ yếu là gỗ dán và đủ các thứ trên đời.

Không giống như trên phố nhà nhà cửa đóng then cài, kín cổng cao tường suốt ngày, người thì đầy vẻ kín đáo và nghi kỵ... những ngôi nhà trong hẻm nhỏ này thường mở cửa suốt ngày và bà con cũng rất thân thiện, dễ gần.

Dưới cái nắng gay gắt của mùa khô Đà Nẵng, thấy các anh bộ đội giải phóng vẫn đứng gác nghiêm túc cạnh xe, số còn lại vẫn sinh hoạt trong xe... bà con có vẻ thương lắm. Sau một đỗi rụt rè, nhà nào nhà nấy đều cho người ra mời các anh giải phóng vào nhà nghỉ ngơi cho đỡ nắng.

Thấy thái độ chân thành, chất phác của bà con, Ban chỉ huy đại đội hội ý và cho phép bộ đội ban ngày thì được vào nhà dân nghỉ ngơi, uống nước; còn ban đêm vẫn phải ra ngủ ngoài xe. Tất nhiên, việc canh gác vẫn phải duy trì thường xuyên, nghiêm ngặt.

Được lời như cởi tấm lòng, các chiến sĩ trẻ đang mệt lử, lả người sau những ngày hành quân, chiến đấu liên miên, lại chịu cái nắng nóng như nung người của thành phố vui mừng ra mặt. Họ vào nhà và không quên đem theo một vài bánh lương khô làm quà. Sự e dè xa cách nhanh chóng được gạt bỏ và những câu chuyện cũng dần cởi mở hơn.

Nói chuyện với bà con mới biết hầu hết bà con trong hẻm này là người ở vùng Quế Sơn, Đại Lộc (Quảng Nam). Vì ở quê bom đạn ác liệt quá, nhà nào cũng có người thân bị chết nên phải bỏ quê chạy lên thành phố.

Xa ruộng vườn lên đây họ làm đủ thứ để mưu sinh, từ nhặt ve chai đến bán hàng rong rồi phụ hồ, rửa bát... có ai thuê gì là làm tất. Tuy vậy, cuộc sống của họ vẫn rất khó khăn và họ chỉ mong sớm yên hàn để về quê cha đất tổ mà thôi.

Buổi bình thơ ngoài kế hoạch và hiệu quả nhãn tiền

Trong ngôi nhà đối diện với nơi xe 380 đỗ có hai ông bà già, một cô con gái và hai thanh niên khoảng gần ba mươi tuổi. Cô gái là con của ông bà chủ và đang học trung học, còn hai thanh niên được ông chủ cho biết là hai người cháu, hiện đang là thợ điện.

Mặc dù các anh bộ đội còn rất trẻ song họ cứ gọi họ là các anh Giải phóng và xưng em ngọt xớt. Trong những câu chuyện còn khá dè dặt, họ hỏi rất nhiều về miền Bắc, về Mặt trận giải phóng, về cách đối xử của chế độ mới với những người sống dưới chế độ cũ và các chiến sĩ đã giải thích cho họ những vấn đề cần thiết một cách ngắn gọn, dễ hiểu nhất.

Khi đã tự nhiên hơn, các câu chuyện của họ đã mở rộng ra nhiều đề tài khác nhau. Hai thanh niên hỏi các anh giải phóng đánh vào Đà Nẵng bằng đường nào, và khi biết họ đưa xe tăng vượt đèo Hải Vân để giải phóng Đà Nẵng họ phục lắm.

Bà Huyện Thanh quan làm binh vận cùng lính xe tăng - Chuyện chỉ có ở Việt Nam - Ảnh 2.

Các lực lượng Quân Giải phóng gặp nhau tại trung tâm thành phố. Ảnh: Danang.gov.vn

Bởi vì hồi đó đường qua đèo Hải Vân chưa mở rộng như bây giờ và nó vẫn là nỗi ám ảnh cho những ai có việc phải đi qua nó bằng đường bộ, trong khi những chiếc xe tăng lại nặng nề và to lớn thế kia.

Thực ra, đối với đội ngũ lái xe của Đại đội xe tăng 4 này- những lái xe đã đưa được xe tăng vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam thì việc lái xe tăng qua đèo Hải Vân chỉ là chuyện vặt.

Mặc dù đèo có cao, vực có sâu, nhiều cua gấp song đường lại rộng, mặt đường láng nhựa tốt bằng vạn đường Trường Sơn, nếu nói về độ hiểm trở còn thua cả Đèo Ngang.

Nhắc đến Đèo Ngang một chiến sĩ trẻ bỗng cao hứng đọc luôn bài thơ Qua Đèo Ngang của bà huyện Thanh Quan, sau đó anh còn bình luận thêm vài câu nữa cả về nội dung lẫn nghệ thuật và niêm, luật của bài thơ.

Hai thanh niên chăm chú ngồi nghe thơ và bình thơ. Họ tỏ vẻ rất ngạc nhiên, sau đó một người dè dặt hỏi: "Chắc trước khi vào lính anh đã học qua văn khoa?". Cậu chiến sĩ trẻ đỏ bừng mặt thú nhận mới học hết phổ thông trung học.

Tuy nhiên, hai người thanh niên nọ không tin. Họ quả quyết rằng phải học qua Văn Khoa mới có thể bình thơ như thế được. Cô gái học sinh trung học cũng góp phần phụ họa với hai ông anh làm cậu chiến sĩ trẻ không thể chen lời vào giải thích được.

Sự việc chỉ được giải quyết khi đồng chí trưởng xe- người lớn tuổi nhất trong xe lên tiếng xác nhận cho chiến sĩ của mình.

Sự việc cũng chẳng có gì đáng kể nếu như không có việc sau bữa cơm trưa hôm đó hai thanh niên ra xe mời các chiến sĩ vào nhà uống nước. So với trước đó họ có một vẻ gì đó rất trịnh trọng làm cả xe ngạc nhiên và cảnh giác, nghe ngóng. Nhưng đúng là không có việc gì quá nghiêm trọng cả!

Sau khi mời các chiến sĩ ngồi uống nước, một trong hai thanh niên đứng dậy, hai tay chắp trước bụng nói khẽ khàng:

"Thưa các anh Giải phóng, từ hôm qua đến nay chúng em đã nói dối các anh. Chúng em không phải là thợ điện mà là thợ máy không quân Sài Gòn, cả hai đều đã đi tu nghiệp ở Mỹ về và làm việc ở sân bay Đà Nẵng.

Từ hôm giải phóng về chúng em lánh tạm nhà bà con ở đây, cũng định nghe ngóng xem tình hình thế nào rồi mới tính tiếp. Rất mong các anh đừng bắt tội!".

Các chiến sĩ trẻ đều hơi ngỡ ngàng vì từ hôm qua tới nay ra vào uống nước, nói chuyện mà có ai nghi ngờ điều gì đâu. Một lần nữa họ nhắc lại "Lời kêu gọi của Mặt trận Giải phóng" và khuyên họ đến Uỷ ban quân quản trình diện, họ hứa sẽ nghe theo và thu xếp đi ngay.

Bà Huyện Thanh quan làm binh vận cùng lính xe tăng - Chuyện chỉ có ở Việt Nam - Ảnh 3.

Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ tại cuộc Meeting mừng giải phóng Quảng Nam – Đà Nẵng, tại Đà Nẵng 1975. Ảnh tư liệu.

Sự việc diễn ra quá nhanh làm mấy anh em trong xe cứ bàn tán và đặt câu hỏi "Tại sao đến hôm nay họ mới ra trình diện?".

Mỗi người một ý nhưng có lẽ tất cả đều thống nhất với nhau rằng: hai người lính ấy đã tin rằng những người lính cách mạng - mà trong hành trang khi ra trận lại có cả thơ của Bà huyện Thanh Quan chắc chắn sẽ không bao giờ làm hại họ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại